Thế giới bất ổn mang lại lợi ích kinh tế lớn lao gì cho UAE?
Từ ngày 30/11/2023, 70.000 đại biểu khắp thế giới đổ về Dubai tham dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu hàng năm của Liên Hợp Quốc (COP28). Cuộc họp kéo dài 12 ngày quy tụ các nhà ngoại giao, nguyên thủ quốc gia, doanh nhân và nhiều tổ chức xã hội. Nếu có thời gian ra ngoài tham quan, họ sẽ thấy một thành phố và một quốc gia đang ở thời kỳ tăng trưởng đáng kinh ngạc.
Rất nhiều tiền đã đổ về UAE thời gian qua, từ các tỷ phú Nga, doanh nhân Ấn Độ và giới tài phiệt phương Tây. Tháng 9/2023, người mua xếp hàng để tậu những biệt thự tại khu Palm Jebel Ali của thành phố Dubai, mặc dù cái giá không hề rẻ chút nào: 5 triệu USD mỗi căn. Thời điểm đó, toàn bộ khu nhà thậm chí chưa được khởi công.
Giá dầu mỏ tăng đột biến năm 2022, mang lại cho UAE thêm 100 tỷ USD, tức chia bình quân mỗi người dân 100.000 USD. Nhưng dầu mỏ không phải lý do duy nhất giúp quốc gia này thịnh vượng. Trong thời kỳ bất ổn địa chính trị khắp nơi như hiện nay, UAE giống một điểm trú trong cơn bão. Các công ty đa quốc gia đang xây dựng nhà máy và văn phòng với tốc độ chưa từng thấy trong suốt 5 thập kỷ, từ khi nước này giành độc lập. Hiện dầu mỏ và khí đốt chiếm chưa tới 1/3 GDP. Tỷ lệ tiếp tục có xu hướng giảm. Nửa đầu năm 2023, nền kinh tế phi dầu mỏ của UAE tăng trưởng 5,9%.
Vị thế của UAE trên bản đồ thế giới cũng đang đi lên nhanh chóng. Hội nghị COP28 là một ví dụ. Đất nước này có khoảng 10 triệu người, nhưng chỉ 1 triệu là công dân. Thông qua việc tham gia chuỗi kinh doanh toàn cầu và thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt về năng lượng sạch và hậu cần, UAE có nền kinh tế gắn chặt với phần còn lại của thế giới. Sự cởi mở về kinh tế, và cách tiếp cận không phân biệt chính trị, giúp UAE là nơi hấp dẫn với tất cả. Đây là quốc gia hiếm hoi mà giới doanh nhân từ Mỹ, Trung Quốc, Iran, Israel và Nga cùng kề vai sát cánh.
UAE theo chế độ quân chủ tuyệt đối (bảy nước hợp lại thành liên bang do Abu Dhabi lãnh đạo), nên rất ít không gian cho tiếng nói đối lập. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này có thể dẫn tới 1 số rủi ro về các quyết định vội vàng, như kinh tế hay đối ngoại.
Thiên đường về đầu tư và giao thương cho tất cả
UAE không xa lạ với sự chuyển đổi nền kinh tế. Nghề lặn và nuôi ngọc trai, trụ cột trước đây của quốc gia, dần biến mất vào đầu thế kỷ 20, khi Nhật Bản tìm ra cách nuôi ngọc trai mới hiệu quả hơn. Dầu được phát hiện vào những năm 1950. Đến 1971, UAE giành được độc lập từ Anh, và trên đà trở thành quốc gia chuyên về dầu lửa. UAE có nhiều dầu hơn Nga và là nhà sản xuất lớn thứ 7 thế giới, bơm ra thị trường hơn 3 triệu thùng mỗi ngày. Tính theo dân số, chỉ Guyana và Kuwait nhiều dầu hơn UAE.
Bất chấp sự ưu đãi này của thiên nhiên, UAE vẫn tiên phong ở vùng Vịnh trong việc đa dạng hóa nền kinh tế. Thành phố Dubai đã tạo ra các khu kinh tế có mức thuế thấp, được điều tiết nhẹ nhàng, nhằm thu hút các công ty đa quốc gia. Mặc dù cần sự cứu trợ từ Abu Dhabi sau vụ sụp đổ bất động sản năm 2009, nhưng công thức kinh tế cơ bản của thành phố này, nhằm biến mình thành trung tâm thương mại, trung tâm vận tải và trung tâm tài chính, vẫn thành công. UAE đang dùng tiền từ bán dầu vào các ngành công nghiệp quan trọng. Mục đích biến mình thành một thế lực toàn cầu. Người dân địa phương nhận xét rằng, phần lớn bước đi trên, đang được ông Muhammad bin Salman, thái tử của nước láng giềng Ả Rập Saudi sao chép.
Từ nhiều năm qua, thành phố Emirates của UAE là điểm trung chuyển quan trọng, khi nằm giữa châu Phi, châu Âu và châu Á. Hàng trăm hãng hàng không chọn UAE làm điểm dừng chân trên đường qua lại 3 châu lục. Sân bay Dubai hiện nay cũng là một trong những phi trường bận rộn nhất thế giới về du lịch. Logistics đang phát triển mạnh mẽ, hiện chiếm 8% GDP cả nước.
Môi trường kinh doanh của UAE đang cải thiện đáng kinh ngạc. Chỉ số tự do kinh tế từ Heritage Foundation của Mỹ cho thấy, UAE đứng thứ 24, thậm chí còn cao hơn Hoa Kỳ 1 bậc. Người nước ngoài ca ngợi chính phủ trong việc dễ dàng xin thị thực, lập văn phòng, lập công ty, hoặc đi thuê căn hộ.
Một doanh nhân Israel lạm việc tại Dubai nói: “Mọi người ở đây đều trao đổi về kinh tế, buôn bán, giao thương. Các khác biệt về chính trị rất ít đề cập.”
Trong chuyến đi tới UAE vài tuần sau khi cuộc chiến Israel-Hamas bùng phát, vị doanh nhân này vẫn được chào đón. Đây là sự thay đổi rất lớn so với những năm trước đây.
Những năm qua, các doanh nghiệp mới thành lập ở Dubai với tốc độ chóng mặt. Nửa đầu năm 2023, số lượng đã tăng tới 40% so với cùng kỳ năm 2022. Gần 20% số này là doanh nghiệp đến từ Ấn Độ. Tiếp theo là từ Trung Quốc và láng giềng Trung Đông. Abu Dhabi thì thành công trong việc thu hút công ty về tài chính ngân hàng.
Dòng tài nguyên đổ vào, phản ánh vai trò đa dạng mà UAE có thể đảm nhận với đối tác.
Các công ty Trung Quốc thường muốn mở trung tâm thương mại ở nước ngoài. Ví dụ Dragon Mart, một khu phức hợp bán buôn ở Dubai, là trung tâm thương mại lớn bậc nhất của hàng hóa Trung Quốc ở hải ngoại.
Các công ty Ấn Độ xem UAE có vai trò tương tự Hồng Kông và Singapore. Đó là cầu nối để hợp tác quốc tế, tiếp nhận vốn và nhân tài. Tỷ phú Mukesh Ambani – người giàu nhất Ấn Độ, đã 2 lần phá kỷ lục về sở hữu bất động sản đắt nhất Dubai. Gần đây là 1 biệt thự trên bãi biển trị giá 163 triệu USD.
Các công ty dầu mỏ của Iran đang bị phương Tây cấm vận, cũng nhìn UAE như miền đất hứa. Dầu của nước Cộng Hòa Hồi Giáo thường được trao đổi ở Fujairah, sau đó đổi màu tắc kè và xuất đi nơi khác.
Các doanh nhân Nga, do không còn hợp tác được với phương Tây, đã tìm tới Dubai như một nơi an toàn cho tài sản, vốn và thị trường ra thế giới.
Tương tự là giới doanh nhân Hồng Kông, đã chịu đựng sự mệt mỏi vì phong tỏa phòng chống Covid-19 năm 2021 và 2022.
Năm 2022, UAE có nhiều triệu phú chuyển đến sinh sống hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Chính sách chào đón doanh nghiệp và người giàu vẫn tiếp tục. Thậm chí, UAE còn cải cách một số luật hà khắc của Hồi giáo. Ví dụ người chưa kết hôn cũng được sống cùng nhau, mặc dù trước đó chính quyền đã ngó lơ như ngầm cho phép.
Không chỉ là thu hút nguồn đầu tư vào
Không chỉ thu hút từ bên ngoài vào, các công ty UAE cũng mạnh dạn đầu tư ra ngoại quốc. Các quỹ tài sản của UAE được ước lượng trị giá khoảng 1,5 nghìn tỷ USD. Họ đổ tiền vào đa dạng lĩnh vực, từ công ty Fintech của Mỹ, sản xuất xe điện ở Trung Quốc, mạng viễn thông ở Ấn Độ đến xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi.
DP World, công ty nhà nước của UAE, hiện điều hành các cảng ở khắp mọi nơi, từ London đến Sydney, với 10% lượng container toàn cầu.
Ông Sultan Ahmed bin Sulayem, chủ tịch DP World nói: “Chúng tôi đang nhân rộng thành công của Dubai ra các nước châu Phi từ năm 2020. Năm 2022, chúng tôi cùng một số công ty ở Abu Dhabi ký thỏa thuận đầu tư 6 tỷ USD vào dự án cảng và nông nghiệp ở Sudan. Tại Rwanda, chúng tôi đầu tư vào Trung tâm Vận tải Đường bộ, giúp giảm thời gian vận chuyển nội địa từ vài tuần xuống vài ngày. Ở miền Nam châu Phi, chúng tôi đầu tư vào 1 số công ty hậu cần. Ở Ấn Độ, chúng tôi đầu tư vào các tuyến đường sắt.”
Một lĩnh vực khác là năng lượng sạch. Năm 2006, UAE thành lập Masdar để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, phát triển công nghệ năng lượng sạch, bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo. Masdar hiện là một trong những nhà phát triển trang trại điện gió và điện mặt trời lớn nhất thế giới.
Các quan chức UAE hy vọng đạt được kỳ tích tương tự trong một ngành chiến lược khác là trí tuệ nhân tạo (AI). Abu Dhabi nhanh chóng nắm bắt tiềm năng của công nghệ, thành lập viện nghiên cứu, cung cấp vốn và tuyển dụng nhà nghiên cứu tài năng từ phương Tây. Kết quả là Falcon - mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở, hiện được đánh giá còn tốt hơn so với sản phẩm tương tự của Meta là Llama 2. Chính phủ hiện muốn sử dụng mô hình này, làm nền tảng số trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe. Vẫn còn quá sớm để nói Falcon có bay cao hay không, nhưng UAE thực sự có chiến lược làm điều đó.
UAE cũng cố gắng thúc đẩy lợi ích thương mại, thông qua các thỏa thuận kinh tế và đầu tư song phương. UAE là một trong những bên đầu tiên ký hiệp định Abraham, dẫn đến một số quốc gia Ả Rập thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Tiếp đó là thỏa thuận thương mại với Israel vào đầu năm 2023. Ngay cả khi các hãng hàng không phương Tây đình chỉ nhiều chuyến bay đến Tel Aviv sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10, FlyDubai và Etihad, hai hãng hàng không của Dubai, vẫn duy trì dịch vụ thường xuyên.
Ấn Độ đã ký hiệp định thương mại tự do với UAE năm 2022. Thương mại song phương kể từ đó tăng 16%. Một thỏa thuận tương tự đã được thống nhất với Indonesia. Các cuộc đàm phán với Thái Lan và Malaysia đang được tiến hành.
Đầu tháng 11/2023, UAE ký thỏa thuận với Jordan để cùng đầu tư 2 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng. UAE cũng đang đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về thương mại và đầu tư. Ngoài ra, UAE đã hỗ trợ tích cực cho Ethiopia, trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và xây dựng hải cảng.
Trong chính sách đối ngoại, quyền lực tuyệt đối và đôi khi khó lường của tổng thống UAE, cũng là người cai trị Abu Dhabi, ông Muhammad bin Zayed, được thể hiện rõ nét. Ông muốn định hình lại khu vực nhằm tăng cường ảnh hưởng của UAE. Để đạt được mục đích trên, ông đã can thiệp vào các cuộc nội chiến ở Libya, Sudan và Yemen.
Tuy nhiên, ở cả ba nơi, chiến tranh vẫn diễn ra bất phân thắng bại. Hơn nữa, ở cả ba nơi, UAE đều có mâu thuẫn với đồng minh thân cận như Mỹ hay Ả Rập Saudi.
Không chỉ trong chính sách đối ngoại, đôi khi người dân thất vọng trước những quyết định thiếu sáng suốt của người cầm quyền, chẳng hạn các doanh nhân nước ngoài đôi khi bị giam giữ không có lời giải thích.
Cho đến nay, những sai sót như vậy chưa đủ lớn để gây bất an cho người dân hoặc nhà đầu tư, dẫu có làm suy yếu cho danh tiếng.
Tiền từ dầu mỏ giúp UAE mở cửa nền kinh tế với thế giới. Abu Dhabi là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ với chi phí thấp, do đó họ sẽ tiếp tục ngay cả trong bối cảnh mức tiêu thụ toàn cầu giảm sút. Nhưng họ đang chuẩn bị nghiêm túc cho quá trình chuyển đổi.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/the-gioi-bat-on-mang-lai-loi-ich-kinh-te-lon-lao-gi-cho-uae-a128803.html