Chợ Bà Chiểu là khu chợ lớn, nằm ở khu vực trung tâm quận Bình Thạnh, TP.HCM. Đây là một trong những ngôi chợ lâu đời của thành phố này, thành lập từ thế kỷ 19. Ban đầu, nơi này có tên là chợ Xổm, sau đó dần dần phát triển và trở thành chợ trung tâm của tỉnh Gia Định (tỉnh được thành lập thời vua Minh Mạng, sáp nhập với Sài Gòn vào năm 1975, nay tương ứng với TP Thủ Đức và các quận 7, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè).
Năm 1942, chợ được ông Trần Văn Chơi (biệt danh “Tư Chơi") cho xây cất trên tổng diện tích 8.465 m². Năm 1987, chợ lại được nâng cấp sửa chữa.
Chợ Bà Chiểu từng là chợ đầu mối lớn của Sài Gòn cũ, chuyên cung cấp rau củ từ Hóc Môn, Củ Chi, Đà Lạt... Ngày nay, nó là chợ trung tâm của quận Bình Thạnh.
Cái tên chợ Bà Chiểu khiến không ít người thắc mắc: Bà Chiểu là ai?
Chợ Bà Chiểu từng là chợ đầu mối lớn của Sài Gòn cũ, chuyên cung cấp rau củ từ Hóc Môn, Củ Chi, Đà Lạt... Ngày nay, nó là chợ trung tâm của quận Bình Thạnh. |
Học giả Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà khảo cứu văn hóa nổi tiếng thế kỷ 19, cho rằng: Bà Chiểu, cũng như Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom – những ngôi chợ nổi tiếng, thân thuộc với người dân Sài Gòn, đều được đặt theo tên của 5 bà vợ Lãnh Binh Thăng (Nguyễn Ngọc Thăng, võ tướng thời vua Tự Đức, thuộc thế hệ chống Pháp đầu tiên của Nam Kỳ, cầu ông Lãnh bắc qua rạch Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4, được cho là do ông xây dựng và đặt theo tên ông).
Theo học giả Trương Vĩnh Ký, ông Lãnh binh Thăng lập 5 chợ ở các khu vực khác nhau, giao cho mỗi bà vợ cai quản một chợ. Đây là giải pháp có hai tác dụng, một là để phát triển kinh tế, hai là để các bà bận bịu kinh doanh mà không có va chạm với nhau, việc 5 ngôi chợ nằm ở 5 khu vực cũng là để tránh sự chạm mặt giữa các bà. Theo đó, Bà Chiểu là tên một trong 5 bà vợ của Lãnh binh Thăng.
Tuy nhiên, nhà văn Sơn Nam (1926 – 2008), nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ nổi tiếng, lại có cách giải thích khác. Theo ông, Bà Chiểu là tên vùng đất xuất hiện từ thời vua Tự Đức (nửa sau thế kỷ 19), và đây không phải tên một người cụ thể nào trong lịch sử mà tên của một vị nữ thần.
Theo lý giải của Sơn Nam, Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên; Bà Chiểu là "nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên".
Trong cuốn Từ Bến Nghé đến Sài Gòn, tác giả Trần Nhật Vy cho biết, hồi xưa, chợ Bà Chiểu từng quay mặt ra một rạch nhỏ ăn từ kênh Nhiêu Lộc trở vào, nghĩa là có khu vực nước tự nhiên.
Học giả Vương Hồng Sển (1902 – 1996), nhà nghiên cứu văn hóa, được đánh giá là có hiểu biết sâu rộng về miền Nam, cũng không đồng tình với cách lý giải “Bà Chiểu là một trong các bà vợ của Lãnh binh Thăng”. Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, ông cho rằng nên thận trọng khi cho Ông Lãnh và Bà Chiểu, Bà Điểm, Bà Hom, Bà Hạt, Bà Quẹo là vợ chồng.
Theo học giả này, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Chiểu có thể là tên người đầu tiên buôn bán tại các chợ này, được dân lấy tên đặt cho chợ. Ông lấy ví dụ chợ Bà Hoa ở quận Tân Bình, TP.HCM do người phụ nữ tên Hoa hiến đất xây nên và cũng là người đầu tiên buôn bán ở đây.
Như vậy, cũng như nhiều địa danh cổ xưa mang tính chất dân gian khác, nguồn gốc cái tên chợ Bà Chiểu chưa thể được xác định chính xác, rõ ràng. Các học giả cũng chỉ nêu ra giả thiết của mình để người dân và giới nghiên cứu có thể tham khảo.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ba-chieu-la-ai-a129521.html