Theo báo New York Times, năm 2024 hứa hẹn sẽ có nhiều sự kiện đáng nhớ hơn nữa "trên các bệ phóng, trên quỹ đạo và xung quanh hệ Mặt trời", sau loạt sự kiện lớn trong năm 2023. Tạp chí Nikkei Asia cho rằng các hoạt động không gian - cả của nhà nước và tư nhân - sẽ gia tăng với sự tham gia của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.
Trong lĩnh vực tên lửa đẩy, một trong những trọng tâm là khả năng tái sử dụng - cách tiếp cận do SpaceX tiên phong.
Công ty vũ trụ tư nhân này đã cho tên lửa đẩy hạ cánh thành công sau khi phóng vào năm 2015, và sau đó phóng tên lửa đẩy tái chế vào năm 2017.
Hiện nay SpaceX trong quá trình phát triển tàu vũ trụ Starship khổng lồ nhằm cung cấp phương tiện vận chuyển cho các sứ mệnh của con người lên Mặt trăng và sao Hỏa, đồng thời có khả năng tái sử dụng nhanh chóng.
Sau khi quay trở lại từ không gian, Starship có thể được tiếp nhiên liệu và sẵn sàng phóng trở lại sau khoảng thời gian ngắn.
SpaceX vẫn đang là nhà khai thác thương mại duy nhất các tên lửa có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, tên lửa đẩy Falcon 9 có thể sẽ đối mặt nhiều đối thủ cạnh tranh, từ tên lửa Vulcan (liên doanh của Boeing và Lockheed Martin chế tạo), Ariane 6 (châu Âu), H3 (Nhật Bản) cho tới New Glenn (Công ty Blue Origin của tỉ phú Jeff Bezos).
Đáng chú ý, LandSpace Technology, công ty vũ trụ tư nhân của Trung Quốc, cũng đang lên kế hoạch phóng các tên lửa có thể tái sử dụng vào năm 2025 theo cách tiếp cận gần giống với SpaceX. Tên lửa LandSpace sẽ sử dụng khí metan làm nhiên liệu giống như Starship.
Nhiều sứ mệnh khác
Trong hệ mặt trời rộng lớn, sẽ còn có nhiều sứ mệnh khám phá lớn nhỏ khác trong năm 2024. Một sứ mệnh lớn đáng chú ý trong năm nay là Europa Clipper vào tháng 10, khi NASA phóng tàu Europa Clipper khám phá Europa - mặt trăng của sao Mộc. Europa có bề mặt băng giá, được cho là đang che giấu một đại dương rộng lớn mà theo các nhà khoa học có thể chứa các điều kiện thích hợp cho sự sống.