An Giang: Bắt giữ số lượng lớn bột ngọt và bột giặt giả mạo nhãn hiệu lớn

Bằng công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã kịp thời phát hiện một phương tiện vận chuyển số lượng lớn bột ngọt và bột giặt nhập lậu. Từ đây, cơ quan chức năng đã phát hiện được 1 cơ sở chuyên sản xuất bọt ngọt và bột giặt giả mạo nhãn hiệu để bán kiếm lời.

Bằng công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã kịp thời phát hiện một phương tiện vận chuyển số lượng lớn bột ngọt và bột giặt nhập lậu. Từ đây, cơ quan chức năng đã phát hiện được 1 cơ sở chuyên sản xuất bọt ngọt và bột giặt giả mạo nhãn hiệu để bán kiếm lời.

Cụ thể, mới đây, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an huyện Phú Tân, An Giang đã phát hiện, bắt quả tang xe ô tô tải biển kiểm soát 65C-074.64 do ông Huỳnh Thanh Sơn, sinh năm 1968, ngụ khóm Long Thạnh A, phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu điều khiển chở 500 bao bột ngọt nhãn hiệu Saji (loại 500gam/bao) và 20 bao bột giặt nhãn hiệu Aba (loại 3kg/bao) không hóa đơn chứng từ.

Làm việc với cơ quan Công an, ông Huỳnh Thanh Sơn thừa nhận vận chuyển thuê số hàng hóa trên cho bà Trần Thị Liêu, sinh năm 1977, ngụ ấp Phú Hiệp, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân.

Từ lời khai trên, Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy Công an huyện phối hợp với Công an thị trấn Chợ Vàm tiến hành kiểm tra nơi cất giấu tang vật là nhà ở của bà Trần Thị Liêu tại khu vực tổ 15 Phú Hiệp, thị trấn Chợ Vàm.

Kết quả phát hiện, trong nhà có 20 bao bột ngọt nhãn hiệu nước ngoài (loại 25kg/bao), 3 bao bột ngọt nhãn hiệu Saji (loại 500 gam/bao) 2 cân điện tử, 1 máy ép nhãn hiệu, 1 bao bột năng, cùng nhiều bao bì bột ngọt, bột giặt nhãn hiệu Saji, Vedan, Ajinomoto, Omo, Aba….

Qua làm việc với cơ quan Công an, bà Trần Thị Liêu thừa nhận những tang vật trên dùng để sản xuất bột ngọt và bột giặt giả để bán ra thị trường. Vụ việc đang được tiếp tục xác minh làm rõ.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2217/QĐ-BCT rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bột ngọt được phân loại theo mã HS 2922.42.20 có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia (mã vụ việc AR01.AD09).

 Ngoài ra, vào ngày 22/7/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1933/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia.

Kết quả điều tra theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Luật quản lý Ngoại thương cho thấy, hàng nhập khẩu bán phá giá đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

Cơ quan điều tra cũng xác minh biên độ phá giá cụ thể của các doanh nghiệp Trung Quốc và Indonesia để đề xuất mức thuế chống bán phá giá tương ứng. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong kết luận điều tra chính thức không thay đổi so với kết luận sơ bộ, ở mức 6.385.289 đồng/tấn.

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, sau 1 năm kể từ ngày áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức, các bên liên quan có quyền nộp hồ sơ đề nghị rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Để đảm bảo lợi ích cho tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị các tổ chức, cá nhân đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc rà soát để tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình tiến hành rà soát, gửi các ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến nội dung rà soát; hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra rà soát.

Minh Long - Suckhoetoday

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/an-giang-bat-giu-so-luong-lon-bot-ngot-va-bot-giat-gia-mao-nhan-hieu-lon-a1490.html