Trên 2 triệu người lao động trong ngành dịch vụ rơi vào cảnh thất nghiệp?

Theo báo cáo "Vietnam at a glance" HSBC vừa công bố, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều người lao động buộc phải rời khỏi thị trường, trên 2 triệu người lao động trong ngành dịch vụ rơi vào cảnh thất nghiệp trong quý III năm 2021.

Theo báo cáo "Vietnam at a glance" HSBC vừa công bố, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều người lao động buộc phải rời khỏi thị trường, trên 2 triệu người lao động trong ngành dịch vụ rơi vào cảnh thất nghiệp trong quý III năm 2021.

Du lịch vốn là trọng tâm ưu tiên của nhiều quốc gia bởi đây là ngành có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường việc làm trong nước. Trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong nhiều năm. Thống kê cho thấy, lượng khách du lịch tới Việt Nam đã tăng kỷ lục lên đến trên 18 triệu lượt vào năm 2019, mang đến nguồn thu 33 tỷ USD, tương đương 12,5% GDP.

Tuy nhiên, kể từ năm 2020 đến nay, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, các hoạt động du lịch gần như dừng hẳn. Việt Nam chỉ đón 3,8 triệu lượt khách vào năm 2020 và tổng lượng khách du lịch đến thời điểm hiện tại của năm 2021 còn chưa bằng 1% của năm 2019.

Đường bay quốc tế đóng cửa, thiếu vắng khách nước ngoài nên các dịch vụ như lưu trú, vận tải và ăn uống, khó để phục hồi đúng nghĩa dù dịch bệnh đang dần được kiểm soát.

Trong những giai đoạn Việt Nam kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh, du lịch nội địa đã phần nào được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đợt bùng dịch do biến chủng Delta xuất hiện cuối quý II năm 2021 đã khiến các dịch vụ du lịch gián đoạn đột ngột.

Dịch vụ lưu trú và ăn uống trong quý III năm 2021 sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy ngành này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đợt giãn cách kéo dài.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,7%).

Trong đó, du lịch lữ hành chịu ảnh hưởng nhiều nhất với mức giảm tới 64%, giảm ở các tỉnh/thành phố: Quảng Ninh giảm 31,5%; Đà Nẵng giảm 42%; Cần Thơ giảm 45,3%; Hà Nội giảm 55,4%; Hải Phòng giảm 55,7%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 56,2%; Thừa Thiên - Huế giảm 63,1%; Bình Dương giảm 67,8%; Quảng Nam giảm 82,4%; Khánh Hòa giảm 89,5%.

Tiếp đến là sự sụt giảm của dịch vụ lưu trú và ăn uống với mức giảm 22,1%, chủ yếu do sụt giảm tại Quảng Ninh giảm 12,6%, Cần Thơ giảm 14,9%, Đà Nẵng giảm 17,5%, Đồng Nai giảm 20,8%, Hà Nội giảm 24,9%, Bình Dương giảm 26,4%, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 30,5%, Nghệ An giảm 34,1%.

Thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng khi hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập, hàng triệu lao động mất việc làm, bị cắt giảm thu nhập. Cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động, đặc biệt là lao động trong ngành dịch vụ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

HSBC ước tính, khoảng 10% lực lượng lao động của Việt Nam tập trung trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, vận tải và giải trí, đây là đều là những ngành liên quan mật thiết đến du lịch. 

Khi ngành du lịch rơi vào tình trạng ngưng trệ, khoảng 60% người lao động bị mất việc làm trong năm 2020, 90% đã nghỉ việc tính đến tháng 5/2021.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chi tiết tác động lên ngành du lịch, nhưng dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, trên 2 triệu người lao động trong ngành dịch vụ rơi vào cảnh thất nghiệp trong quý III năm 2021, thu nhập bị giảm 15% so với quý trước.

Minh Châu

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tren-2-trieu-nguoi-lao-dong-trong-nganh-dich-vu-roi-vao-canh-that-nghiep-a1513.html