Thống kê từ báo cáo tài chính cho thấy, nhóm các "ông lớn" trong ngành phân bón - hóa chất hầu hết đều báo kết quả kinh doanh tăng trưởng.
Nổi bật nhất là CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã DCM) với doanh thu 3.863 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ. Với việc có thêm 176 tỷ đồng chủ yếu là thặng dư lợi nhuận từ việc mua Nhà máy phân bón Hàn Việt (KVF) đã giúp DCM lãi ròng 569 tỷ đồng, gấp gần 2 lần cùng kỳ.
Lũy kế nửa đầu năm, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu 6.607 tỷ đồng và lãi ròng 915 tỷ đồng tăng lần lượt 10% và 69% so với cùng kỳ. So với kế hoạch thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, DCM thực hiện được 56% mục tiêu doanh thu, và vượt gần 16% kế hoạch lãi sau thuế của cả năm.
Một "ông lớn" khác là Đạm Phú Mỹ (mã: DPM) báo lãi ròng 239 tỷ đồng trong quý II, gấp 2,3 lần. Động lực tăng trưởng nằm ở sự phục hồi của giá phân bón và tiết kiệm chi phí. Qua đó, lợi nhuận sau thuế bán niên đạt 503 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 93% kế hoạch năm.
Trong số các thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Phân bón Bình Điền (mã BFC) vừa báo lãi ròng kỷ lục với 232 tỷ đồng trong nửa đầu năm, gấp 7,5 lần cùng kỳ.
Một số thành viên khác trong nhóm Vinachem cũng có kết quả kinh doanh tích cực như: Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã LAS) lãi ròng tới 67 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ; Hóa chất Cơ bản Miền Nam (mã CSV) với lợi nhuận quý II đạt 69 tỷ đồng lãi ròng, tăng 38% hay Công ty Cổ phần DAP-Vinachem (mã DDV) có quý tăng ấn tượng với 64 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 72 lần cùng kỳ, và là quý đạt lợi nhuận cao thứ 5 kể từ khi cổ phiếu lên sàn UPCoM năm 2015.
Riêng "ông lớn" Hóa chất Đức Giang (mã: DGC) dù vẫn dẫn đầu về lãi ròng toàn ngành trong quý II với 842 tỷ đồng nhưng ngược chiều giảm nhẹ 3%. Mới lợi nhuận này chỉ thua thời điểm đạt đỉnh lợi nhuận vào giai đoạn 2021-2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hóa chất Đức Giang đạt lợi nhuận sau thuế 1.515 tỷ đồng, giảm 7% cùng kỳ.