Cận cảnh quy trình rửa mặn cát biển để thi công cao tốc Cần Thơ – Cà Mau
Cát biển sau khi được khai thác tại biển Sóc Trăng, sẽ được đưa về vùng nước ngọt sông Hậu cách mỏ khoảng 40km để rửa mặn. Hơn 2 tháng khởi công, đến nay, mỏ cát biển đã đưa về dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau hơn 90.000m³.
Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp bản xác nhận khu B1.1 và B1.2 cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C khai thác phục vụ thi công Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau .
Ngày 29/6, nhà thầu bắt đầu khai thác cát biển. Phương pháp khai thác cát biển tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng là sử dụng vòi hút của các tàu rùa chạy dài trên mặt cát dưới đáy biển. Khu vực biển khai thác cát được ngành chức năng giới hạn bởi bốn điểm góc có tọa độ cụ thể. Độ sâu được phép khai thác là 7,5m, độ cao được phép sử dụng là 5m tính từ mặt nước biển. Thời hạn khai thác cát biển đến hết ngày 21/12/2024. Thời gian các đơn vị liên quan được khai thác khoáng sản từ 7 - 17h hằng ngày (không khai thác ban đêm).
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khởi công ngày 1/1/2023, có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước. Dự án được phân thành 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37km và Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km. Dự kiến tuyến cao tốc hoàn thành năm 2025.