Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), nửa đầu tháng 8/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU đạt gần 8 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này tính đến ngày 15/8/2024 đạt 107 triệu USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, Hà Lan vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối EU, với giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 triệu USD, tăng 74% trong nửa đầu tháng 8. Tính đến ngày 15/8/2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt gần 30 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài Hà Lan, Đức cũng giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 7/2024. Điều này khiến lũy kế xuất khẩu cá tra sang Đức trong 7 tháng đầu năm nay giảm nhẹ 1%. Tuy nhiên, nửa đầu tháng 8/2024, xuất khẩu cá tra sang nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đạt gần 2 triệu USD, tăng 183% so với cùng kỳ năm 2023.
Về cơ cấu sản phẩm, VASEP cho biết, xuất khẩu cá tra GTGT sang EU trong 7 tháng đầu năm nay sụt giảm 21% so với cùng kỳ và chỉ đạt gần 2 triệu USD, chỉ có riêng tháng 3, 5, 6 ghi nhận tăng trưởng dương. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá khô và sản phẩm đông lạnh khác trong 7 tháng đầu năm nay sang EU cũng giảm 5%, đạt gần 4 triệu USD.
Sản phẩm cá tra chủ lực Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vẫn là phile đông lạnh, với giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay đạt hơn 93 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia VASEP nhận định, thăng trầm nửa đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU vẫn có lý do để kỳ vọng vào nửa cuối năm khi nền kinh tế châu Âu đảm bảo tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục. Ngoài ra, giá cả thị trường và tiêu dùng cũng dần ổn định sẽ là lực đẩy để xuất khẩu cá tra sang EU tăng trở lại khi các dịp lễ cuối năm đang đến gần.
Liên quan đến công tác gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam của Ủy ban châu Âu (EC), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: "So với 4 lần thanh tra trước, chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, xử lý vi phạm pháp luật cũng tạo được sức răn đe".
Tuy nhiên, ông Tiến thẳng thắn nhìn nhận rằng mặc dù văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, quyết tâm chính trị cao và rất quyết liệt, song vấn đề tổ chức thực hiện ở địa phương còn hạn chế.
3 vấn đề quan trọng nhất là quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và xử phạt vi phạm hành chính phải được xử lý thật nghiêm nếu có vi phạm. Tỉ lệ vi phạm bị xử phạt còn thấp chứng tỏ chưa có sự vào cuộc đồng bộ.
Việc gỡ "thẻ vàng" IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì EU nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc.
Do đó, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp uỷ, người đứng đầu ở ngành, địa phương.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/thang-tram-nua-dau-nam-xuat-khau-ca-tra-van-co-ky-vong-tang-truong-a181584.html