Do ảnh hưởng của bão số 3, một số khu vực của Công ty TNHH Global Material Handling, Khu công nghiệp (KCN) DEEP C 2A Hải Phòng bị tốc mái, tường kho nhà xưởng bằng tôn cũng bị cuốn bay.
Ông Pan Xing Hua, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Global Material Handling (Hải Phòng) cho biết, ngay sau khi cơn bão đi qua, doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào thống kê, đánh giá thiệt hại và phối hợp với các đơn vị để khắc phục, sớm đưa nhà máy vào sản xuất.
"Trong sáng 9/9, tất cả các nhà thầu đã đến hiện trường đánh giá thiệt hại, trong đó đưa ra tiến độ thực hiện khắc phục. Còn tại nhà máy, chúng tôi cũng đã mua những tấm bạt để che chắn các thiết bị và máy móc để tránh trường hợp tới đây trời tiếp tục mưa. Sáng 9/9, KCN cũng đã khôi phục cấp điện cho nhà máy. Chúng tôi đang kiểm tra điện của thiết bị và tiến hành thổi khô, sấy khô; sau đó mới cấp điện để hoạt động"', ông Hua chia sẻ.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, hầu hết các KCN tại Hải Phòng đều bị thiệt hại nặng do bão số 3. Các doanh nghiệp trong các KCN đều có cây xanh bị gẫy đổ; nơi thiệt hại cao nhất lên tới 90% và thiệt hại thấp nhất là 30%. Một số điểm bị ngập lụt cục bộ trong bão. Nhiều doanh nghiệp nhà xưởng bị tốc mái, một số tường bị xé, đổ cổng, hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà xe, cửa tôn kéo bị lật; không ghi nhận thiệt hại về người.
Ông Bruno Jaspert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho biết, theo đánh giá, hơn 90% công ty trong KCN DEEP C bị thiệt hại và ít nhất 50% chịu tổn thất nặng nề.
"Các công ty vừa phải khắc phục hậu quả vừa phải chuẩn bị cho mùa mưa bão sắp tới để bảo vệ hàng hóa. Từng bước một, chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ hỗ trợ các đơn vị này và hy vọng họ sớm có thể vận hành nhà máy bình thường và ổn định sản xuất trở lại. Tuy nhiên với vài trường hợp, có lẽ phải mất ít nhất 1 - 2 tháng" - ông Jasspert nói.
Những ngày qua, lãnh đạo và các ban ngành thành phố Hải Phòng đã quan tâm, chia sẻ và đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước khắc phục sự cố. Ngay sau khi bão tan, sáng 8/9, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng đã trực tiếp xuống thăm và động viên một số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Nhật Bản- Hải Phòng; Khu công nghiệp An Dương; Khu công nghiệp Tràng Duệ...
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng chỉ đạo các đơn vị ưu tiên việc khắc phục cấp điện, cấp nước, đảm bảo thông tin liên lạc trở lại cho các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đến ngày 9/9, 100% khu công nghiệp tại Hải Phòng đã được cung ứng điện; các điều kiện khác để hoạt động sản xuất trở lại thông suốt như nước, internet cũng đã cơ bản khắc phục.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, Ban quản lý cùng lãnh đạo các địa phương đã kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại và hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục hậu quả nhanh nhất, ổn định sản xuất kinh doanh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật, cũng như tiếp tục theo dõi động viên và hỗ trợ trong thẩm quyền của Ban quản lý KKT; nếu khó khăn của doanh nghiệp đề xuất mà vượt thẩm quyền thì chúng tôi sẽ báo cáo với UBND thành phố với Thành ủy để tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp, làm thế nào sớm nhất ổn định sản xuất, để đảm bảo cho chuỗi cung ứng được thông suốt. Thông điệp của lãnh đạo thành phố Hải Phòng là sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để đi vào sản xuất đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại của bão", ông Kiên thông tin.
Theo đánh giá sơ bộ của BQL KKT Hải Phòng, trong ngày 10/9, khoảng 95% số doanh nghiệp trong các KCN, KKT tại Hải Phòng bắt đầu hoạt động trở lại để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hoá cũng như đáp ứng các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.