Bất động sản khách sạn ở Nhật Bản, Trung Quốc hút các nhà đầu tư

Bất động sản ở Nhật Bản là mục tiêu đầu tư ưa thích trong bối cảnh du lịch tăng vọt, đồng Yên yếu và lãi suất thấp.

Theo các nhà phân tích, các khách sạn đang chứng tỏ là đối tượng được nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu yêu thích khi nhu cầu đi du lịch của người tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng bất chấp những bất ổn kinh tế.

Trong phân khúc này, Nhật Bản tỏ ra áp đảo, khi các chủ khách sạn và nhà đầu tư chọn xứ sở của hoa anh đào, sushi và sumo làm điểm đến đầu tư hàng đầu.

Sabine Schaffer, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành tại khu vực châu Âu của nhà đầu tư và điều hành khách sạn Pro-invest Group có trụ sở tại Australia, cho biết: “Phân khúc khách sạn đang nhìn thấy tia hy vọng sau đại dịch COVID-19”. “Ngành dịch vụ khách sạn, nhà hàng có lẽ là loại tài sản ít được yêu thích nhất khi du lịch thế giới tạm ngừng trệ sau sự bùng phát của COVID-19, nhưng đã trở thành một trong những loại tài sản được săn đón nhiều hơn.”

Hơn một nửa trong số 300 nhà đầu tư được CBRE khảo sát trên toàn thế giới hồi đầu năm nay cho biết họ dự định mua nhiều tài sản là khách sạn trong năm nay hơn so với năm 2023, trong khi chỉ 14% dự kiến sẽ mua ít khách sạn hơn.

Những lý do hàng đầu được đưa ra khiến việc đầu tư vào khách sạn tăng lên bao gồm kỳ vọng về lợi nhuận cao hơn, điều chỉnh giá và chi phí vốn thấp hơn.

Khoảng 3/4 số người được hỏi cũng cho biết họ quan tâm nhất đến tài sản khách sạn mang tính cơ hội và giá trị gia tăng trong năm nay.

Theo Schaffer, có hai yếu tố đang thúc đẩy đầu tư vào khách sạn. Một là du lịch “trả thù”, bù đắp cho những cơ hội du lịch đã bỏ lỡ trong đại dịch COVID-19. Hai là, thế hệ trẻ thích trải nghiệm kỳ nghỉ hơn là quyền sở hữu.

Nhật Bản là mục tiêu đầu tư được yêu thích do cả khách du lịch trong và ngoài nước đang thúc đẩy sự phát triển của ngành khách sạn tại nền kinh tế lớn thứ hai châu Á này.

Với lãi suất chỉ ở mức 0,25% và các dịch vụ du lịch đa dạng nhất trên thế giới – từ trượt tuyết ở Hokkaido đến các bãi biển ở Okinawa – Nhật Bản có rất nhiều thứ để thu hút các nhà đầu tư.

“Văn hóa độc đáo và vẻ đẹp tự nhiên của Nhật Bản không giống bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới,” Glass Wu, Giám đốc điều hành và người sáng lập của Japan Hana Real Estate, công ty tiếp thị tất cả phân khúc bất động sản ở Nhật Bản cho văn phòng gia đình, cá nhân giàu có và nhà đầu tư trên toàn thế giới, cho biết. “Những gì chúng tôi nghe được từ khách hàng của mình là họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc đi lại trong những ngày này và với việc đồng Yên suy yếu so với đồng đô la, việc đi du lịch và mua sắm ở Nhật Bản sẽ rẻ hơn rất nhiều.”

Tokyo đang đặt mục tiêu chào đón 60 triệu du khách vào năm 2030, với lượng khách du lịch này dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế thông qua việc chi tiêu ước khoảng 15 nghìn tỷ Yên (106,6 tỷ USD).

Clarence Tan, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tập đoàn khách sạn Hilton, trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết Hilton đã khai trương Canopy by Hilton Osaka Umeda gồm 308 phòng trong tháng này.

Còn ở Trung Quốc đại lục, mặc dù nền kinh tế giảm tốc và cuộc khủng hoảng bất động sản dai dẳng, vẫn đang nhận được sự chú ý từ những khách sạn như Radisson Hotels.

Ramzy Fenianos, Giám đốc phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tập đoàn khách sạn có trụ sở chính tại Minnesota, Mỹ, cho biết: “Chúng tôi ký hợp đồng với 150 khách sạn Radisson mới ở Trung Quốc mỗi năm… chủ yếu ở phân khúc trung cấp và cao cấp”.

Trong khi đó, Tập đoàn khách sạn Mandarin Oriental hồi đầu tháng này đã khai trương Mandarin Oriental Qianmen ở Bắc Kinh, khách sạn thứ hai ở thủ đô Trung Quốc.

James Mabbutt, Giám đốc phát triển của công ty có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: “Khách sạn gồm 42 phòng nằm trong con hẻm dẫn vào khu dân cư, vốn là những ngôi nhà có sân truyền thống và nó thực sự là nét chấm phá trong cộng đồng địa phương”. “Chúng tôi đang định vị mình là một người sáng tạo có kinh nghiệm trong dự án này. Trên khắp khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, cơ hội thực sự đến từ kinh nghiệm, với những bất động sản hạng sang nhỏ và đây là nơi chúng tôi thực sự tập trung”.

Taimur Baig, người đứng đầu bộ phận kinh tế toàn cầu và chiến lược vĩ mô về lãi suất, tín dụng và tiền tệ tại DBS Group Research, cho biết các nước Đông Nam Á cũng đem đến cơ hội tốt cho các nhà đầu tư. Ông nói: Với dân số lớn và trẻ trung cũng như nền kinh tế thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có “rất nhiều điều lạc quan về khu vực này trong thập kỷ tới”.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/bat-dong-san-khach-san-o-nhat-ban-trung-quoc-hut-cac-nha-dau-tu-a183936.html