Lỗ đen bí ẩn vừa phóng ra cặp tia plasma khổng lồ, dài bằng 140 Dải Ngân hà cộng lại

Giới khoa học cho rằng chúng có vai trò nhất định trong công cuộc hình thành sao cũng như thiên hà.

Lỗ đen bí ẩn vừa phóng ra cặp tia plasma khổng lồ, dài bằng 140 Dải Ngân hà cộng lại- Ảnh 1.

Các nhà thiên văn học vừa phát hiện ra hai tia plasma với kích cỡ kỷ lục, bắn ra từ một lỗ đen khổng lồ và lao thẳng về không gian (được cho là) vô tận.

Hai dòng plasma vừa được phát hiện ra sở hữu kích cỡ lớn chưa từng có, với chiều dài tới 23 triệu năm ánh sáng, tương đương với 140 Dải Ngân hà xếp cạnh nhau. Các nhà khoa học đặt tên cho cặp tia plasma này là Porphyrion, theo tên một thành viên của tộc khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp.

Lỗ đen bí ẩn vừa phóng ra cặp tia plasma khổng lồ, dài bằng 140 Dải Ngân hà cộng lại- Ảnh 2.

Hình minh họa.

Những tia vật chất phóng ra từ lỗ đen được cấu thành từ các hạt mang điện, phần lớn là ion, electron bên cạnh một số hạt khác. Vận tốc bay của chúng được đẩy tới mức tiệm cận tốc độ ánh sáng nhờ từ trường khổng lồ vốn bọc quanh lỗ đen. Giới thiên văn học đã biết về sự tồn tại của những tia như vậy suốt hơn 100 năm nay, nhưng chúng vẫn được cho là “hàng hiếm” và sở hữu kích cỡ khiêm tốn.

Cặp tia plasma Porphyrion được phát hiện ra bởi Chùm kính viễn vọng Tần số Thấp (Low-Frequency Array - Lofar) đặt tại Châu Âu, đã từng phát hiện ra tới hơn 10.000 tia tương tự trong quá khứ. Rất nhiều tia plasma trong số đó bị bắn ra khỏi thiên hà của mình, bay thẳng tới vùng không gian vô định của mạng vũ trụ - là một mạng lưới vật chất kết nối các thiên hà với nhau.

Dựa trên kích cỡ khổng lồ của Porphyrion, các nhà thiên văn học nghi ngờ rằng nó có vai trò gì đó trong quá trình hình thành vũ trụ. Những tia vật chất dạng này có thể ảnh hưởng tới quá trình sinh sao, cùng lúc đó phun một lượng vật chất và năng lượng đáng kể vào không gian.

Lỗ đen bí ẩn vừa phóng ra cặp tia plasma khổng lồ, dài bằng 140 Dải Ngân hà cộng lại- Ảnh 3.

Cặp tia plasma Porphyrion dưới con mắt của dàn thiết bị Lofar - Ảnh: Caltech.

“ Porphyrion cho thấy vật thể từ nhỏ tới lớn trong vũ trụ đều có liên kết sâu đậm ”, Giáo sư Martijn Oei công tác tại Caltech, cũng là tác giả chính của báo cáo về Porphyrion, cho hay. “ Chúng ta đang thấy một lỗ đen duy nhất có thể sản sinh ra một cấu trúc có quy mô tương tự các sợi thiên hà ”.

Porphyrion được phát hiện ra tại một thiên hà có kích cỡ gấp 10 lần Dải Ngân hà, nằm cách Trái Đất khoảng 7,5 tỷ năm ánh sáng. Nó hình thành khi vũ trụ đang khoảng 6,3 tỷ năm tuổi - bằng khoảng một nửa tuổi vũ trụ hiện tại. Theo lời các nhà nghiên cứu, phải sau tới một tỷ năm tia plasma này mới dài được như hiện tại.

“ Rất có thể những tia phun ra từ lỗ đen tương tự Porphyrion có thể tồn tại trong quá khứ, và chúng cùng nhau tạo ra những tác động lớn tới vũ trụ, thông qua khả năng ảnh hưởng tới quá trình tạo thành thiên hà, làm nóng vật chất có trong các sợi thiên hà, hay có thể từ hóa không gian ”, Giáo sư Oei nói.

“ Đây là thứ chúng tôi muốn theo đuổi ”, nhà khoa học nói về những lối nghiên cứu mới mà Porphyrion vừa mở ra cho họ.

Theo Guardian

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/lo-den-bi-an-vua-phong-ra-cap-tia-plasma-khong-lo-dai-bang-140-dai-ngan-ha-cong-lai-a184488.html