Tập đoàn Việt Nam khẳng định đủ năng lực tham gia siêu dự án 70 tỷ USD, Thủ tướng hồi đáp ra sao?

Thủ tướng mới đây đã làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, trong đó có nhắc tới siêu dự án 70 tỷ USD.

 Hòa Phát sẵn sàng sản xuất thép làm đường sắt tốc độ cao 

Sáng ngày 21/9, Thường trực Chính phủ đã tổ chức hội nghị về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Vingroup, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sungroup, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, TH và REE. 

Tại hội nghị, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát khi phát biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 70 tỷ USD, khẳng định đây là công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia. Ông cũng bày tỏ mong muốn Hòa Phát tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này.

Tập đoàn Việt Nam khẳng định đủ năng lực tham gia siêu dự án 70 tỷ USD, Thủ tướng hồi đáp ra sao?- Ảnh 1.

Ông Trần Đình Long tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Trần Đình Long chia sẻ thêm về vị thế của ngành thép Việt Nam, hiện đang dẫn đầu Đông Nam Á và xếp thứ 12 thế giới về sản lượng, nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, các bộ ngành, ngân hàng cùng nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp.

Ông Long cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nhiều khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp đã được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh. Ông kỳ vọng các cơ quan quản lý tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa quá trình cải cách thể chế, cho rằng: “Mỗi bước tiến nhỏ sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp.”

Ngoài ra, ông Long cho biết Hòa Phát sẽ chủ động tham gia vào các dự án liên quan đến đường sắt và công nghiệp đường sắt, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một kế hoạch tổng thể, hành lang pháp lý rõ ràng và thiết kế ban đầu để xác định vai trò cụ thể của từng lĩnh vực như thép, bất động sản và chế tạo.

Chủ tịch Hòa Phát khẳng định tập đoàn hoàn toàn đủ năng lực kỹ thuật để sản xuất thép cho đường ray của các dự án đường sắt tốc độ cao. 

Trước đó, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2024, ông đã chia sẻ tham vọng sản xuất đường ray cho tàu đường sắt cao tốc và cho biết Hòa Phát đã bắt đầu nghiên cứu và triển khai sản xuất những thanh ray đầu tiên để phục vụ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

 Chính phủ sẽ đặt hàng doanh nghiệp xây dựng đường sắt tốc độ cao 

Tập đoàn Việt Nam khẳng định đủ năng lực tham gia siêu dự án 70 tỷ USD, Thủ tướng hồi đáp ra sao?- Ảnh 2.

Thủ tướng khẳng định: "Chúng tôi rất tin tưởng, tự hào vào sự trưởng thành lớn mạnh, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp tham dự hội nghị". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Chúng tôi rất tin tưởng, tự hào vào sự trưởng thành lớn mạnh, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp tham dự hội nghị".

Về các góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng giao các bộ, ngành lắng nghe, tiếp thu và phải giải quyết với các giải pháp cả trước mắt và lâu dài trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ cảm ơn các doanh nghiệp đã đề xuất giao các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, sản xuất thép, xây dựng các tuyến cao tốc,..

Trên cơ sở các đề xuất, các cơ quan sẽ nghiên cứu, giao nhiệm vụ, đặt hàng các doanh nghiệp để thực hiện các dự án trong lĩnh vực trọng điểm trên.

Ngoài hội nghị này, Thủ tướng giao các bộ ngành tổ chức các hội nghị chuyên đề với doanh nghiệp theo các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, thuế, đầu tư… theo tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được".

Tập đoàn Việt Nam khẳng định đủ năng lực tham gia siêu dự án 70 tỷ USD, Thủ tướng hồi đáp ra sao?- Ảnh 3.

Đường sắt tốc độ cao tương lai của Việt Nam. Ảnh minh họa: AI ChatGPT

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư 60-70 tỷ USD, với cấu trúc đường đôi, khổ 1.435mm, sử dụng điện khí hóa, và hạ tầng được thiết kế cho tốc độ tối đa lên đến 350km/h.

Tuyến đường sẽ khởi hành từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), băng qua 20 tỉnh, thành phố, và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM). Toàn tuyến sẽ có 23 ga phục vụ hành khách, với khoảng cách trung bình giữa các ga là 67km, cùng với 5 ga hàng hóa được đặt tại các khu vực giao thương chính.

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất ưu tiên nguồn lực để khởi công hai đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642km vào cuối năm 2027. Đoạn Vinh - Nha Trang, dài khoảng 899km, dự kiến sẽ được khởi công trước năm 2030, và mục tiêu hoàn thiện toàn bộ tuyến đường vào năm 2035.

Hiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự án cũng sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tap-doan-viet-nam-khang-dinh-du-nang-luc-tham-gia-sieu-du-an-70-ty-usd-thu-tuong-hoi-dap-ra-sao-a184846.html