Cầu dây văng đầu tiên Việt Nam tự thiết kế và thi công: Hoàn thành bằng 100% vốn trong nước, phá vỡ thế 'cô lập' của một tỉnh, người dân 'tạm biệt' cảnh tắc phà

Dự án có mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, trong đó 58% là vốn ngân sách nhà nước và 42% là vốn BOT.

Cầu dây văng đầu tiên Việt Nam tự thiết kế và thi công: Hoàn thành bằng 100% vốn trong nước, phá vỡ thế 'cô lập' của một tỉnh, người dân 'tạm biệt' cảnh tắc phà- Ảnh 1.

Cầu Rạch Miễu (Ảnh: Internet)

Hơn 16 năm trước, vào ngày 20/8/2008, Cầu Rạch Miễu chính thức hợp long, đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của ngành xây dựng cầu đường Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành xây dựng giao thông Việt Nam đã tự thiết kế, thi công, giám sát và hoàn thành cầu dây bằng bằng 100% vốn trong nước. Trong đó, phần thiết kế - giám sát do Tổng Công ty tư vấn thiết kế (Bộ Giao thông Vận tải) đảm nhiệm.

Dự án được đầu tư theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, trong đó 58% là vốn ngân sách nhà nước và 42% là vốn BOT. Chủ đầu tư phần vốn BOT là Liên doanh các Tổng công ty Cienco1, Cienco 5 và Cienco 6 (Bộ Giao thông vận tải).

Những công trình cầu dây văng trước đó như cầu Mỹ Thuận, cầu Bãi Cháy… nhưng đều do nước ngoài thiết kế, thi công và sử dụng vốn vay của nước ngoài.

Cầu Rạch Miễu nối hai bờ sông Tiền vốn ngăn cách Bến Tre với Đồng bằng sông Cửu Long, được khởi công xây dựng vào tháng 4/2002. Tổng chiều dài toàn tuyến là 8.331m, trong đó chiều dài cầu là 2.878m, rộng 12m (riêng phần cầu dây văng rộng 16m), có 2 làn xe ô tô, 2 làn xe thô sơ và người đi bộ. Khổ thông thuyền cầu là 37,5m x 220m.

Trước đây, khi chưa có cầu Rạch Miễu, Bến Tre ở thế "cô lập" về giao thông đường bộ, người dân muốn đến Bến Tre buộc phải đi qua phà Rạch Miễu, mất rất nhiều thời gian di chuyển và chờ đợi. Hay vào những ngày lễ tết, tình trạng kẹt phà diễn ra phổ biến, những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự thông thương đi lại và trao đổi hàng hóa từ Bến Tre tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre, những ai qua phà Rạch Miễu (Bến Tre - Tiền Giang) đều không khỏi sốt ruột vì mất thời gian. Đây là bến phà có khoảng vượt sông dài đến 3,2 km vì phải vòng qua hai cồn Phụng và Thới Sơn nằm trên sông Tiền giữa hai bến Rạch Miễu và Mỹ Tho.

Với phà loại 100 tấn phải mất từ 25-30 phút để vượt sông, với phà tốc hành 40 tấn thì mất từ 13-14 phút và phà 60 tấn phải gần 20 phút mới qua được sông, Bến phà Rạch Miễu hiện có 13 phà 100 tấn, 1 phà 60 tấn và hai phà 40 tấn.

Theo số liệu cuối năm 2007 của Xí nghiệp phà Bến Tre, bến phà này mỗi ngày có 428,2 chuyến phà qua lại với gần 50.000 lượt hành khách, 158.717 xe gắn máy và 30.865 xe thô sơ trở lên. Ở bến phà này, trung bình 5-10 phút có một chuyến phà rời bến, vậy mà vào ngày lễ, tết nạn kẹt phà kéo dài.

Cầu Rạch Miễu khi đưa vào sử dụng được kỳ vọng sẽ đảm bảo thông suốt, đồng bộ với quy hoạch cải tạo quốc lộ 60, nối liền giao thông giữa Bến Tre với các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An, TP. Hồ Chí Minh và góp phần giải quyết tình trạng giao thông ách tắc tại phà Rạch Miễu.

Bên cạnh đó, việc hợp long cầu Rạch Miễu sẽ tạo đà cho việc kêu gọi đầu tư, thúc đẩy kinh tế xã hội của khu vực. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại - đầu tư tỉnh Bến Tre: Năm 2004, tổng vốn đầu tư vào Bến Tre chỉ khoảng 5 triệu USD, nhưng đến năm 2006 con số này là 23 triệu USD. Năm 2007, vốn từ các nơi liên tục đổ dồn về Bến Tre.

Năm 2008, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Bến Tre đứng thứ 14/64 tỉnh thành, đã tăng 12 bậc so với năm 2006. Mới nhất, Bến Tre đứng thứ 7 cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, đứng thứ 3 ở đồng bằng sông Cửu Long và tăng đến 6 bậc so với chỉ số PCI năm 2022.

Tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Ngày 29/3/2022, dự án Cầu Rạch Miễu 2 chính thức được khởi công.

Cầu dây văng đầu tiên Việt Nam tự thiết kế và thi công: Hoàn thành bằng 100% vốn trong nước, phá vỡ thế 'cô lập' của một tỉnh, người dân 'tạm biệt' cảnh tắc phà- Ảnh 2.

Phối cảnh thiết kế cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận

Cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8km, có tổng chiều dài toàn tuyến 17,6km, quy mô 6 làn xe. Điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (nút giao giữa Quốc lộ 1 với đường tỉnh 870) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Tiến Giang; điểm cuối kết nối Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc địa phận thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Theo Quyết định số 1083/QĐ-TTg ngày 18/9/2023 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2, thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2026. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 6.810 tỷ đồng (trước đó là 5.200 tỷ đồng).

Việc đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên tuyến Quốc lộ 60, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre nói riêng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/cau-day-vang-dau-tien-viet-nam-tu-thiet-ke-va-thi-cong-hoan-thanh-bang-100-von-trong-nuoc-pha-vo-the-co-lap-cua-mot-tinh-nguoi-dan-tam-biet-canh-tac-pha-a185910.html