Lần đầu tiên BRICS ra tuyên bố chung thất bại, thành viên mới không ký thông qua vì 1 khúc mắc

Đây là lần đầu tiên nhóm BRICS không thể ra tuyên bố chung kể từ khi được thành lập.

Cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại New York hôm 26/9 đã kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung, South China Morning Post (SCMP) đưa tin.

Đây là lần đầu tiên nhóm này không thể ra tuyên bố chung kể từ khi được thành lập, phản ánh những khó khăn trong việc đạt đồng thuận với những thành viên vừa gia nhập năm ngoái.

Được tổ chức bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, cuộc họp vốn được kỳ vọng sẽ cho ra 1 văn kiện gồm 52 đoạn về nhiều vấn đề, bao gồm xung đột Trung Đông, kế hoạch về một đồng tiền chung và các cuộc thảo luận sơ bộ về việc gia nhập thành viên mới tại hội nghị dự kiến vào tháng 10 ở Kazan, Nga. 

Tuy nhiên, theo báo cáo từ cổng thông tin tin tức Brazil UOL, cuộc họp đã kết thúc trong bế tắc.

Năm ngoái, các nhà ngoại giao Ấn Độ và Brazil đã đặt ra điều kiện cho việc mở rộng BRICS là các thành viên mới phải ủng hộ Ấn Độ, Brazil và Nam Phi cho vị trí thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, UOL cho hay. 

Thế nhưng, trong cuộc họp hôm 26/9, Ai Cập và Ethiopia đã từ chối ký vào tuyên bố chung đề cập đến vấn đề này, trên cơ sở không đạt được đồng thuận về việc lựa chọn quốc gia đại diện cho châu Phi tại cơ quan cao nhất của Liên Hợp Quốc. 

Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira, người chủ trì cuộc họp ngày 26/9, cho rằng cả hai quốc gia đều hiểu điều kiện ràng buộc tư cách thành viên BRICS của họ khi được chấp nhận vào năm ngoái. Trước lập trường của Ai Cập và Ethiopia, ông quyết định chấm dứt cuộc họp.

Joel Souza Pinto Sampaio, người đứng đầu nhóm truyền thông của ông Vieira, đã xác nhận với SCMP về bế tắc tại New York nhưng không bàn luận chi tiết cụ thể về cuộc họp.

"Sự đồng thuận không đạt được ở đây", Sampaio nói với SCMP, "Các lãnh đạo của chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để đạt được sự đồng thuận cho đến hội nghị thượng đỉnh tại Kazan vào tháng sau". 

Các phái đoàn của Trung Quốc và Ấn Độ tại New York không lập tức phản hồi câu hỏi của SCMP. 

Sau cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đăng bài trên X, nói rằng các bộ trưởng "tập trung vào việc cải tổ đa phương và tăng cường phát triển".

Được thành lập năm 2006 với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là các thành viên sáng lập, nhóm các nền kinh tế mới nổi được gọi là BRICS sau khi Nam Phi gia nhập khối năm 2010. 

Năm ngoái, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã được mời vào khối, tư cách thành viên có hiệu lực từ 1/1/2024. Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo BRICS diễn ra từ 22-24/10 tới đây sẽ là lần thứ hai khối này nhóm họp kể từ khi mở rộng vào tháng 1. 

Hồi tháng 6, phát biểu tại 1 hội nghị ở St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ, hiện có 34 quốc gia bày tỏ sự quan tâm với việc gia nhập khối "bằng cách này hay cách khác". Ông Putin cho biết Nga muốn giải quyết "mối quan tâm ngày càng gia tăng" này và thảo luận về cách thức gia nhập thành viên mới. 

Trong số các quốc gia đã chính thức nộp đơn xin làm thành viên toàn phần của BRICS có Azerbaijan, Malaysia, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ankara đã gửi quan sát viên đến hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi vào năm 2018 và đơn xin gia nhập của họ dự kiến sẽ được xem xét tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới vào tháng 10. Nếu được chấp thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là thành viên NATO đầu tiên gia nhập BRICS.


Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/lan-dau-tien-brics-ra-tuyen-bo-chung-that-bai-thanh-vien-moi-khong-ky-thong-qua-vi-1-khuc-mac-a186193.html