Khi phẫu thuật thẩm mỹ không giúp thay đổi cuộc đời

Phẫu thuật thẩm mỹ thúc đẩy sự ngụy biện rằng vẻ ngoài mang lại hạnh phúc. Nhưng cuộc sống của một người có "sự khác biệt rõ ràng" lại chứng minh điều ngược lại.

Phẫu thuật thẩm mỹ đang trở lại tâm điểm chú ý của thế giới. Sau hơn 6 lần căng da mặt, treo chân mày, kéo da cổ và nâng môi, ngôi sao truyền hình thực tế Katie Price đã có đôi môi "butterfly" - môi được tạo bằng băng dính và chất làm đầy để to hơn và cong lên. Price có thể đã phẫu thuật thẩm mỹ nhiều hơn hầu hết mọi người, nhưng cô không phải là người duy nhất đụng chạm dao kéo.

Năm ngoái, có 35 triệu ca phẫu thuật như vậy trên toàn thế giới. Các ca phẫu thuật trên khuôn mặt - nâng mí mắt, nâng mũi, tiêm chất làm đầy môi - đã tăng 20% ​​vào năm 2023. Bất kể những trở ngại - đại dịch, khó khăn kinh tế - nhiều người vẫn có niềm tin rằng nếu chúng ta cải thiện ngoại hình, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

Theo Tiến sĩ Fay Bound Alberti - giáo sư lịch sử hiện đại tại King's College London, nơi bà là giám đốc của Interface và Trung tâm Công nghệ và Cơ thể, đây là một niềm tin dễ hiểu khi khái niệm "pretty privilege" (đặc quyền sắc đẹp) ngày càng được biết đến nhiều hơn thông qua mạng xã hội.

Trong cuốn sách mới của mình Face Value: A Cultural History of Being Human sẽ được Allen Lane xuất bản vào năm 2025, bà Alberti nhận định vì muốn có cơ hội "hưởng đặc quyền", nhiều người chấp nhận những ca phẫu thuật nguy hiểm, phương pháp điều trị có thể kết thúc bằng bi kịch. Tuần trước, Alice Webb, bà mẹ 33 tuổi của 5 đứa con, đã qua đời vì biến chứng sau một ca phẫu thuật "nâng mông kiểu Brazil".

phau thuat tham my anh 1

Katie Price từng trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi ngoại hình. Ảnh: WireImage.

"Quick-fix culture" (tạm dịch: văn hóa giải pháp tạm thời) ưu tiên ngoại hình hơn mọi thứ khác, bao gồm cả sức khỏe tâm thần. Phương tiện truyền thông và trí tuệ nhân tạo làm trầm trọng thêm xu hướng này. 1/3 phụ nữ nhìn vào những người có sức ảnh hưởng trên Instagram, hình ảnh AI và cảm thấy họ cần phải chỉnh sửa khuôn mặt mình. "Thuật toán càng cố gắng định nghĩa "vẻ đẹp", mọi người càng lý tưởng hóa những điều không thể đạt được", bà Alberti viết.

Không phải tất cả các phương pháp điều trị đều chịu ảnh hưởng của thời trang hoặc nỗi sợ lão hóa. Khoảng 100 triệu người trên thế giới đang sống với vết sẹo, vết hằn hoặc bệnh tật trên khuôn mặt tạo ra "sự khác biệt rõ rệt" - thuật ngữ được các nhóm vận động sử dụng. "Biến dạng" nghe có vẻ miệt thị hơn, nhưng là thuật ngữ phẫu thuật và là đặc điểm được bảo vệ theo Đạo luật Bình đẳng năm 2010 tại Anh.

Đáng ngạc nhiên là những người bị thương nặng ở mặt không nhất thiết phải chịu nhiều đau khổ về mặt tâm lý hơn những người lo lắng về đôi môi mỏng hoặc sẹo mụn. Lòng tự trọng thấp liên quan đến sự khác biệt trên khuôn mặt hoàn toàn là chủ quan và các bệnh tâm thần như rối loạn nhận thức cơ thể đang gia tăng.

Các giải pháp phẫu thuật thường được rao bán như một lối tắt để chữa lành tâm hồn. Nhưng không có cách khắc phục nhanh chóng nào và không có bằng chứng nào cho thấy phẫu thuật thẩm mỹ khiến con người hạnh phúc hơn.

Adam Pearson, diễn viên đang tham gia phim A Different Man, mắc bệnh u xơ thần kinh loại 1 - tình trạng di truyền đã bao phủ khuôn mặt của anh bằng những khối u lành tính. Pearson là người ủng hộ mạnh mẽ cho những cá nhân có sự khác biệt rõ ràng.

phau thuat tham my anh 2

Adam Pearson (thứ nhất từ phải sang) trong một cảnh phim "A Different Man".

Nam diễn viên này cởi mở về sự quấy rối mà anh đã trải qua. Có thời điểm, anh đã dành cả buổi sáng để đối phó với những kẻ quấy rối trên mạng xã hội. Ngày nay, với quá nhiều sự tung hô dành cho các quá trình cải thiện thẩm mỹ, mọi người mong đợi Pearson có thể "lột xác".

Nhưng điều đó là không thể, ngay cả khi Pearson muốn. "Tất cả những khối u này đều quấn quanh các mạch máu và dây thần kinh. Tôi không nghĩ mọi người nhận ra điều đó. Mọi người nói, 'chỉ cần phẫu thuật thôi', và tôi kiểu như: 'Anh bạn, đây đã là khuôn mặt sau phẫu thuật rồi'".

Ngày nay, AI hứa hẹn rất nhiều về mặt chẩn đoán và điều trị y tế, nhưng công nghệ này không phục vụ tốt cho những người có sự khác biệt rõ ràng. "Tôi gặp vấn đề với các gian hàng tự động tại các sân bay. Tôi phải mở khóa iPhone của mình bằng mã pin vì nó không nhận dạng được khuôn mặt của tôi. Đó là nỗi ám ảnh của cuộc đời tôi", Pearson nói.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/khi-phau-thuat-tham-my-khong-giup-thay-doi-cuoc-doi-a186981.html