Sống tại San Diego (Mỹ), nhân viên pha chế Alicia Rice (40 tuổi) tự hào khi thường xuyên tiết kiệm được tiền, không có nợ nần với mức thu nhập 70.000 USD/năm. Cô cho đó là nhờ việc theo đuổi lối sống tối giản.
"Mọi người nghĩ rằng sống như thế này là thiếu thốn hoặc tôi đang khổ sở nhưng tôi hoàn toàn hài lòng với những gì mình có", cô nói với New York Post. Trên kênh video cá nhân chia sẻ phong cách sống, Rice ước tính cô tiết kiệm được hàng chục nghìn USD trong 5 năm theo đuổi phong cách sống này.
Cụ thể, tùy thuộc vào việc có đi du lịch hay không, Rice sẽ dư ra khoảng 500 đến 2.000 USD/tháng. Trước đây, khi sống theo chủ nghĩa tối đa ở Las Vegas, bartender từng chi khoảng 1.000 USD/tháng mua sắm những thứ chẳng mấy cần thiết, có ít nhất 1.000 món đồ trong tủ quần áo.
"Tôi từng có một tủ quần áo khổng lồ chứa mọi loại trang phục. Điều trớ trêu là phần lớn trong số đó tôi chẳng mặc đến".
Rice đang theo đuổi lối sống siêu tối giản. |
Dù khi đó làm 2 công việc và thuê nhà rẻ, khoảng 600 USD/tháng, Rice cho hay cô gần như "có đồng nào xào đồng đó", không tiết kiệm được gì.
Sau khi chia tay bạn trai, Rice chuyển đến San Diego và bắt đầu quá trình vứt bỏ hầu hết đồ đạc. Cô càng gắn bó với chủ nghĩa tối giản sau khi xem bộ phim tài liệu ăn khách năm 2021 “The Minimalists”, với sự tham gia của những chuyên gia theo chủ nghĩa tối giản là Joshua Fields Millburn và Ryan Nicodemus.
Rice khẳng định lối sống tối giản giúp cô "có rất nhiều tiền tiết kiệm" và trả khoản vay mua ôtô trong vòng 2 năm. Cô cũng không sử dụng thẻ tín dụng.
Sở hữu càng ít đồ càng tốt
Ngoài tiền thuê nhà hàng tháng 2.300 USD (bao gồm các tiện ích) cho căn hộ một phòng ngủ (cô không thể tìm thuê được phòng dạng studio), Rice chỉ phải trả 5 hóa đơn hàng tháng: điện thoại di động (130 USD), bảo hiểm ôtô (50 USD), xăng (240 USD) và dịch vụ Dropbox (12 USD). Cô cũng tài trợ chi phí cho một đứa trẻ ở Uganda thông qua một chương trình từ thiện với số tiền 40 USD/tháng.
Dù thường đăng tải video lên kênh YouTube, Rice không lắp WiFi mà dùng nhờ ở thư viện địa phương.
Về ăn uống, Rice ăn chay và chi khoảng 600 USD/tháng cho thực phẩm và tự thưởng một bữa tối hàng tuần tại một nhà hàng Thái Lan hoặc Ấn Độ. Cô cũng ngừng uống rượu cách đây vài năm.
Căn hộ của người phụ nữ Mỹ gần như không có mấy đồ đạc. |
Sau khi chuyển đến căn hộ mới cách đây 4 tháng, thay vì bỏ tiền mua nệm, giường, vách đầu giường... có thể tốn tới hàng nghìn USD, Rice chỉ mua một chiếc nệm tatami Nhật Bản có giá 170 USD trên mạng.
Một người bạn tặng Rice một chiếc đèn cũ, cô cũng lấy lại chiếc ghế gấp từng cho một người bạn khác mượn. Người phụ nữ 40 tuổi không có sofa, ghế, bàn, bàn làm việc, tivi hay bất kỳ đồ trang trí nào. Căn hộ trang bị sẵn lò vi sóng và máy điều hòa, nhưng cô hầu như không bật.
Trong bếp, Rice có một cái nồi, một cái chảo và một cái bát gỗ. Cô chỉ dùng một sản phẩm là xà phòng dầu dừa cho cả mặt, cơ thể và tóc. Cô không mua đồ trang điểm nào trừ son dưỡng môi. Tủ đồ của cô cũng chỉ còn 23 món, bao gồm cả giày dép. Con số này ít hơn rất nhiều so với trung bình 176 món quần áo mà một phụ nữ Mỹ sở hữu, theo Capsule Wardrobe.
Đặc biệt, dù là nhà sáng tạo nội dung, Rice thậm chí không có laptop riêng. Cô tải mọi thứ lên mạng thông qua điện thoại và Dropbox. Rice cũng không có ý định mua nhà.
"Mất 30 năm để trả hết nợ mua nhà và rồi thoát khỏi nợ nần ở tuổi 70? Với tôi, điều đó nghe như ở tù vậy".
Từ người mua rất nhiều quần áo, Rice rút gọn tủ đồ còn 23 món. |
Vì có rất ít đồ, Rice cũng có thể nhét mọi thứ vào chiếc xe hơi và đi du lịch bất cứ đâu. Mục tiêu của cô là du lịch bụi tới nhiều quốc gia, cuối cùng là xây một ngôi nhà nhỏ thân thiện với môi trường, không cần mạng lưới điện.
Rice là một trong ngày càng nhiều người quan tâm đến lối sống giản đơn ở Mỹ. Theo Google Trends, các tìm kiếm về thuật ngữ "thiết kế tối giản" tăng đều đặn ở quốc gia này.
Nhiều trào lưu tương tự cũng diễn ra trong các năm gần dây như dọn dẹp (nổi tiếng nhất là "phù thủy dọn nhà" Marie Kondo), chủ nghĩa tiết kiệm, không mua hoặc mua ít, nền kinh tế tuần hoàn và không lãng phí. Tất cả đều có chung mục tiêu: giảm thiểu thiệt hại mà chủ nghĩa tiêu thụ đã tác động lên hành tinh cũng như "ví tiền" của nhiều người tiêu dùng.
Sách chữa lành tại Việt Nam
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ngoi-nha-gay-kinh-ngac-cua-nguoi-song-sieu-toi-gian-a187429.html