Áp lực 'mua cơm cho sếp' của công chức Hàn Quốc

Văn hóa nhân viên cấp cưới phải thay phiên mời cơm sếp trong các cơ quan chính phủ Hàn Quốc khiến nhiều người bất mãn, đòi xóa bỏ.

Nhiều công chức trẻ Hàn Quốc áp lực phải mua cơm cho sếp.

Theo kết quả khảo sát do Dân biểu Wi Seong-gon của Đảng Dân chủ đồng hành Hàn Quốc công bố hôm 8/10, 75,7% trong số 12.256 công chức chính quyền địa phương được hỏi nói họ biết rõ về văn hóa "ngày ăn uống" - ám chỉ công chức cấp dưới phải thay phiên nhau mua bữa ăn cho cấp trên.

Trong đó, 57,3% người được hỏi cho biết đã trải nghiệm điều này trong năm 2023, theo The Korea Times.

Hoạt động mua đồ ăn cho cấp trên chủ yếu diễn ra trong bữa trưa (57,6%), số ít diễn ra trong bữa tối (7,2%) và các buổi uống rượu (10,4%).

Về tần suất, 80,8% cho biết trải qua "1 đến 2 lần/tuần"; tiếp theo là "3-4 lần/tuần" (10,8%) và "5-6 lần/tuần" (7,7%).

Đáng chú ý là nhiều người không thích hoạt động này nhưng vẫn cảm thấy có nghĩa vụ phải tham gia.

Cụ thể, khoảng 69% người được hỏi trả lời rằng họ có cảm xúc "tiêu cực" về thông lệ này; 68,8% nói muốn việc này xảy ra ít hơn. Trong số đó, 84% nhận xét "ngày ăn uống" là "một hoạt động vô lý và không phù hợp với thời đại".

Ngoài ra, 57,5% cho biết bản thân cảm thấy không thoải mái khi ăn cùng cấp trên và 42,8% nói phải chịu gánh nặng thanh toán hóa đơn.

cong chuc han quoc anh 1

Kỳ thi công chức không còn hấp dẫn người trẻ Hàn Quốc như trước, nhiều người thi đỗ thậm chí bỏ việc. Ảnh: Yonhap.

Trên mạng xã hội, nhiều dân mạng Hàn Quốc cũng bày tỏ sự phản đối văn hóa này.

"Thật kỳ lạ khi những người nhận lương 5 triệu won (3.700 USD)/tháng lại ăn trưa bằng tiền của những người trẻ nhận được 2 triệu won (1.480 USD)/tháng", một bình luận mỉa mai.

"Tôi phải tìm hiểu sở thích của người đứng đầu phòng ban và chọn một thực đơn không trùng lặp với các nhóm khác. Tôi không thể tập trung vào công việc buổi sáng của mình vì phải chọn nhà hàng, xin phê duyệt và đặt chỗ...", một người khác viết.

Một người nhận xét: “Bảo sao ngày càng có nhiều người trẻ tuổi lại bỏ việc công chức - văn hóa làm việc ở đó đã lỗi thời và không lành mạnh".

Công chức từng là công việc mơ ước đối với người trẻ Hàn Quốc trong nhiều năm qua, được gọi là "bát cơm sắt" bởi tính ổn định và chế độ lương hưu hào phóng. Tuy nhiên theo thời gian, nhiều người trẻ không còn mặn mà với kỳ thi công chức do lương thấp, văn hóa làm việc cứng nhắc.

Theo Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc, số lượng công chức trẻ nghỉ việc đã tăng gấp đôi trong năm 5 qua, từ 6.663 người vào năm 2019 lên 13.321 người vào năm 2023.

Trong khi đó, số lượng công chức từ 50 tuổi trở lên đã tăng 42,5% trong 10 năm qua. Đây là con số vượt xa mức tăng 14,3% của tất cả công chức nói chung trong cùng kỳ.

Mặt khác, tỷ lệ tăng trưởng của số lượng công chức trong độ tuổi 20 và 30 chỉ là 10,5%. Đặc biệt, số lượng công chức trong độ tuổi 30 giảm 6,9%. Đây là nhóm tuổi duy nhất có số lượng nhân viên giảm trong thập kỷ qua.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ap-luc-mua-com-cho-sep-cua-cong-chuc-han-quoc-a188575.html