Kiến trúc sư người Mỹ Louis Isadore Kahn - một trong những kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20 - từng nói: "Một cuốn sách quý giá biết bao khi xét đến sự cống hiến, xét đến người có đặc quyền được cống hiến. Thư viện sẽ cho bạn biết về sự cống hiến đó".
Các thư viện mà Kahn thiết kế vào những năm 1970 đã trở thành những kiệt tác trong thế hệ của ông. Nhưng khi thời thế thay đổi, trong khi chức năng chính của thư viện vẫn là nơi cung cấp và lưu giữ tài liệu đọc, thì "bản chất của không gian công cộng" đã có sự thay đổi đáng kể. Một thư viện hiện đại nằm giữa rừng cây ở huyện Bình Đông (Đài Loan, Trung Quốc) là ví dụ tiêu biểu phản ánh xu hướng này.
Những hàng cây long não dọc theo lối vào Thư viện huyện Bình Đông. |
Thư viện giữa rừng cây
Tòa nhà chính của Thư viện huyện Bình Đông, mở cửa trở lại vào năm 2021, có bức tường kính nhìn ra bầu trời và rừng cây long não xanh mướt. Đó là lý do thư viện có biệt danh là "forest library".
Trên thực tế, thư viện này là một tòa nhà đã hơn 30 năm tuổi và trước đây là Trung tâm văn hóa huyện Bình Đông - một trong những tòa nhà văn hóa lớn của Đài Loan. Do thiếu không gian cần thiết và cơ sở vật chất xuống cấp theo thời gian, công trình này đã được cải tạo vào năm 2018.
Kiến trúc sư Chang Ma Lone của Mayu Architects - đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện dự án - đã đề xuất cải tạo và mở rộng tòa nhà hiện có, thay vì xây dựng một thư viện hoàn toàn mới. Điều này vừa giúp giảm chi phí, đồng thời bảo tồn được bản sắc, ý nghĩa lịch sử của công trình ban đầu và mở rộng di sản văn hóa của nó.
Thư viện huyện Bình Đông với biệt danh "forest library". |
Bằng cách bảo tồn và trẻ hóa cấu trúc cũ, dự án đã tránh tạo ra lượng lớn chất thải khi phá bỏ tòa nhà, và do đó tuân thủ khái niệm về tính bền vững. Nó cũng phù hợp với các tiêu chí được sử dụng để lựa chọn người chiến thắng Giải thưởng Kiến trúc Pritzker trong những năm qua: Không ưu tiên các thiết kế mang tính đột phá, bắt mắt, mà tập trung vào tác động của các tòa nhà đối với biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường và nhu cầu của con người.
Thư viện huyện Bình Đông thể hiện lý tưởng của kiến trúc bền vững, tạo nên mối quan hệ thân thiện giữa tòa nhà ban đầu và môi trường xung quanh. Tại Giải thưởng Architizer A+ năm 2022, tòa nhà đã được công nhận ở hai hạng mục: Giải thưởng Lựa chọn phổ biến trong hạng mục Tái sử dụng thích ứng và Giải thưởng Đặc biệt trong hạng mục Thư viện. Các giải thưởng đã thu hút sự chú ý toàn cầu đến thư viện nằm giữa rừng cây này.
Để tâm trí được lang thang
Khi bắt tay vào dự án, nhóm kiến trúc sư tại Mayu Architects đã tự hỏi: "Chức năng của thư viện trong kỷ nguyên số của thế kỷ 21 là gì?". Kiến trúc sư Chen Yu-lin, thành viên của nhóm thiết kế dự án, cho biết: "Kết luận của chúng tôi là ngày nay không chỉ sách phải cạnh tranh với phương tiện truyền thông kỹ thuật số, mà thư viện hiện đại còn phải cạnh tranh với các cơ sở văn hóa khác như bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật".
Làm thế nào để thư viện có thể nổi bật trong môi trường cạnh tranh này? Nhóm Mayu đã áp dụng khái niệm "cải tiến giao diện người dùng" - giống như việc cập nhật hệ điều hành của máy tính - để đáp ứng nhu cầu hiện đại.
Sảnh mới mở rộng ra từ cấu trúc cũ là "giao diện người dùng" mới mà Chen nói đến. Không gian mới có một quán cà phê và đôi khi được dọn dẹp để tổ chức triển lãm hoặc workshop, thu hút những người không thường xuyên vào thư viện.
Trước đây, mọi người phải đi bộ một quãng đường dài để vào tòa nhà, nhưng giờ đây chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn dọc theo lối đi rợp bóng cây xanh, tạo cảm giác chào đón và thân thiện. "Bản chất của thư viện là một không gian công cộng bắt nguồn từ cảm giác chào đón này", Chen nhấn mạnh.
Bản chất của trung tâm văn hóa trước đây là cung cấp không gian công cộng nơi mọi người có thể chia sẻ một hoạt động duy nhất cùng nhau, chẳng hạn như nghe hòa nhạc. "Nhưng đối với tôi, bản chất của không gian công cộng ngày nay là để mọi người ở trong một không gian nhưng mỗi người có thể làm một việc khác nhau", Chen nói.
Màu sắc chính được sử dụng trong Thư viện huyện Bình Đông là màu đen, trắng và gỗ nâu. |
Ví dụ, tầng ba từng có các bộ sưu tập truyện tranh và tài liệu đa phương tiện hấp dẫn giới trẻ và một tầng lửng thông gió. Nhóm thiết kế đã dỡ bỏ các giá sách, đập bỏ tầng lửng và biến không gian thành cầu thang màu trắng hai tầng và khu vực hoạt động dẫn lên tầng bốn. Ngày nay, giới trẻ thường ngồi ngược trên cầu thang, sử dụng các bậc thềm làm bàn để viết và thảo luận về bài tập về nhà. Cầu thang cũng có thể dùng làm chỗ ngồi cho các hoạt động như chiếu phim hoặc bài giảng.
Thư viện được thiết kế giống như một mạng lưới đường phố nơi mọi người có thể đi lang thang xung quanh, và Chen nói sẽ "rất thú vị nếu bị lạc một chút". Nhưng nếu bị lạc, chỉ cần đi bộ và bạn sẽ biết ngay mình đang ở đâu. Đây là một trong những mục tiêu của thiết kế tòa nhà công cộng.
Màu sắc chính được sử dụng trong sảnh của Thư viện huyện Bình Đông là màu đen và gỗ nâu. Các cột trụ và tường không theo một mô hình thẳng, mà có các đường tam giác song song được tạo thành bởi giao điểm của những cột trụ hình chữ V với trần nhà. Mọi nơi đều có các yếu tố hình tam giác, từ cửa sổ, gác lửng và đèn treo. Ý tưởng này được mượn từ đồ trang trí trên những ngôi nhà đá phiến đen tuyền của người dân bản địa Paiwan và được chuyển đổi thành một mô hình hiện đại.
Trong khi các thư viện thường muốn mang lại sự tập trung tối đa cho người đọc, nhóm của Chen lại có cách tiếp cạnh trái ngược là "tạo ra sự phân tâm".
Chen nói rằng nếu cần sự tập trung, mọi người chỉ cần đến một "trung tâm học tập" (một nơi cho thuê không gian yên tĩnh để học tập theo giờ). "Chúng tôi đã suy nghĩ kỹ về điều này và quyết định rằng nơi tốt nhất để đọc tiểu thuyết là nơi mà tâm trí bạn có thể lang thang. Ở đây, bạn có thể uống một tách cà phê, tưởng tượng ra các cảnh trong sách, đắm chìm trong suy nghĩ và ngắm nhìn cây xanh bên ngoài".
Sách chữa lành tại Việt Nam
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/thu-vien-nam-giua-rung-cay-o-dai-loan-a188978.html