Gỡ vướng Luật đất đai
Theo các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, thời gian qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã từng bước tháo gỡ các thủ tục pháp lý, đẩy nhanh việc cấp phép xây dựng một số công trình hạ tầng, nhà ở, vila du lịch… tại các địa phương ven biển của tỉnh, trong đó có khu vực Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về thủ tục đất đai để tiếp tục thực hiện các dự án.
Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, Tập đoàn có 5/10 dự án đang gặp khó về thủ tục đất đai.
Cụ thể, dự án sân gofl (18 lỗ) và dịch vụ Hương Sen có diện tích khoảng 83,6ha tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, được chấp thuận chủ trương đầu tư vào 2008, đến năm 2019 doanh nghiệp hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ xem xét cho thuê 55,9ha đất mà chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng, bồi thường, còn 27,7 ha đất do nhà nước quản lý thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Liên quan đến vấn đề đấu giá đất, từ năm 2018 đến 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã 3 lần có văn bản hướng dẫn UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc dự án đủ điều kiện giao quỹ đất (83,6ha) cho nhà đầu tư.
Ông Dũng cho biết rằng, nếu chỉ thực hiện dự án với 55,9ha thì không đủ tiêu chuẩn sân gofl 18 lỗ, đối với diện tích còn lại là 27,7 ha cũng không đủ quy mô một dự án độc lập để đấu giá quyền sử dụng đất.
Qua vấn đề này, chúng tôi tha thiết kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét, vừa căn cứ quy định pháp luật về đất đai, vừa căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết giao đất cho doanh nghiệp (83,6ha), để doanh nghiệp đủ điều kiện triển khai dự án đúng theo quy hoạch chung đã được duyệt tại khu vực sân gofl 18 lỗ - ông Dũng cho biết thêm.
Còn bà Võ Thị Cao Ly, Giám đốc Ban phát triển dự án Tập đoàn Novaland thì cho rằng, tỉnh cần hướng dẫn cụ thể hơn về mục tiêu đầu tư dự án trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản theo Luật kinh doanh Bất động sản (1/8/2024), để phù hợp với thực tế và đáp ứng quy định của các Luật mới hiện hành, làm minh bạch hóa thị trường bất động sản.
Bà Ly cho biết thêm, do chờ nghị định mới thay thế cho nghị định 156/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp nên các hồ sơ xin thuê môi trường rừng để khai thác du lịch thời gian qua bị kéo dài.
Vừa rồi Chính phủ ban hành Nghị định 91 thay thế cho Nghị định 156 (18/7/2024), rất mong ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan hỗ trợ để thúc đẩy các thủ tục đã được trình để đẩy nhanh quá trình thuê môi trường rừng, để thúc đẩy mô hình du lịch mới ở khu vực Hồ Tràm để người dân, du khách có nhiều trải nghiệm hơn ở khu vực này - bà Ly chia sẻ thêm.
Đồng hành, đúng pháp luật
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, cuối tháng 4/2023 tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt 997 (do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng).
Tổ có trách nhiệm tiếp nhận kiến nghị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.
Đến nay, Tổ 997 đã tiếp nhận và xử lý hơn 60 kiến nghị, trong đó đã giải đáp xong 38 kiến nghị, còn 22 kiến nghị đang trong quá trình giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND, Tổ trưởng tổ công tác 997, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được lãnh đạo tỉnh xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Doanh nghiệp phát triển bền vững là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, đâu đó việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, một số sự việc cụ thể vẫn còn bất cập làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư cần được khắc phục.
Cụ thể, trong 2021 tỉnh đã cắt giảm 25% thủ tục hành chính, chủ yếu là giảm thời gian ở các Sở, ngành. Đến năm 2022, trên tinh thần rà soát, đánh giá lại quá trình xử lý công việc tỉnh cũng đã tăng cường thanh tra công vụ ở tất cả các đơn vị.
Đặc biệt, trong năm 2024 từ cấp xã đến tỉnh đều phải thanh tra công vụ, kiểm tra các thủ tục còn vướng mắc, khó khăn… trên tinh thần tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, những vấn đề chưa đúng quy định, không còn phù hợp thì các doanh nghiệp cũng phải chấp hành, phải chia sẻ và chấp nhận những gì luật pháp không cho phép.
Những nội dung gì rõ, chưa thoả đáng thì chúng ta tiếp tục ngồi lại với nhau để làm cho rõ, trên nguyên tắc làm phải rõ, làm tới cùng công việc. Những nội dung liên quan đến pháp luật, chính sách, cơ chế thuộc Trung ương ban hành thì tỉnh tiếp tục cập nhật để báo cáo Bộ, ngành TW để có chính sách sửa đổi hoặc tháo gỡ - ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh
Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mong muốn lãnh đạo tỉnh cần phải quyết liệt hơn, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu mà hãy tích cực cùng đồng hành với doanh nghiệp. Bởi tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho kinh tế của địa phương. Doanh nghiệp có phát triển thì địa phương mới phát triển.