Cận cảnh dự án ‘phá đường ray xây nhà ở’ bị Thanh tra đề nghị công an vào cuộc
Tại Dự án khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng, chủ đầu tư tự ý phá đường ray xe lửa để xây dựng và đã có nhiều người mua đất làm nhà. Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra nhiều sai phạm của dự án và chuyển hồ sơ đề nghị công an điều tra.
Mới đây Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến dự án này. Cụ thể, TTCP xác định việc thu hồi đất cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An và 298,8m đất của 3 hộ dân, giao Công ty TNHH Phát triển nhà Xe lửa Dĩ An, thực hiện dự án Khu nhà ở thương mại nhưng không thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đấu giá là vi phạm Luật đất đai 2003.
Khi xác định tiền sử dụng đất, các Sở, ban ngành tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt đơn giá tính thời gian thực hiện dự án 5 năm theo đề nghị của chủ đầu tư dẫn đến giảm tiền sử dụng đất 14,734 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định cho phép Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng là không đúng đối tượng, vi phạm Luật Quản lý thuế.
Chủ đầu tư dự án vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản 2014; Luật Xây dựng số 16/2003/QH11; có dấu hiệu lừa đảo khách hàng. Việc góp vốn thực hiện dự án không đúng quy định pháp luật về đất đai.
Việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, giao đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính, cũng vi phạm Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ; vi phạm quy định của Luật Đất đai 2013; nguy cơ thất thu ngân sách số tiền rất lớn.
Việc chấp hành quy định pháp luật của chủ đầu tư cũng vi phạm Nghị định số 99/2015/NĐ-CP; Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản.
UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất và danh mục dự án, công trình thuộc diện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa năm 2016 thị xã Dĩ An là không phù hợp.
Việc giao đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính, chấp hành các quy định pháp luật của chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP; nhiều sai phạm trước đây từng được chính quyền địa phương xử phạt hành chính, song chủ đầu tư chưa khắc phục.
UBND tỉnh Bình Dương chưa cấp phép thực hiện dự án, nhưng chủ đầu tư vẫn giữ hơn 191 tỷ đồng tiền huy động vốn của khách hàng. Số tiền này không thể hiện trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp gửi Cục Thuế tỉnh Bình Dương, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Kế toán, nguy cơ thất thoát vốn góp của khách hàng.
Trên cơ sở kết luận thanh tra, TTCP đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ điều tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật tại dự án này.