Mitoma đang là ngôi sao của tuyển Nhật Bản. |
Từng có thời, đội tuyển Nhật Bản phải cúi đầu trước Australia, nhưng ngày nay, sự vươn lên mạnh mẽ của J.League với 60 câu lạc bộ chuyên nghiệp tạo nên một chiều sâu đáng nể, khiến Australia rơi vào thế kẻ yếu trong cuộc đua đến World Cup.
Bước ngoặt lịch sử
Lần gần nhất Australia đánh bại Nhật Bản là vào năm 2009 trên sân Melbourne Cricket Ground (Melbourne) tại vòng loại World Cup 2010. Tim Cahill, giống như anh từng làm ở World Cup 2006 tại Đức, tiếp tục trở thành "khắc tinh" của Nhật Bản trong đêm đó, ghi cả hai bàn thắng giúp Australia chiến thắng với tỷ số 2-1 trước hơn 74.000 khán giả. Tấm băng rôn "Nippon: Mãi mãi dưới cái bóng của chúng ta" khi đó đầy ngạo nghễ xuất hiện trên khán đài sân MCG.
Tuy nhiên, trong suốt 15 năm kể từ trận đấu đó, hành trình của hai đội tuyển rẽ sang những hướng rất khác biệt. Cái bóng Australia từng áp đặt giờ đây hoàn toàn chuyển hướng. Kể từ cuộc đối đầu tại MCG, Nhật Bản đã thắng 6 trận, hòa 3 trận, còn Australia vẫn chưa thể giành nổi một chiến thắng nào.
“Năm 2006, Nhật Bản luôn có cảm giác thua kém khi đối đầu với Australia, đội bóng sở hữu nhiều cầu thủ nổi tiếng từ Premier League. Điều này chỉ thay đổi sau trận chung kết Asian Cup 2011”, Sean Carroll, tác giả cuốn sách “Between the Lines: Navigating the world of Japanese Football”, chia sẻ.
Ngày 29/1/2011, trên sân Khalifa International ở Qatar, bàn thắng duy nhất của Tadanari Lee giúp Nhật Bản đánh bại Australia trong trận chung kết Asian Cup. Chiến thắng này không chỉ mang cúp vô địch về cho "Samurai Blue" (các chiến binh Samurai xanh), mà còn mang lại sự tự tin cho Nhật Bản, và từ đó họ bắt đầu thi đấu ngang ngửa với Australia.
Trong những năm gần đây, sự chênh lệch nghiêng hoàn toàn về phía Nhật Bản. Họ không chỉ mạnh hơn mà cả hai đội đều ý thức rõ điều này.
Tim Cahill từng là "khắc tinh" của tuyển Nhật Bản. |
Trong khi Australia đối mặt với nhiều vấn đề nội tại, Nhật Bản xây dựng nền móng vững chắc nhờ vào chiến lược dài hạn và sự phát triển của J.League. Huấn luyện viên FC Tokyo, Peter Cklamovski, người từng là trợ lý của cựu HLV tuyển Australia Ange Postecoglou, nhận định: “Nhật Bản đầu tư bài bản với 60 câu lạc bộ chuyên nghiệp, từ cơ sở vật chất đến tài chính, để giúp cầu thủ phát huy tối đa khả năng. Họ luôn kiên định với kế hoạch dài hạn, đó là lý do thành công của họ vượt trội hơn so với các nước châu Á khác”.
J.League, ra đời năm 1993, giờ đây có 60 đội bóng trải qua ba hạng đấu, với hệ thống thăng hạng và xuống hạng hoàn chỉnh. Trái lại, A-League của Australia chỉ có 13 đội và không có triển vọng mở rộng hoặc liên kết với giải hạng hai trong tương lai gần.
Mặc dù J.League từng thu hút các ngôi sao quốc tế qua thời đỉnh cao, Nhật Bản vẫn luôn chú trọng đến việc phát triển tài năng trẻ từ các trường trung học, đại học và các lò đào tạo. Hạn ngạch cầu thủ ngoại cũng giúp cầu thủ nội địa có cơ hội phát triển.
Cklamovski tin rằng Australia nên học hỏi từ hệ thống này: “Việc xây dựng một hệ thống thăng hạng và xuống hạng sẽ giúp bóng đá Australia phát triển mạnh hơn. Chúng ta cần tăng cường kết nối giữa các giải đấu để có thể xuất khẩu nhiều cầu thủ tài năng hơn, và mơ về một ngày giành chức vô địch World Cup”.
Cán cân nghiêng về Nhật Bản trước Australia
Saburo Kawabuchi, cựu tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản và là người sáng lập J.League, từng nói rằng giải quốc nội không chỉ là cải thiện bóng đá Nhật Bản mà còn là một “cuộc cách mạng xã hội.”
“Người Nhật trước đây chưa có khái niệm về các câu lạc bộ thể thao cộng đồng. Những người đứng đầu chính phủ và các ngành công nghiệp biết về hệ thống này khi họ ra nước ngoài, nhưng họ không nghĩ rằng nó có thể áp dụng được ở Nhật Bản. Họ cho rằng nước ngoài là nước ngoài, còn Nhật Bản là Nhật Bản, hai nơi khác nhau”.
Tuyển Nhật Bản đang thể hiện phong độ thuyết phục tại vòng loại World Cup 2026. |
Australia từng có cuộc cách mạng bóng đá với A-League và khẩu hiệu “Bóng đá, nhưng không như bạn từng biết”. Nhưng sau ba thập kỷ, bóng đá xứ chuột túi lạc lối, trong khi Nhật Bản vươn lên mạnh mẽ, trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác học hỏi.
Nhìn vào đội hình tuyển Nhật Bản, họ có những ngôi sao đang tung hoành tại châu Âu, như Wataru Endo, Kaoru Mitoma, Ritsu Doan, Takefusa Kubo… Trong 5 trận gần nhất tại vòng loại World Cup 2026, thầy trò Hajime Moriyasu toàn thắng, ghi 24 bàn và không để thủng lưới lần nào. Ở chiều hướng ngược lại, 3 điểm giành được trước Trung Quốc mới là chiến thắng đầu tiên của tuyển Australia trong 3 trận gần nhất.
Giờ đây, cái bóng của Australia không còn phủ lên Nhật Bản nữa, mà ngược lại, Nhật Bản trở thành đội bóng hàng đầu châu lục, với con đường phía trước của Australia còn rất dài để tìm lại vinh quang.
Cuốn sách “Fear and Loathing in La Liga” của nhà báo thể thao nổi tiếng Sid Lowe, một chuyên gia về bóng đá Tây Ban Nha trên Guardian, xuất bản năm 2014, kể về những chuyện trong và ngoài sân cỏ xoay quanh các trận El Clasico xuyên suốt lịch sử.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tuyen-nhat-ban-het-cui-dau-truoc-australia-a189425.html