Yi Ling (33 tuổi, Singapore) nhớ lại khi còn bé, cô thường cố gắng tránh mặt mỗi khi cha đến trường đón mình tan học. Hồi ấy, bạn bè trong lớp thường nhầm cha mẹ Yi - khi đó ở độ tuổi 45 và 50 - là ông bà của cô và đem ra làm trò chế giễu.
Cuối cùng, cô cũng vượt qua được giai đoạn ấy nhưng những trải nghiệm cuộc sống của Yi có sự khác biệt với bạn bè có cha mẹ trẻ hơn.
"Cha mẹ đã cố gắng để chơi với tôi khi tôi còn nhỏ. Nhưng đến khi tôi vào trung học, họ không còn đi chơi với tôi nữa", cô kể với CNA. Cha của Yi bị đột quỵ khi cô khoảng 11-12 tuổi và nghỉ hưu ngay sau đó.
Hiện tại, Yi Ling là mẹ của hai đứa trẻ, một bé 9 tuổi và bé còn lại 2 tuổi. Cô than thở rằng cha mẹ của bạn bè thường giúp họ chăm sóc con nhỏ, trong khi cha mẹ cô thì không.
Các con của Yi còn không được gặp mặt ông ngoại vì ông đã qua đời trước khi chúng sinh ra.
Mẹ của Yi, hiện ở độ tuổi cuối 70, có giúp đỡ một chút khi đứa con đầu của cô mới chào đời. Nhưng bây giờ sức khỏe bà đã yếu, vận động hạn chế nên bà không thể phụ giúp được gì.
Xu hướng sinh con tuổi trung niên
Con cái có khoảng cách tuổi tác lớn với cha mẹ như Yi Ling không phải chuyện hiếm ở Singapore.
Glenda Chong (51 tuổi, phát thanh viên của CNA) mới đây thông báo vợ chồng cô sắp sửa chào đón đứa con vào đầu năm tới, sau 10 năm nỗ lực thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Phát thanh viên Glenda Chong (51 tuổi) thông báo sắp có con sau 10 năm làm IVF. |
Khi những lời chúc mừng cặp đôi bùng nổ mạng xã hội, cuộc thảo luận về xu hướng làm cha mẹ ở độ tuổi trung niên cũng trở nên sôi nổi hơn.
Các báo cáo thường niên do chính phủ Singapore công bố cho thấy sự gia tình trạng trì hoãn làm cha mẹ và xu hướng ngày càng nhiều bà mẹ chọn sinh con muộn.
Theo Báo cáo Tóm tắt Dân số do Văn phòng Thủ tướng công bố, vào năm 2013, độ tuổi trung bình của những bà mẹ Singapore lần đầu sinh con là 30,2. Độ tuổi này tăng dần qua từng năm, lên mức trung bình là 31,7 vào năm 2023.
Số liệu thống kê từ báo cáo thường niên của Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh về việc đăng ký khai sinh và tử vong cũng cho thấy xu hướng gia tăng về số lượng phụ nữ Singapore từ 45 tuổi trở lên sinh con mỗi năm.
Năm 2014, có 54 bà mẹ từ 45 tuổi trở lên sinh con. Con số này tăng lên 84 bà mẹ vào năm 2019 và đến năm ngoái, có 117 phụ nữ Singapore từ 45 tuổi trở lên sinh con.
Khi được hỏi về áp lực khi sắp làm mẹ ở tuổi ngoài 50, Chong nói với CNA rằng: "Tôi không quá lo lắng vì tôi đang nhận được bài học giá trị từ những người bạn đã có con. Tôi học được kinh nghiệm, tránh được sai sót từ lời khuyên của người đi trước".
Nỗi lo của cha mẹ già và con cái trẻ
Những người từng trải qua việc sinh con ở tuổi trung niên cho biết nuôi dạy con cái khi lớn tuổi đi kèm nhiều thách thức. Họ bày tỏ lo ngại về sức khỏe và thể lực suy giảm khi già đi, lo rằng mình không còn đủ thời gian để chứng kiến những cột mốc quan trọng trong cuộc đời con cái.
Ngay cả khi cha mẹ lớn tuổi nỗ lực để duy trì sự năng động thì mức năng lượng thấp hơn bình thường vẫn là thách thức do độ tuổi rất khó vượt qua.
Michelle Bong Lejtenyi (50 tuổi), một chuyên gia tiếp thị và truyền thông, cho biết mình thường rất mệt khi đến các sân chơi ngoài trời hoặc không gian vui chơi trong nhà, nơi James - cậu con trai 5 tuổi của bà - chạy xung quanh và hét lên: "Mẹ ơi! Đuổi theo con, đuổi theo con!".
"Tôi cố gắng để không bị đau lưng khi chạy theo con", bà kể. Bong Lejtenyi sinh James, đứa con đầu lòng, vào năm 45 tuổi và có đứa con thứ hai vào năm ngoái.
Michelle Bong Lejtenyi (50 tuổi) sinh hai con ở tuổi 45 và 49. |
Liu Ling Ling, ca sĩ kiêm diễn viên 61 tuổi, cũng gặp khó khăn thể chất khi sinh con ở tuổi trung niên. Cách đây nhiều năm, khi đang mang thai con trai, chân Liu đột nhiên yếu đi và gần như ngã khụy xuống. Sau khi sinh, bà không đủ sức để bế con quá lâu.
Ngoài sức khỏe, tài chính cũng là một vấn đề quan trọng cần lưu ý đối với những người làm cha mẹ khi đã lớn tuổi. Họ cho biết phải cố gắng tiết kiệm đủ tiền để chu cấp cho con cái và đáp ứng nhu cầu chăm sóc tuổi già của chính mình.
Những cha mẹ lớn tuổi cũng thường ít có người thân phụ giúp việc chăm con nhỏ.
Con cái của phụ huynh lớn tuổi cũng có nỗi lo riêng, đặc biệt là về việc chăm sóc và khả năng chu cấp tài chính cho cha mẹ già trong khi bản thân họ vẫn đang đi học hoặc mới xây dựng sự nghiệp. Một số con cái đề cập đến khoảng cách thế hệ và sở thích khác nhau, do cách biệt tuổi tác quá lớn.
Megan (24 tuổi, hiện là sinh viên năm cuối) cho biết cảm thấy mình có nhiều áp lực hơn bạn bè cùng trang lứa, đặc biệt khi cô là con một. Mẹ và cha cô, lần lượt 45 và 44 tuổi khi sinh cô, năm nay đều đã gần 70 tuổi.
"Tôi thấy có nhiều thứ mình không thể làm. Những người bạn của tôi đều nói đến chuyện nghỉ một năm để đi du lịch hoặc bắt đầu sự nghiệp ở nước ngoài. Tôi cũng muốn điều đó nhưng cảm thấy cần phải có trách nhiệm ở gần để chăm sóc cha mẹ già", Megan bày tỏ.
Cô cho biết rất lo lắng khi nghĩ đến cảnh cha mẹ gặp bất trắc mà không có ai giúp đỡ khi cô đang xây dựng sự nghiệp ở một vùng đất xa xôi nào đó. "Bởi thế, tôi thấy như 'không thể sống cuộc đời của mình' và tận dụng tối đa tuổi 20, độ tuổi mọi người tự do và nhiều năng lượng nhất để theo đuổi giấc mơ lý tưởng và mạo hiểm".
Megan cũng cảm thấy phải chọn một nghề nghiệp có mức lương cao hơn dù có thể cô không thích để đủ chu cấp tài chính và chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ già.
Lợi thế của cha mẹ trung niên
Những bậc cha mẹ lớn tuổi có thể mất đi lợi thế về sức khỏe hay sự hỗ trợ chăm con, nhưng họ cũng chỉ ra điểm tích cực đó là đã trưởng thành về mặt cảm xúc và ổn định tài chính.
Bà Lejtenyi cho biết: "Hiện tại, tình hình tài chính của tôi tốt hơn so với 10-15 năm trước, có thể trang trải học phí trường mẫu giáo tư thục, lớp học ngôn ngữ hoặc các buổi học bóng bầu dục và bóng đá cho con".
Một phụ huynh khác là Yuen Tat (64 tuổi), có cặp song sinh 14 tuổi, nói rằng khi lớn tuổi, ông có góc nhìn đa chiều và hiểu rõ hơn về bản thân. Chuyên gia tư vấn công nghệ và huấn luyện viên bán hàng tự do cho biết ông có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn và sẵn sàng chia sẻ cảm xúc với con cái.
Yuen Tat có con ở tuổi 50. |
Tương tự, ca sĩ Liu Ling Ling tin rằng bà được trang bị tốt hơn để yêu thương con trai mình khi đã lớn tuổi. Bà đã ưu tiên sự nghiệp khi còn trẻ nhưng bây giờ, bà hiểu rõ ưu tiên của mình là con cái và gia đình.
Những người con được sinh ra khi cha mẹ lớn tuổi cũng đồng tình rằng họ thường có nhiều nguồn lực hơn và không phải lo lắng về tiền bạc khi lớn lên.
Daniel Bai (28 tuổi), có cha 41 tuổi khi anh chào đời, thấy may mắn khi có nhiều nguồn lực tài chính hơn hai anh trai của mình - hiện đã 39 và 36 tuổi - khi họ còn nhỏ.
Megan cho biết việc chứng kiến cha mẹ già đi giúp cô có góc nhìn trưởng thành hơn về cuộc sống. "Điều này cho tôi thấy cuộc sống mong manh đến thế nào, chúng ta có quá ít thời gian dành cho những người thân yêu. Tôi cũng hiểu được việc thù ghét nhau vì những cuộc cãi vã tầm thường là vô nghĩa như thế nào", cô nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/thay-gi-tu-xu-huong-sinh-con-o-tuoi-u50-a189663.html