Hôm nay (17-10), theo dự kiến, TAND TP HCM sẽ tuyên án đối với 34 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB).
11 bị cáo phạm tội cả hai giai đoạn
Quá trình TAND TP HCM đưa ra xét xử vụ án đã phơi bày bộ mặt phía sau đế chế tài chính do bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, xây dựng và tồn tại suốt thời gian dài trước đó. Tại tòa, bị cáo Lan nhiều lần khẳng định bản thân tham gia vào hoạt động của ngân hàng chỉ để giúp SCB tái cơ cấu - một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước từ năm 2011 nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, tòa án đã phủ định lời khai này.
HĐXX vụ án giai đoạn 1 xác định sau khi chi phối gần như toàn bộ cổ phần của SCB, bị cáo Lan đã sắp xếp nhân sự thân tín để củng cố quyền lực, đồng thời chỉ đạo lập hồ sơ vay vốn khống, vi phạm nghiêm trọng phương án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Từ năm 2012-2022, bị cáo Lan đã biến SCB thành "công cụ tài chính" chủ lực để huy động tiền gửi và cấp vốn cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát nhằm củng cố sức mạnh tài chính cho "đế chế" của mình.
Tại bản án sơ thẩm giai đoạn 1, TAND TP HCM đã buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường hơn 677.000 tỉ đồng, tương đương tổng dư nợ của 1.284 khoản vay tại SCB có liên quan đến nhóm của bị cáo này. Tòa tuyên phạt bị cáo Lan mức án cao nhất là tử hình cho cả 3 tội danh: "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Đáng chú ý, có 10 bị cáo được xác định là phạm tội xuyên suốt từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2 để giúp sức tích cực cho bị cáo Lan trong việc thực hiện các hành vi vi phạm. Các bị cáo gồm: Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng Giám đốc SCB; Nguyễn Phương Anh, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn SPG; Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc SCB; Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB; Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng giám đốc SCB; Trương Huệ Vân, cựu Tổng Giám đốc Công ty WMC; Hồ Bửu Phương, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoáng Tân Việt (TVSI), cựu Phó Tổng Giám đốc Tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Bùi Đức Khoa, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Natural Land; Chu Lập Cơ - chồng bà Trương Mỹ Lan.
Áp dụng hình phạt nghiêm khắc
Giai đoạn 2 của vụ án được xác định diễn ra từ năm 2018, bị cáo Lan cùng nhóm thân tín phát hành 25 gói trái phiếu của 4 công ty là An Đông, Quang Thuận, Setra và Sunny World (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng từ hơn 35.000 nhà đầu tư. Trong giai đoạn này, bên cạnh bị cáo Lan, có 3 đồng phạm bị truy tố cùng 3 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Những người này gồm: Trương Khánh Hoàng, Nguyễn Phương Anh và Trịnh Quang Công (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quản lý Acumen). Tất cả đều có vai trò quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch gian lận tài chính, bị đề nghị mức án từ 15-27 năm tù.
Bên cạnh đó, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (bị đề nghị 17-19 năm tù) được xác định có vai trò đại diện cho SCB phối hợp cùng với ông Nguyễn Tiến Thành (đại diện TVSI, đã qua đời) xây dựng chương trình đào tạo cho các nhân viên trong toàn hệ thống. Sau đó, SCB đã tổ chức đào tạo cho 2.479 nhân viên tại 239 chi nhánh và phòng giao dịch, nhằm tư vấn và giới thiệu các nhà đầu tư thứ cấp (các cá nhân) ký kết hợp đồng mua trái phiếu với TVSI.
Theo chỉ đạo của bà Lan, sau khi thu được tiền từ việc bán trái phiếu, các đối tượng đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền cho các cá nhân được thuê để rút tiền tại SCB Chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành nhằm che giấu, cắt đứt dòng tiền và sử dụng toàn bộ số tiền bán trái phiếu vào các mục đích như trả nợ vay ngân hàng; trả gốc, lãi trái phiếu; chi cho việc mua các dự án; chuyển tiền ra nước ngoài và mục đích cá nhân khác của bà Lan, dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.
Đại diện VKSND TP HCM đề nghị HĐXX xem xét toàn diện các tình tiết của vụ án, đồng thời cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo Lan và các đồng phạm, nhằm răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm tương tự trong tương lai, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật và ổn định trật tự xã hội.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện cơ quan thực hành quyền công tố đề nghị HĐXX buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ hậu quả vụ án với tổng số tiền hơn 30.000 tỉ đồng. Để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Lan, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên giữ nguyên sự tự nguyện khắc phục hậu quả vụ án, tịch thu hơn 1.749 tỉ đồng mà các bị cáo khác trong vụ án đã tự nguyện nộp khắc phục để khấu trừ nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Lan.
Bên cạnh đó, VKS đề nghị tịch thu tài sản, đồ vật đối với các bị cáo liên quan hành vi phạm tội; hoàn trả tài sản cho những người không liên quan hành vi phạm tội; tịch thu, tiếp tục kê biên, phong tỏa bất động sản, tài khoản, cổ phần, cổ phiếu của bị cáo Lan; gỡ bỏ các biện pháp kê biên, phong tỏa cổ phần, tài khoản bất động sản đối với các bị cáo không phải chịu nghĩa vụ bồi thường trong vụ án. HĐXX cũng đề nghị xem xét, sử dụng toàn bộ số tiền, tài sản tiền thu hồi từ vụ án, cùng với số tiền đã thu hồi được trong bản án sơ thẩm giai đoạn 1, sẽ được sử dụng để khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Trong quá trình xét xử vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan đã liệt kê các quan hệ vay - mượn, đối với nhiều cá nhân, tổ chức. Bị cáo cho rằng các khoản tiền này cần được thu hồi để bảo đảm nghĩa vụ khắc phục hậu quả vụ án. Đại diện VKSND TP HCM xác định đây là các quan hệ dân sự và đề nghị HĐXX giải quyết theo quy định của pháp luật, bảo đảm nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo.