Sáng 18/10 vừa qua, tại Hội trường UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Công ty Cổ phần Đấu giá hợp danh Hòa Thuận tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ ký hiệu ĐB2B, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn. Kết quả đấu giá tại điểm mỏ này có yếu tố bất thường với giá cao hơn 308 lần so với giá khởi điểm và giá vật liệu xây dựng được cơ quan chức năng công bố; có dấu hiệu thao túng thị trường để trục lợi, đẩy giá cát lên cao, tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan và UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra, rà soát hồ sơ, quy trình, thủ tục liên quan việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với điểm mỏ ĐB2B. Các ngành chức năng kiểm tra năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của đơn vị tham gia đấu giá quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản năm 2010.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát những bất cập trong việc thực hiện quy trình, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn để tham mưu tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cho phù hợp.
Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, làm rõ động cơ, mục đích của của việc trả giá cao bất thường tại phiên đấu giá mỏ cát; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi.
Trước đó như VOV đã đưa tin , lần đầu tiên tại tỉnh Quảng Nam, một phiên đấu giá kéo dài suốt 20 tiếng đồng hồ, từ 8h sáng 18/10 đến 4h sáng 19/10, trải qua 200 vòng, mức giá khởi điểm là 1,2 tỷ đồng nhưng kết thúc với số tiền chốt phiên lên tới 370 tỷ đồng, gấp hơn 308 lần so với giá khởi điểm.
Hiện giá cát xây dựng được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt là 150.000 đồng/m3 nhưng mức trúng đấu giá mỏ cát ĐB2B tại xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn là 370 tỷ đồng, trữ lượng mỏ là 159.000 m3, tương đương hơn 2,3 triệu đồng/m3. Như vậy, chưa tính các chi phí thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và chi phí khai thác... thì doanh nghiệp bán ra với giá hơn 2,3 triệu đồng/m3 mới có lãi. Dư luận cho rằng, đây là mức giá phi thực tế.
Trong hơn 2 năm qua, cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khan hiếm, giá cát xây dựng và đất san lấp đẩy lên cao chưa từng có. UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thủ tục tổ chức đấu giá các mỏ và cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, tại nhiều buổi đấu giá các điểm mỏ đất, mỏ cát gần đây xảy ra tình trạng “thổi giá” lên cao một cách bất thường so với giá khởi điểm.