Bảo hiểm du lịch phát huy tác dụng cho những trường hợp nào?

Bảo hiểm du lịch là chương trình bảo hiểm bảo vệ cho cá nhân, tổ chức hoặc nhóm người về những tổn thất phát sinh từ các sự cố xảy ra trong chuyến đi. Những sự cố này có thể bao gồm tai nạn, ốm đau, chuyến đi bị hoãn, thất lạc hành lý, hay mất hộ chiếu,…

Quyền lợi khi mua bảo hiểm du lịch

Theo chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, khi tham gia bảo hiểm du lịch, du khách sẽ được bảo vệ tùy theo từng chương trình mà mình lựa chọn.

Cụ thể, trường hợp du khách khi đi du lịch không may bị ốm đau, bệnh tật do không quen với thời tiết, khí hậu, Công ty bảo hiểm sẽ hỗ trợ các chi phí về chữa trị, chi phí y tế điều trị nội ngoại trú liên quan đến bệnh tật này hoặc các chi phí khác liên quan đến tai nạn trong suốt chuyến đi. Với người đi du lịch nước ngoài, công ty bảo hiểm sẽ chi trả thêm chi phí thăm viếng tại bệnh viện, vận chuyển khẩn cấp tới cơ sở y tế điều trị phù hợp, chăm sóc trẻ em,…

Không chỉ đảm bảo cho các vấn đề sức khỏe, bảo hiểm du lịch toàn cầu còn bảo hiểm cho khách hàng trong những trường hợp chuyến bay bị hủy chuyến (canceled), chuyến đi bị trì hoãn (delayed) bao gồm các chi phí đặt phòng khách sạn, chi phí đặt chuyến bay khác…

Bảo hiểm du lịch phát huy tác dụng cho những trường hợp nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels

Mặt khác, bảo hiểm du lịch toàn cầu còn hỗ trợ cho các vấn đề chi phí liên quan tới hành lý như thanh toán các chi phí mất mát, thiệt hại hành lý, tư trang do các nguyên nhân khách quan.

Ngoài ra, công ty bảo hiểm sẽ chi trả các chi phí về việc mất giấy tờ thông hành, tùy thân như visa, vé máy bay, chi phí đi lại, ăn ở phát sinh thêm do giấy tờ thông hành bị mất ở nước ngoài khi bạn tham gia bảo hiểm du lịch toàn cầu.

Hiện nay, một số nước quy định khi xin visa thì bắt buộc phải có bảo hiểm du lịch toàn cầu đặc biệt là các nước ở châu Âu. Đây là chương trình bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi cho du khách trong suốt chuyến đi cũng như hỗ trợ các chi phí chăm sóc sức khỏe, nằm viện điều trị của du khách tại nước ngoài mà Bảo hiểm Y tế của Việt Nam chưa đảm bảo khi phải điều trị tại nước ngoài.

Các loại trừ thường thấy đối với bảo hiểm du lịch

Khách du lịch cần lưu ý các loại trừ chính của bảo hiểm du lịch gồm có: Tình trạng sức khỏe (người được bảo hiểm bị ốm đau, bệnh tật) trước khi tham gia bảo hiểm; Rối loạn về tâm thần, hệ thần kinh hay mất ngủ nhưng không bao gồm trường hợp mất trí; Người được bảo hiểm không đủ sức khỏe để di chuyển hoặc di chuyển trái với lời khuyên của bác sỹ hành nghề hợp pháp; Khi mục đích của chuyến đi là chữa bệnh hay chăm sóc y tế; Các bệnh mãn tính; Hành vi cố ý trái pháp luật của Người được bảo hiểm.

Các trường hợp loại trừ khác là du khách có thai, sinh nở và bất kỳ thương tật hay ốm đau nào liên quan đến việc mang thai hay sinh nở; Trường hợp tai nạn xảy ra khi người được bảo hiểm tham gia vào các công việc chân tay hay công việc nguy hiểm có liên quan đến việc sử dụng máy móc hay dụng cụ; Điều khiển phương tiện trong các cuộc đua, tham gia vào những hoạt động thể thao chuyên nghiệp.

Ngoài ra bảo hiểm du lịch còn có các loại trừ như: chiến tranh, khủng bố, thảm họa, phóng xạ; người được bảo hiểm phục vụ trong hải quân, lục quân hay không quân, tiến hành các hoạt động hay tham gia thử nghiệm các loại phương tiện vận chuyển, được thuê hay được phân công làm lao động thủ công trong khi ở ngoài khơi, khai mỏ….

Bảo hiểm du lịch phát huy tác dụng cho những trường hợp nào?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels

Bảo hiểm du lịch và bảo hiểm trễ chuyến bay

Về điểm giống nhau, bảo hiểm du lịch và bảo hiểm trễ chuyến bay đều là dịch vụ bảo hiểm bảo vệ cho người đi du lịch/công tác trên các chuyến bay thương mại.

Bảo hiểm du lịch và bảo hiểm trễ chuyến có sự khác biệt cả về đối tượng/phạm vi bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm. Mỗi loại hình có quyền lợi bảo hiểm khác nhau nên du khách cần có cán bộ tư vấn lựa chọn tham gia chương trình phù hợp.

Cụ thể với bảo hiểm du lịch, đối tượng là người đi du lịch/công tác. Về quyền lợi bảo hiểm có sự linh hoạt, tùy theo từng chương trình (ngoài quyền lợi bảo hiểm trễ chuyến bay) và được bảo hiểm suốt chuyến đi bao gồm: Hỗ trợ y tế khi ốm đau bệnh tật; bảo vệ khi không may bị tai nạn; hỗ trợ đi lại…; các quyền lợi bảo hiểm khác như chuyến bay bị trì hoãn, hủy bỏ chuyến đi, giấy tờ đi đường…

Với bảo hiểm trễ chuyến bay, đối tượng là người thực hiện chuyến đi bằng máy bay. Về quyền lợi bảo hiểm chỉ chi trả trong trường hợp trễ chuyến bay theo các block giờ tùy từng chương trình bảo hiểm.

Bảo hiểm du lịch phát huy tác dụng cho những trường hợp nào?- Ảnh 3.

Bảo hiểm du lịch và bảo hiểm trễ chuyến bay giống và khác nhau như thế nào?

Yêu cầu bồi thường bảo hiểm du lịch

Ngay sau khi phát sinh sự cố bảo hiểm, người được bảo hiểm cần phải thông báo ngay đến công ty bảo hiểm. Thời hạn thông báo: chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày phát sinh sự cố bảo hiểm. Người yêu cầu trả tiền bảo hiểm cần trả lời đầy đủ các câu hỏi trong Giấy yêu cầu trả tiền bảo hiểm theo mẫu, đính kèm các chứng từ theo yêu cầu và gửi toàn bộ hồ sơ liên quan đến công ty bảo hiểm.

Hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm bao gồm:

- Bản gốc Giấy yêu cầu trả tiền bảo hiểm (đã được kê khai đầy đủ);

- Bản sao Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm;

- Bản sao hộ chiếu (nếu tham gia bảo hiểm du lịch toàn cầu);

- Bản sao vé máy bay/thẻ lên máy bay;

- Chứng từ xác minh độ dài của chuyến đi (nếu tham gia bảo hiểm theo năm của bảo hiểm du lịch toàn cầu);

- Bản gốc các chứng từ chứng minh hoàn cảnh tổn thất (hồ sơ y tế, hóa đơn, chứng từ…) và số tiền yêu cầu trả tiền bảo hiểm.

- Các giấy tờ khác theo yêu cầu của công ty bảo hiểm (nếu có).

Hiện nay một số công ty bảo hiểm đã có ứng dụng (app) trên thiết bị di động, giúp khách hàng tham gia bảo hiểm du lịch chủ động. Khách hàng có thể truy cập mua và kích hoạt bảo hiểm trước mỗi chuyến du lịch. Khi mua trên app, khách hàng sẽ nhận giấy chứng nhận điện tử và yêu cầu bồi thường online nhanh chóng, thuận tiện.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/bao-hiem-du-lich-phat-huy-tac-dung-cho-nhung-truong-hop-nao-a191108.html