Tương lai đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam sẽ tạo ra thị trường hơn 100 tỷ đô, có thêm hàng triệu việc làm?

Theo ước tính của Bộ GTVT, nếu đầu tư đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam sẽ tạo ra thị trường xây dựng, phương tiện, thiết bị trên 100 tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm.

Thị trường trên 100 tỷ USD được tạo ra như thế nào?

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một trong những vấn đề sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15. Hiện Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao. Quốc hội sẽ thảo luận và bỏ phiếu thông qua chủ trương vào ngày bế mạc (30/11).

Trước đó, trong tờ trình về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mà Bộ GTVT gửi Chính Phủ có nêu: Việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD; nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD; phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD.

Về thị trường xây dựng

Dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam là một trong những dự án hạ tầng lớn nhất trong lịch sử đất nước nên cần xây dựng một loạt các cơ sở hạ tầng phức tạp. Bao gồm hàng nghìn km đường ray, cầu cạn, hầm xuyên núi, nhà ga và các công trình phụ trợ khác. 

Điều này đòi hỏi các nhà thầu xây dựng lớn tham gia, dẫn đến sự gia tăng khối lượng công việc, doanh thu và lợi nhuận cho các công ty xây dựng.

Tương lai đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam sẽ tạo ra thị trường hơn 100 tỷ đô, có thêm hàng triệu việc làm?- Ảnh 1.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo ra thị trường xây dựng "màu mỡ". Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT

Đường sắt tốc độ cao cũng đòi hỏi áp dụng những công nghệ xây dựng tiên tiến nhất để đáp ứng yêu cầu về an toàn, chất lượng, và tốc độ. Các công ty xây dựng sẽ phải đầu tư vào thiết bị hiện đại và nâng cao năng lực công nghệ, từ đó cải thiện hiệu quả thi công và chất lượng công trình.

Việc xây dựng đường sắt tốc độ cao cũng sẽ thúc đẩy phát triển các khu vực xung quanh nhà ga, bao gồm việc xây dựng các khu dân cư, trung tâm thương mại, và các khu vực công nghiệp. Điều này mở rộng thị trường cho các công ty xây dựng tham gia vào các dự án bất động sản, đô thị hóa và cơ sở hạ tầng mới.

Về thị trường phương tiện, thiết bị

Bộ GTVT cho biết, nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, Việt Nam có khả năng phát triển công nghiệp đường sắt, trong đó: làm chủ công nghiệp xây dựng; từng bước làm chủ và nội địa hóa về chế tạo toa xe, hệ thống cấp điện động lực, hệ thống thông tin - tín hiệu; tự chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và sản xuất một số linh kiện thay thế cho đường sắt tốc độ cao. Do đó, việc phát triển đường sắt tốc độ cao là tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.

Ước tính, với số lượng ga hành khách tối thiểu 23 ga, Việt Nam cần mua sắm 85 đoàn tàu khách, 30 đầu kéo tàu hàng + 1.250 toa tàu hàng. Ngoài ra, dự kiến trong giai đoạn vận hành, Doanh nghiệp khai thác sẽ mua sắm bổ sung 280 toa xe trong năm 2040 và mua thêm thêm 472 toa tàu nhanh, 344 toa tàu tiêu chuẩn. Điều này sẽ tạo ra một thị trường đáng kể cho các doanh nghiệp sản xuất phương tiện giao thông, đặc biệt là toa tàu tốc độ cao.

Để vận hành những đoàn tàu hàng trăm km/giờ, Việt Nam cần các hệ thống điều khiển tiên tiến, hệ thống tín hiệu, hệ thống điện khí hóa và cơ sở hạ tầng thông minh. Đây là các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao, tạo ra cơ hội cho các công ty cung cấp thiết bị và công nghệ. Ngoài ra, các ngành công nghiệp phụ trợ như bảo trì, sửa chữa và vận hành cũng nhờ đó mà phát triển mạnh mẽ...

 Tạo ra hàng triệu việc làm

Cùng với quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án, Bộ GTVT giao các đơn vị liên quan chuẩn bị nguồn nhân lực và nâng cao năng lực ngành công nghiệp đường sắt để phục vụ nhu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây được xem là yếu tố quyết định tới tính hiệu quả, bền vững và thành công của dự án này.

Theo tính toán của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, trong quá trình xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao, cần nguồn lao động tay nghề cao khoảng 263.700 - 332.300 người. Trong đó, giai đoạn 2025 - 2030 cần khoảng 111.280 - 160.020 người; giai đoạn 2030 - 2040 cần khoảng 152.420 - 186.280 người và phải có tay nghề cao.

Bên cạnh các lao động tay nghề cao, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao đòi hỏi một lực lượng lao động phổ thông khổng lồ, bao gồm công nhân xây dựng, công nhân cơ khí.

Tương lai đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam sẽ tạo ra thị trường hơn 100 tỷ đô, có thêm hàng triệu việc làm?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT

Ngoài ra, các ngành công nghiệp liên quan đến sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị và công nghệ cho đường sắt cũng cần rất nhiều lao động. Việc thi công các tuyến đường ray, nhà ga, cầu cạn, và hầm xuyên núi sẽ cần sự tham gia của các đội ngũ công nhân kỹ thuật lớn, đặc biệt là trong giai đoạn xây dựng hạ tầng.

Giải pháp với nguồn lao động trên là tuyển dụng thông qua đào tạo trong nước, liên kết và đào tạo ở nước ngoài. Dự kiến kinh phí đào tạo khoảng 19.718 - 24.096 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành, dự án cần khoảng 13.880 người để khai thác vận hành, trong đó lao động trực tiếp là 11.050 người, kỹ sư cần khoảng 2.349 người... 

Tuy nhiên, Viện Chiến lược và phát triển GTVT nhận định, nguồn nhân lực cho đầu tư xây dựng cơ bản trong nước đáp ứng được 80% nhu cầu để phục vụ cho công tác xây dựng như nền, móng, công trình… 20% nhân lực còn lại tập trung chủ yếu vào các chuyên ngành chuyên sâu của đường sắt tốc độ cao như hệ thống ray, thông tin tín hiệu... và cần có kế hoạch đào tạo chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu công việc.

Dự án đường sắt tốc độ cao cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế liên quan như du lịch, vận tải, logistics và bất động sản, từ đó gián tiếp tạo thêm nhiều việc làm trong các ngành này. Ví dụ, các dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng địa phương sẽ phát triển mạnh mẽ dọc theo tuyến đường sắt, kéo theo nhu cầu về lao động.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tuong-lai-duong-sat-toc-do-cao-o-viet-nam-se-tao-ra-thi-truong-hon-100-ty-do-co-them-hang-trieu-viec-lam-a191360.html