Khoảng trống pháp lý với việc mua bán thuốc online
Luật Dược hiện hành và Nghị định 54 hướng dẫn Luật Dược chưa quy định các vấn đề liên quan đến kinh doanh thuốc online hay kinh doanh thuốc qua các sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sự đổi mới liên tục của công nghệ và ảnh hưởng của tình hình đại dịch Covid-19 trong thời gian qua, việc mua sắm qua mạng, các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến và trở thành sự lựa chọn của nhiều người.
Dự thảo Luật Dược sửa đổi lần này có bổ sung, ngoài việc bán thuốc tại các hiệu thuốc truyền thống, sẽ cho phép kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, hiện nay nội dung này còn nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Thảo luận tại hội trường sáng 22/10, có đại biểu cho rằng hiện nay, hoạt động thương mại điện tử diễn ra phong phú, đa dạng và phức tạp.
Khác với những loại hàng hóa khác, thuốc được giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng nếu không được quản lý tốt thì sẽ gây hậu quả rất nặng nề và khó khắc phục.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Vì vậy, ông tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử.
Đại biểu nêu quan điểm, các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, bệnh án điện tử.
Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép..
Theo đại biểu, dự thảo Luật cũng cần có điều, khoản cụ thể quy định rằng Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.
Ông Hiếu gợi ý nên bắt đầu thử nghiệm tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử. Việc này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay và cũng xóa bỏ được tư duy "không quản được thì cấm".
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thực tiễn đang có khoảng trống pháp lý, đặc biệt đối với mặt hàng đặc thù như thuốc.
Chính vì vậy, trong dự thảo Luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử… có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định thêm các quy định về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, vấn đề quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử…
Làm thế nào để quản lý chất lượng thuốc bán online?
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Thương mại điện tử và dược phẩm - xu hướng, thách thức và giải pháp" trên báo ngày 16/10, PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc mua bán qua thương mại điện tử.
Dù vậy, ông lưu ý thuốc là một mặt hàng đặc biệt, nên việc đưa thuốc lên thương mại điện tử cần đảm bảo 2 vấn đề: Người mua được hướng dẫn tư vấn sử dụng thuốc. Sản phẩm thuốc phải là sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép.
Ông cũng cho rằng trên thực tế, quá trình mua bán thuốc ở Việt Nam cũng đang gặp nhiều vấn đề. Như các nước phát triển, việc mua thuốc rất chặt chẽ. Ở Việt Nam có chuyện mua theo mách bảo người hàng xóm, mua kháng sinh không cần đơn, điều này gây tác hại lâu dài.
PGS Truyền cũng đặc biệt lưu ý vấn đề kiểm soát chất lượng thuốc.
Trong bối cảnh kinh tế, nền tảng khoa học kỹ thuật, nền tảng pháp luật, đặc biệt ý thức tuân thủ, ta không thể so sánh ý thức tuân thủ của chúng ta với các nước, đó là yếu tố nguy cơ.
Ông gợi ý cơ quan quản lý nên áp dụng thực hành gọi là thực hành quản lý lợi ích và rủi ro.
Nếu thấy áp dụng với nhóm hàng này lợi ích cực lớn, rủi ro bằng 0 thì hoàn toàn cho phép. Ngược lại với nhóm hàng khác phân tích rủi ro và lợi ích cân bằng hoặc thiên rủi ro lớn cho người bệnh thì chúng ta cân nhắc. Cân nhắc không có nghĩa là cấm mà đưa ra các biện pháp quản lý để bảo vệ người tiêu dùng.
"Tôi đồng tình với luật Dược trước tiên áp dụng với chuỗi nhà thuốc lớn với vài nghìn nhà thuốc trong hệ thống, trải khắp các địa bàn trên toàn quốc, là công ty kinh doanh chuỗi nhà thuốc", PGS Truyền nói.
Tiến sĩ Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM, cũng nhấn mạnh thêm: "Tôi cho rằng kiểm soát chất lượng luôn là vấn đề quan trọng. Hiện nay chiều hướng đẩy kiểm soát chất lượng sang người tiêu dùng và gọi họ là người tiêu dùng thông minh tôi rất phản đối.
Người tiêu dùng dù thông minh như thế nào cũng không trả lời thuốc này có tốt hay không, đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng".
Các chuyên gia cho rằng, có thể áp dụng công nghệ hiện đại để quản lý chất lượng thuốc.
Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế và Cục Cảnh sát châu Âu khuyến cáo nên dùng RFID - thiết bị theo dõi để gắn trên các sản phẩm hoặc gắn trên thùng hàng theo dõi được từ khi đơn vị mua nguyên liệu, sản xuất, hoàn thành sản phẩm, phân phối qua các trạm trung gian, người phân phối cuối cùng.
Hiện nay trên thế giới các nhà quản lý khuyến cáo nên dùng con chip, như vậy theo dõi lộ trình của sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ban-thuoc-online-va-khoang-trong-phap-ly-trong-quan-ly-a191405.html