Quy hoạch đô thị: Cần có tầm nhìn phát triển bền vững

Bộ Xây dựng vừa công bố quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là bản quy hoạch mang tính khoa học và thực tiễn cao, phù hợp với tốc độ đô thị hóa rất nhanh của nước ta. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu sẽ còn rất nhiều vấn đề đặt ra.


Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia là căn cứ quan trọng cho các địa phương để khi các quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng và quy hoạch nông thôn cũng như hệ thống hạ tầng kết nối có định vị một cách rõ ràng, định hướng một cách thống nhất. Điểm nhấn của quy hoạch lần này là xác định rõ cả quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, phản ánh đúng hiện thực phát triển đô thị rất nhanh của nước ta và những tác động mạnh mẽ tới khu vực nông thôn.

Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch-Kiến trúc, Bộ Xây dựng cho biết: "Trong nội dung định hướng quy hoạch đã làm rõ vai trò, chức năng 6 vùng kinh tế-xã hội gắn với những đô thị trọng tâm, các đô thị chiến lược như 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, cũng như những đô thị loại I và những nơi sẽ trở thành đô thị loại I. Quy hoạch đặt ra yêu cầu phát triển để làm sao hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, cảnh quan cũng như điều kiện hạ tầng kỹ thuật một cách tốt nhất".

Quy hoạch đô thị: Cần có tầm nhìn phát triển bền vững- Ảnh 1.

Bộ Xây dựng vừa công bố quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh minh hoạ).

Thực tế cho thấy, nhiều đô thị của nước ta thời gian qua phát triển thiếu quy hoạch, tự phát, còn theo phong trào. Tình trạng thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tính kết nối hạ tầng còn yếu. Vấn đề ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm, cảnh quan… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Đây là những vấn nhức nhối, cần được nhận diện để tìm ra những giải pháp khắc phục. Để thực hiện đồng bộ quy hoạch trên phạm vi cả nước đến 2030, tầm nhìn đến 2050, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong triển khai các nhiệm vụ, chương trình hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực. Các địa phương cần nhanh chóng xây dựng các chương trình, kế hoạch. Phát triển đô thị cần có trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải.

Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết: "Cơ bản các địa phương trên cả nước đều có quy hoạch chung rồi quy hoạch phân khu là bước tiếp theo của quy hoạch chung đó đều đã phủ quá bán. Đó là 2 cơ sở quan trọng để các địa phương có được công cụ quản lý để giám sát trong quá trình phát triển đô thị và để triển khai các quy hoạch chi tiết tiếp theo và việc lập và hình thành dự án. Trung ương thì chỉ giữ vai trò giám sát, kiểm tra trong quá trình thực thi Luật quy hoạch. Phải có quy hoạch chung, sau đó xác định ra chương trình phát triển đô thị từ đó mới chia ra kế hoạch 5 năm, hàng năm.

Theo quy hoạch, đến 2050, Việt Nam xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Trong bối cảnh hiện nay, cần thêm nhiều dự án, chương trình giao thông công cộng, cây xanh, tái thiết đô thị. Việc triển khai hạ tầng số tại các đô thị phải phù hợp để thúc đẩy xây dựng nền tảng phát triển đô thị thông minh.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: "Từ sự phát triển các đô thị trên thế giới cũng như của Việt Nam trong thời gian qua, chúng ta cần có cách nhìn toàn diện, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thể chế, đặc biệt là chính sách pháp luật liên quan đến đô thị cũng như việc chỉnh trang, tái thiết các đô thị hiện nay".

Phân tích sự phát triển của một số thành phố lớn của nước ta và kinh nghiệm của một số thành phố lớn trên thế giới, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hình thức thu giá trị đất đai tăng thêm tại Việt Nam hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Việc thu giá trị đất đai tăng thêm gắn với quá trình đô thị hóa bằng chính sách thuế bất động sản, thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất là rất quan trọng để huy động nguồn lực cho phát triển đô thị:

"Nhiều khi một bản quy hoạch rất đẹp, hạ tầng đồng bộ, được coi là một bản quy hoạch tuyệt vời, nhưng đặt câu hỏi lấy tiền đâu để thực hiện bản quy hoạch đó thì lập tức vướng mắc. Đất đai là một nguồn lực có thể khai thác, có thể thu, có thể vốn hóa, tạo được ra rất nhiều tiền để có thể phát triển đô thị, bởi bình thường lấy vốn đầu tư công từ Ngân sách thì không được bao nhiêu để phát triển đô thị. Vậy chúng ta phải cải cách việc thu từ đất, để có một nguồn lực trực tiếp cho các đô thị có thể phát triển" - Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị của nước ta còn thấp và nhiều bất cập. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới. Để phát triển đô thị hiệu quả, cần thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, trong đó cần tăng cường phân cấp, phân quyền để cao trách nhiệm chính quyền địa phương và vai trò của cộng đồng trong quản lý phát triển đô thị.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/quy-hoach-do-thi-can-co-tam-nhin-phat-trien-ben-vung-a191936.html