ĐBQH đánh giá cao điểm sáng kinh tế, nêu 3 động lực chính cho tăng trưởng

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, Việt Nam nổi lên là điểm sáng khi chúng ta vẫn duy trì được về sự ổn định về kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, đạt các thành tựu trong xuất khẩu.

ĐBQH đánh giá cao điểm sáng kinh tế, nêu 3 động lực chính cho tăng trưởng- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM) - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận một cách tổng thể trong bối cảnh thế giới và những giai đoạn trước để có sự đánh giá khách quan.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, từ năm 2022 thế giới bắt đầu bất ổn sau đại dịch COVID-19, xung đột địa chính trị lan rộng ở một số khu vực. Do đó, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Trong sự bất ổn đó, Việt Nam nổi lên điểm sáng khi chúng ta vẫn duy trì được về sự ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội.

Điển hình là việc chúng ta đã kiểm soát lạm phát ở mức thấp trong vòng 10 năm, từ năm 2015 đến nay, chúng ta kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 3%.

Theo ông Trần Hoàng Ngân "đó là điều tuyệt vời", khi các giai đoạn trước đó lạm phát ở Việt Nam khoảng 9,3%; có năm vượt trên 20%.

"Chúng ta nhìn lại 10 năm gần đây và so với giai đoạn trước để thấy rằng việc kiểm soát lạm phát là rất tốt. Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát", đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ.

Đặc biệt, chúng ta cũng bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, cán cân thương mại thặng dư liên tục từ năm 2016 đến nay. Đây là thành quả lớn, trong đó có việc liên tục xuất siêu. Trong 5 năm gần gây (2019-2024), Việt Nam xuất siêu 85 tỷ USD, như vậy, mỗi năm xuất siêu 17 tỷ USD.

Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị và thành quả này rất đáng tự hào, trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn mà chúng ta duy trì được sự ổn định và bảo đảm được cân đối lớn cùng nhiều cân đối khác.

Điểm sáng thứ hai, về tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng trực diện bởi những bất ổn nên đã bắt đầu chững lại. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân chung của cả thế giới dự báo thấp hơn so với năm 2023. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ở mức 3,2%; WB dự báo tăng trưởng các nước trong khu vực như: Thái Lan 2,8%, Indonesia 5%, Philippine 5,8%...

"Tại Việt Nam, theo báo cáo của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng 6,82% và tôi tin tưởng rằng cả năm nay tăng trưởng trên 7%", ông Trần Hoàng Ngân nói.

Điểm sáng thứ 3 là thành tựu xuất khẩu, tăng 15,4%, trong khi chi phí logistic toàn cầu tăng cao, giá cả thế giới liên tục biến động, tăng giảm bất thường về giá dầu, giá vàng.

Kết nối khu vực FDI với các doanh nghiệp trong nước

"Vậy đâu là động lực chính của tăng trưởng nước ta hiện nay"? Đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình với báo cáo của Chính phủ đã đưa ra 11 giải pháp.

Bàn về giải pháp đầu tiên, đó là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh 3 động lực truyền thống: Xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng.

Về xuất khẩu, theo ông Trần Hoàng Ngân, chúng ta duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, trong 9 tháng tăng 15,4% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bàn sâu hơn, xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng chủ lực là điện tử, máy tính, máy móc, thiết bị… nhưng giá trị gia tăng từ khu vực xuất khẩu này còn hạn chế vì phần lớn các doanh nghiệp FDA nhập linh kiện, phụ kiện, nguyên phụ liệu từ nước ngoài về, trong nước chủ yếu gia công.

Mặc dù có sự cải thiện về mức giá trị gia tăng nhưng vẫn còn thấp, do đó chúng ta cần phải tập trung kết nối khu vực FDI với các doanh nghiệp trong nước và xây dựng hệ thống thể chế liên quan đến việc phát triển công nghiệp dịch vụ phụ trợ, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện để cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp FDI chế biến, lắp rắp sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu thì mới tăng được giá trị.

Mặt khác, các mặt hàng xuất khẩu khác như: Thủy sản, nông sản, rau quả, tiêu, điều, cà phê, gạo, chè… tăng rất cao so với cùng kỳ. Vì vậy, chúng ta cần tiếp sức cho mặt hàng mang thương hiệu Việt Nam, nông sản thế mạnh của Việt Nam ra thế giới,

Do đó, cần đầu tư kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là tại vùng ĐBSCL, hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, đi vào sản xuất lớn, mang tính chuyên nghiệp thì hàng hóa nông sản thủy sản mới có thương hiệu chất lượng, lâu bền trên thế giới.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp chuyển đổi xanh, sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường bởi tiêu chí hiện nay của thế giới đưa ra ngày càng cao. Bên cạnh đó, khâu chế biến cần có hệ thống giải pháp đồng bộ để các sản phẩm mang thương hiệu của Việt Nam ra thế giới.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý đến việc xuất khẩu tại chỗ, đó là việc bán hàng cho khách du lịch quốc tế, phải có giải pháp thu hút du lịch quốc tế vào Việt Nam.

Động lực thứ hai về tổng vốn đầu tư phát triển của Việt Nam, theo ông Trần Hoàng Ngân, đây là yếu tố ảnh hưởng đến 40% tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tính chung 9 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước chiếm 27,5% tổng vốn; khu vực dân doanh chiếm 55,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 17,2% và tăng 10,7%.

Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng "vốn khu vực dân doanh mà lớn, là cơ cấu vốn bền vững".

Đối với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2024 tăng cao 10,7%, đây  cũng là một điểm sáng.

"Mặc dù thế giới bất ổn, dòng vốn đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng bởi chính sách lãi suất quốc tế. Có những nơi dòng vốn chảy ra, ở Việt Nam thì dòng vốn chảy vào. Vấn đề là chúng ta chọn lọc để định hướng dòng vốn vào những nơi cần thiết, tập trung ưu tiên vào công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn…", ông Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.

Đối với khu vực có vốn nhà nước, có 2 nhánh, một là các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước thì tăng trưởng còn chậm. ông Trần Hồng Ngân đề nghị sớm sửa đổi Luật Quản lý vốn nhà nước theo hướng phát huy tinh thần năng động, chủ động sáng tạo hơn ở tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát để việc sử dụng vốn tốt hơn.

Nhánh thứ hai là vốn đầu tư công. Đây là vốn quan trọng được Quốc hội cũng như Chính phủ dành nhiều sự quan tâm. Vấn đề làm sao giải ngân và đưa vốn này đi vào cuộc sống.

Đại biểu đánh giá cao việc cần thiết sửa Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), các luật thuế, kiểm toán, kế toán tới đây... sẽ tháo gỡ vấn đề ách tắc trong khu vực đầu tư công.

Động lực thứ ba, là tiêu dùng nội địa. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, mặc dù có sự cải thiện nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8 % trong 9 tháng, vẫn còn thấp so với trước, do đó phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng nội địa, khuyến khích người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam, hỗ trợ thu nhập cho người dân để kích cầu tiêu dùng.

Sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng càng sớm càng tốt

Chia sẻ về thị trưởng vàng, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần sớm sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng càng sớm càng tốt để ổn định thị trường vàng. Mặc dù thời gian qua, chúng ta nỗ lực củng cố, ổn định thị trường vàng nhưng đây vẫn là một điểm nghẽn cần giải quyết.

Ông Trần Hoàng Ngân dẫn chứng, giá vàng thế giới đầu năm là 2.000 USD/lượng, hiện nay là 2.750 USD/lượng, tăng 37,5%. Giá vàng trong nước cũng biến động theo nhưng sự biến động trong nước thấp hơn là biến động của giá vàng thế giới. Giá vàng trong nước đầu năm là 74,5 triệu/lượng, hiện nay là 89 triệu, tăng khoảng 19,5%.

Theo ông Ngân, tới đây có Nghị quyết thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, ở Đà Nẵng, thì cần quan tâm đến việc thành lập các sàn giao dịch hàng hóa, trong đó có sàn giao dịch vàng liên thông với thế giới để giải quyết bài toán đầu cơ vàng.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/dbqh-danh-gia-cao-diem-sang-kinh-te-neu-3-dong-luc-chinh-cho-tang-truong-a192083.html