Năm 2024, Chính phủ tiếp tục coi giải ngân đầu tư công là động lực quan trọng để tăng tốc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Gần 678 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và yêu cầu giải ngân phải đạt ít nhất 95% kế hoạch. Tuy nhiên, đã qua 10 tháng của năm nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt khoảng 52,29% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với yêu cầu đề ra.
Giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, đô thị, nâng cao chất lượng giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội; bảo đảm an ninh quốc phòng; tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ giải ngân một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước vào nền kinh tế. Đồng thời giải ngân vốn đầu tư công tăng 10% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,6 điểm phần trăm. Đó là chưa kể, nếu hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng “một” điểm phần trăm sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm khoảng 0,12 điểm phần trăm.
Đó là lý do vì sao Chính phủ tiếp tục coi giải ngân đầu tư công là động lực quan trọng để tăng tốc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 ước đạt 6,8-7%.
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95% kế hoạch, ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP nhấn mạnh việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công “là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng cần quan tâm, điều hành, chỉ đạo sát sao”. Tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, nội dung về đầu tư công thường xuyên được Chính phủ thảo luận, phân tích và có các chỉ đạo, giải pháp cụ thể đưa vào Nghị quyết của phiên họp. Từ đầu năm đến nay cũng đã có rất nhiều Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ được ban hành để chỉ đạo, đôn đốc...
Thế nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10 mới chỉ đạt được hơn nửa kế hoạch. Đáng lưu ý, đến nay vẫn còn 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Các nguyên nhân “cố hữu” ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được kể đến vẫn là vướng mắc về thủ tục, chậm giải phóng mặt bằng, năng lực của nhà thầu, thiếu vật tư, thiết bị… Năm nay thêm yếu tố thời tiết cực đoan, bất thường đã làm gián đoạn công tác thi công tại nhiều công trình, dự án.
Nhìn lại quá trình thi công Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) với chiều dài gần 520km đi qua địa bàn 9 tỉnh, thành phố thì tất cả các khó khăn đó đều tồn tại, dẫn đến nhiều nghi ngại rằng công trình khó có thể về đích trong vòng nửa năm. Thế nhưng, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị“chỉ bàn làm, không bàn lùi”; Nhờ công tác giải phóng mặt bằng kỷ lục chỉ vỏn vẹn 3 tháng và phương án “4 tại chỗ” được phát huy hiệu quả; tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, làm việc “3 ca 4 kíp”… Dự án đường dây 500kV có khối lượng thi công lớn nhất và ứng dụng nhiều công nghệ mới nhất đã hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công!
Từ thực tế những công trình chậm tiến độ phải tăng vốn, đội vốn nhiều lần, kéo theo thời gian đưa vào sử dụng bị lùi hoãn, giảm giá trị… cho thấy, việc hoàn thành nhanh một công trình hạ tầng quan trọng - như đường dây truyền tải điện - đã không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc mà còn góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cả trước mắt và lâu dài cho đất nước.
Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực diễn ra hôm 30/10, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban chỉ đạo đã nêu rõ “Phải coi phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ ngang hàng với phòng, chống tham nhũng tiêu cực”. Trong bài viết “chống lãng phí” trước đó, Tổng Bí Thư đã yêu cầu “Tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa”.
Chỉ còn vỏn vẹn 2 tháng để “hấp thụ” hơn 300 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công. Nếu không nỗ lực tăng tốc gấp đôi, gấp 3 trong chặng “nước rút” này - thì khó có thể hoàn thành giải ngân nguồn “vốn mồi” - “động lực quan trọng” cho tăng trưởng!
Thủ tướng đã vừa ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, trong đó nhấn mạnh đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, cả các nguồn vốn khác (nếu có).
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang được thảo luận tại Quốc hội kỳ này cũng cho thấy những quy định mang tính “đột phá”, mạnh mẽ phân quyền để tháo gỡ các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, triển khai dự án… Tất cả được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh vốn đầu tư công chảy vào nền kinh tế, giúp cho nhiều dự án “đóng băng” đi vào cuộc sống.
Đó là vấn đề của tương lai. Còn trong trước mắt, nếu không giải quyết được các điểm nghẽn từ chính đội ngũ điều hành và thực thi chính sách hiện hữu, để chậm giải ngân vốn đầu tư công là vô cùng lãng phí!