Loạt chính sách BHYT ảnh hưởng hàng triệu người được đề nghị sửa thế nào?

Nhiều bất cập khi khám, chữa bệnh BHYT đang được đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.

Việt Nam có 93,35% người dân tham gia BHYT tương đương hơn 93 triệu người. Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai, Luật BHYT đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đang được thảo luận tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV. Thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng tham gia BHYT, bỏ giấy chuyển tuyến; thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT; tăng mức hỗ trợ cho đối tượng là học sinh, sinh viên và hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp...

Loạt chính sách BHYT ảnh hưởng hàng triệu người được đề nghị sửa thế nào?- Ảnh 1.

Người dân đăng ký khám chữa bệnh

Đề xuất bỏ giấy chuyển tuyến

Đề xuất bỏ giấy chuyển tuyến với bệnh hiểm nghèo là một trong những nội dung mà Bộ Y tế đưa ra tại dự thảo Luật BHYT sửa đổi.

Dự luật quy định người bệnh được tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục bệnh, kỹ thuật quy định của bộ trưởng Bộ Y tế: thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú theo tỉ lệ phần trăm mức hưởng quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... sẽ giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí từ tiền túi người dân và tiết kiệm chi phí cho quỹ.

Sửa vướng mắc thanh toán tiền thuốc, vật tư y tế

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu Quốc hội đề nghị quy định thanh toán cho bệnh nhân khám BHYT phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài khi bệnh viện không có.

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 22 về thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh và có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thông tư 22 không giải quyết được vướng mắc về thanh toán tiền thuốc, vật tư y tế khi bệnh nhân phải mua ở ngoài. Bởi thông tư quy định thuốc được thanh toán phải thuộc danh mục ban hành theo thông tư 26 năm 2019 của Bộ Y tế.

Loạt chính sách BHYT ảnh hưởng hàng triệu người được đề nghị sửa thế nào?- Ảnh 2.

Đề xuất mở rộng quyền lợi, giảm bớt phiền hà cho người bệnh BHYT

Theo danh mục này, có 443 lượt hoạt chất, trong khi số lượt hoạt chất được quỹ BHYT thanh toán hiện hơn 1.000 lượt, chưa tính có hơn 500 loại dược liệu, thuốc cổ truyền được thanh toán.

Một số đại biểu cho rằng nhu cầu sử dụng thuốc hiếm rất thấp so với các loại thuốc thông thường, nên quy định này không giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc hay đảm bảo quyền lợi tối đa của người tham gia BHYT.

Hơn nữa, quy định thiết bị y tế được thanh toán là thiết bị y tế loại C hoặc D, chỉ giải quyết thanh toán cho bệnh nhân bệnh nặng đặc thù như đặt stent, phẫu thuật, bắt vít... Trong khi thực tế có những thiết bị y tế loại A, B thường xuyên được sử dụng như găng tay, dây chuyền dịch... lại không được thanh toán.

Đề xuất tăng mức hỗ trợ BHYT cho nhiều đối tượng

Theo quy định, học sinh, sinh viên đóng 70% mệnh giá thẻ BHYT và Nhà nước hỗ trợ là 30% nhưng khi thảo luận nội dung này, nnhiều đại biểu đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng lên 50%. Đồng thời, nghiên cứu bỏ quy định nhà trường thu tiền để mua BHYT cho học sinh. Trách nhiệm này nên giao cho chính quyền địa phương, cơ quan bảo hiểm.

Cùng đó, đại biểu cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên tối thiểu 50% mức đóng để giảm bớt khó khăn.

Loạt chính sách BHYT ảnh hưởng hàng triệu người được đề nghị sửa thế nào?- Ảnh 3.

Mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh được đề xuất tăng lên 50% thay vì 30% như hiện hành

Lý do là vừa qua khi mức lương cơ sở tăng thêm 30%, thì giá trị thẻ BHYT cũng tăng thêm 30%, đồng nghĩa với việc người tham gia BHYT phải chi từ tiền túi của họ tăng thêm 30% so với trước đây, tương đương với 884.000 đồng/thẻ/năm thay vì trước đây chỉ mất 680.000 đồng/thẻ/năm.

Để giảm chi phí điều trị do bệnh tật đang chiếm tỉ lệ lớn, một số đại biểu đề xuất quỹ BHYT chi trả chi phí sàng lọc các bệnh như ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường. 

Với mục tiêu đến năm 2030, 95% người dân được tham gia BHYT, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết việc sửa đổi Luật BHYT nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người tham gia, thụ hưởng chính sách.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/loat-chinh-sach-bhyt-anh-huong-hang-trieu-nguoi-duoc-de-nghi-sua-the-nao-a193653.html