Bộ Công Thương đánh giá việc mua sắm trên các nền tảng chưa đăng ký và chưa được cơ quan Nhà nước quản lý có thể dẫn đến những rủi ro. Ảnh: Xuân Sang. |
Bộ Công Thương đánh giá hiện nay nhiều người tiêu dùng Việt Nam bị thu hút bởi các sản phẩm trên nền tảng TMĐT xuyên biên giới nhờ mức giá rẻ và sự đa dạng về mẫu mã. Tuy nhiên, việc mua sắm trên các nền tảng chưa đăng ký và chưa được cơ quan Nhà nước quản lý có thể dẫn đến 3 rủi ro lớn.
Ba rủi ro lớn
Theo Bộ Công Thương, nguy cơ tiềm ẩn đầu tiên là về chất lượng sản phẩm và về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nếu chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi. Do vậy, trường hợp phát sinh vấn đề, người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt với khó khăn.
Ví dụ, khi phát hiện sản phẩm nhận được không đúng mô tả, phát sinh lỗi, hỏng hóc hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe, việc người tiêu dùng yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm sẽ trở nên khó khăn.
Thậm chí, khi xảy ra tranh chấp, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký sẽ không thuộc diện phải chịu trách nhiệm pháp lý trong nước. Do không có đại diện hợp pháp tại Việt Nam theo quy định, người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ phản ánh, dẫn đến việc giải quyết khiếu nại trở thành vấn đề phức tạp và kéo dài.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đứng trước rủi ro cao khi mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ khi đặt trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký. Những mặt hàng này có thể không đạt tiêu chuẩn an toàn, gây hại cho người tiêu dùng hoặc là những hàng hoá bị cấm tại Việt Nam.
Đặc biệt, với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe thì việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
"Trong trường hợp này, do cơ quan chức năng không thể thực hiện công tác giám sát các trách nhiệm của doanh nghiệp về đảm bảo chất lượng sản phẩm, tính chính xác của việc cung cấp thông tin sản phẩm nên người tiêu dùng sẽ không nhận được hỗ trợ theo quy định pháp luật từ phía các cơ quan chức năng", Bộ Công Thương thông tin.
Người tiêu dùng đứng trước rủi ro rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân trong quá trình phát sinh các giao dịch trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa được đăng ký. Ảnh: Xuân Sang. |
Nguy cơ mất dữ liệu cá nhân cũng tiềm ẩn xảy ra bởi khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký, người tiêu dùng thường phải cung cấp các thông tin thanh toán phạm vi quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử. Nếu không được quản lý và bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam thì sẽ có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép.
Đặc biệt, nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký không có các cam kết về bảo mật thông tin người tiêu dùng theo quy định của Việt Nam, không có quy trình xử lý sự cố trong trường hợp xảy ra vấn đề và đương nhiên cũng không có trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý theo quy định tại Việt Nam.
Do đó, nguy cơ rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân người tiêu dùng trong quá trình phát sinh các giao dịch trên các nền tảng chưa đăng ký trên là rất lớn, tiềm ẩn khả năng gây ra những tổn thất lớn và ảnh hưởng lâu dài đến người tiêu dùng.
Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng về rủi ro pháp lý. Hàng hóa mua từ các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký sẽ không lường trước được các nghĩa vụ thuế với mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế và các vấn đề pháp lý khi sản phẩm nhập vào Việt Nam.
Điều này có thể khiến người tiêu dùng gặp rắc rối khi sản phẩm bị giữ lại tại cửa khẩu hoặc phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thuế không được dự tính hoặc không như thông báo ban đầu.
Vì thế, Bộ Công Thương khuyến nghị người tiêu dùng thận trọng khi tiến hành các giao dịch trên nền tảng TMĐT, đặc biệt tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
"Người tiêu dùng có thể tra cứu danh sách các nền tảng TMĐT đã đăng ký trên cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT hoặc liên hệ tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Bộ Công Thương", Bộ khuyến nghị thêm.
Lý do chưa cấm ngay sàn TMĐT xuyên biên giới hoạt động "chui"
Trước đó, Bộ Công Thương cho biết việc cấm các sàn TMĐT xuyên biên giới cần phải xem xét một cách tổng thể, thận trọng. Trước hết, cần có đánh giá tổng thể về tác động của các nền tảng này đối với thị trường Việt Nam, bao gồm cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và pháp lý.
Điều này bao gồm việc phối hợp quản lý nhiều cơ quan chức năng như công an, thuế, hải quan và các cơ quan quản lý khác để hiểu rõ về tình hình giao dịch và mức độ vi phạm cũng như tuân thủ pháp luật của các nền tảng này.
Trước mắt, Bộ sẽ thực hiện các biện pháp khuyến cáo người tiêu dùng về những rủi ro khi mua sắm từ các sàn này. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao nhận thức về các rủi ro tiềm tàng liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng và các vấn đề pháp lý khác.
Cũng theo quy định của pháp luật, không phải tất cả các sàn TMĐT xuyên biên giới đều thuộc phạm vi điều chỉnh ngay từ đầu. Cần có thời gian để làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng để họ hiểu rõ hơn về các trách nhiệm pháp lý tại Việt Nam, đồng thời làm rõ các kế hoạch tuân thủ quy định trong tương lai.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/canh-bao-3-rui-ro-khi-mua-hang-o-san-tmdt-xuyen-bien-gioi-chua-dang-ky-a194042.html