Trong 10 tháng đầu năm 2024, kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan, với nhiều chỉ số tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đó, vẫn còn những thách thức trong lĩnh vực đầu tư công. Trước tình hình này, TP. Hồ Chí Minh đang quyết tâm thúc đẩy giải ngân đầu tư công để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm nay.
Nhiều tín hiệu lạc quan
Tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh tháng 10 và 10 tháng năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2024, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh rằng, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng từ 7% đến 7,5% cho năm 2024.
Cụ thể, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, ông Phạm Trung Kiên, trong báo cáo kết quả kinh tế-xã hội, cho biết rằng UBND TP đã tập trung chỉ đạo hiệu quả trong suốt 10 tháng đầu năm 2024, tạo ra những chuyển biến tích cực, thúc đẩy tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Các ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ. Ảnh: M.H
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của thành phố tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng vững chắc, với IIP tháng 10 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 10 tháng đạt mức tăng 6,9%. Đặc biệt, các ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ.
Về tiêu dùng, thành phố đã thành công trong việc kích cầu qua các kênh mua sắm đa dạng, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường hiệu quả, đảm bảo cung-cầu hàng hóa ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 109.467 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ, đưa tổng doanh thu 10 tháng lên 979.052 tỷ đồng, tăng 10,1%.
Ngành Du lịch cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, với tổng doanh thu tháng 10 đạt 16.251 tỷ đồng (tăng 11,4%) và lũy kế 10 tháng đạt 156.649 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm ngoái. Theo ông Phạm Trung Kiên: "TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trên các kênh mua sắm, đồng thời triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa."
Tình hình xuất nhập khẩu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu của TP trong 10 tháng đạt 38,55 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 5,602 tỷ USD trong tháng 10, tăng 4,2% so với tháng trước, nâng tổng nhập khẩu 10 tháng lên 49,56 tỷ USD, tăng 8,9%.
Tại phiên họp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), chia sẻ rằng phần lớn các doanh nghiệp tại thành phố đã nhận đủ đơn hàng để hoạt động đến hết năm 2024 và cả quý 1 năm 2025. Hiện các doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm và duy trì kế hoạch sản xuất cho năm tiếp theo.
Bên cạnh áp lực giá cả, ông Hòa cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp phải nỗ lực vừa sản xuất, vừa duy trì đơn hàng, đồng thời đầu tư để khắc phục các điểm nghẽn dự kiến trong năm 2025, đặc biệt là những rào cản liên quan đến tiêu chuẩn xanh và chuyển đổi số.
Ngoài ra, các mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị cao như sầu riêng, cà phê, tiêu và gạo cũng cần minh bạch trong quy trình sản xuất, chăm sóc và phân bón. Ngành dệt may và da giày cũng gặp áp lực tương tự khi phải truy xuất nguồn gốc vải, trong khi phần lớn nguyên liệu đầu vào vẫn phải nhập khẩu.
Trong lĩnh vực ngân hàng, tổng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 10/2024 ước đạt 3.840.000 tỷ đồng, tăng 0,65% so với cuối tháng 9 và 8,46% so với cuối năm 2023, tương ứng mức tăng 13,66% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi bằng VNĐ tiếp tục chiếm ưu thế, đóng góp 90% vào tổng vốn huy động.
Đáng chú ý, doanh nghiệp xuất khẩu đã được tiếp cận vốn vay ưu đãi với mức lãi suất thấp. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp xuất khẩu là một trong năm nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên thuộc chương trình tín dụng cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất ưu đãi.
Trong lĩnh vực ngân hàng, tổng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 10/2024 ước đạt 3.840.000 tỷ đồng. Ảnh M.H
Hiện, lãi suất cho vay lĩnh vực này chỉ ở mức 4%/năm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng và tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng.
Liên quan đến vấn đề tỷ giá, theo ông Lệnh, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có ổn định tỷ giá nhằm thực hiện mục tiêu chung của nền kinh tế. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy tỷ giá của Việt Nam luôn ổn định để giữ môi trường đầu tư, qua đó đảm bảo cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu luôn ổn định và phát triển, nên các doanh nghiệp cứ yên tâm. Chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu để phục vụ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm.
Theo đó, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này có nhiều lựa chọn cho nhu cầu vốn và ngoại tệ để thanh toán nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và thanh toán.
Về các chỉ số khác như lao động, TP Hồ Chí Minh đã tạo việc làm cho 26.865 lượt người trong tháng 10, nâng tổng số lên 275.984 lượt người trong 10 tháng đầu năm, đạt 92% kế hoạch. Ngành Y tế đã nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là dịch sởi, nhằm đạt mục tiêu sớm công bố hết dịch và ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch trong những tháng cuối năm.
Giải quyết điểm nghẽn đầu tư công
Dù bức tranh kinh tế 10 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng, nhưng lĩnh vực đầu tư công của TP Hồ Chí Minh vẫn gặp khó khăn trong việc giải ngân. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hiện chỉ đạt khoảng 22% kế hoạch, điều này đã trở thành một vấn đề cấp bách cần được khắc phục.
Theo báo cáo từ Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 25 tháng 10 năm 2024, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã giải ngân là 17.272,9 tỷ đồng, đạt 21,8% kế hoạch vốn năm 2024. Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành cần tập trung rà soát và đánh giá các chủ đầu tư, phân tích nguyên nhân khiến một số dự án chưa giải ngân được như cam kết.
Dù bức tranh kinh tế 10 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng, nhưng lĩnh vực đầu tư công của TP Hồ Chí Minh vẫn gặp khó khăn trong việc giải ngân. Ảnh M.H
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đã được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Thủ trưởng các đơn vị cần nghiêm túc quán triệt và triển khai quyết liệt đợt cao điểm giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, từ ngày 15/10 đến hết niên độ kế hoạch, đến tất cả cấp ủy và chính quyền trên toàn thành phố.
Theo đó, các sở, ngành như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Tài chính cùng UBND các địa phương cần huy động nguồn lực để giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường và bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến các dự án đầu tư công. Đồng thời, các đơn vị phải theo dõi, xử lý các vướng mắc phát sinh từ các kiến nghị của chủ đầu tư và cập nhật chúng lên Hệ thống phần mềm quản lý theo dõi tiến độ, do Sở Kế hoạch và Đầu tư vận hành. Nguyên tắc yêu cầu rằng khi phát sinh nội dung thuộc thẩm quyền, việc giải quyết phải được hoàn thành trong ngày làm việc tiếp theo.
Thành phố cũng đang tích cực hoàn thiện các bước cần thiết để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời chuẩn bị kế hoạch triển khai quy hoạch này. Thành phố sẽ khẩn trương phối hợp với Bộ Xây dựng để hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2060 và Đồ án Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040. Đồng thời, các hồ sơ báo cáo liên quan đến Dự án xây dựng đường Vành đai 4, Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị và Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội. Thành phố cũng tập trung triển khai các chương trình và đề án đã được phê duyệt, như phát triển công nghiệp vi mạch, công nghiệp dược và các lĩnh vực quan trọng khác.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thành phố cần nhanh chóng thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư công. Rà soát các quy trình và loại bỏ những bước không cần thiết sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân.
Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án đầu tư công thông qua các chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính. Khuyến khích mô hình đối tác công tư (PPP) sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân. Song song đó là việc thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, ban ngành và doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. Sự phối hợp chặt chẽ sẽ giúp nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các dự án, đồng thời nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.