Bộ trưởng KH&ĐT nêu 1 tỉnh của Trung Quốc 3 năm làm được 2.000km đường cao tốc

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, 1 tỉnh của Trung Quốc 3 năm đã làm được 2.000km đường cao tốc. "Tại sao Trung Quốc làm nhanh, nhiều, rẻ như vậy?”

Phát biểu giải trình về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại Hội trường Quốc hội sáng nay 6/11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã thay đổi tư duy làm luật. Trước đây chúng ta chỉ tập trung vào quản lý, giờ phải vừa quản lý vừa kiến tạo cho phát triển.

Khơi thông điểm nghẽn, đổi mới tư duy

Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước hết cần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật.

“Trước đây, chúng ta chỉ tập trung vào quản lý, giờ phải vừa quản lý vừa kiến tạo cho phát triển. Đây là tư duy thay đổi rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, đồng thời khẳng định quy định pháp luật phải tạo động lực, không gian mới và khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển đất nước.

Bộ trưởng KH&ĐT nêu 1 tỉnh của Trung Quốc 3 năm làm được 2.000km đường cao tốc- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tư tưởng chung là phải chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm. Ông Dũng nêu ví dụ tại sao đầu tư vốn công của các nước làm nhanh là vì họ ban hành sẵn các quy chuẩn, quy định. Có sẵn quy định, quy chuẩn rồi, các doanh nghiệp, tổ chức cứ thế làm, không phải xin phép.

“Trong quá trình làm, ai vi phạm sẽ bị kỷ luật. Chứ không có phải chuyện lập dự án, dự toán, rồi hình thành các vấn đề xin cho, bất hợp lý”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ông nêu ví dụ thực tế: “Khi tôi sang Trung Quốc, chứng kiến 1 tỉnh của họ, ba năm đã làm được 2.000km đường cao tốc. Lúc đó đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc họ làm nhanh, nhiều, rẻ như vậy?”

Họ trả lời: Có 3 vấn đề là chi phí lãi vay, thứ 2 là phân cấp và cuối cùng là họ lập các công ty nhà nước để thực hiện dự án đầu tư công.

“Khi các doanh nghiệp Nhà nước được lập ra, đầu tư xây dựng đường sá, cầu cống theo quy chuẩn xong, chuyển nhượng lại cho tư nhân tham gia khai thác”, ông Dũng nêu.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, phải phân cấp mạnh hơn, như vậy Trung ương, Chính phủ tập trung vào vai trò kiến tạo, môi trường, làm rõ giảm đùn đẩy, né tránh.

Về vấn đề phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương từ UBTVQH cho Thủ tướng Chính phủ, tư lệnh ngành KH&ĐT khẳng định: Việc phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch trung hạn không vi phạm quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), do Hiến pháp và Luật NSNN chỉ quy định thẩm quyền của Quốc hội và UBTVQH về phân bổ và điều chỉnh dự toán NSNN hằng năm, không quy định về kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Việc phân cấp này sẽ giúp quy trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành giảm được 5 bước, từ 11 bước xuống 6 bước (trong đó giảm 3 bước trong nội bộ Chính phủ, giảm 2 bước tại UBTVQH) và giảm thời gian từ 3-4 tháng. Qua đó, giảm được nhiều thủ tục hành chính và tiết kiệm được thời gian.

Về ý kiến không đồng tình phân cấp HĐND sang UBND quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhóm B và C, Tư lệnh ngành KH&ĐT cho hay, cơ chế phân cấp cho địa phương đã được Luật Đầu tư công năm 2019 cho phép. Theo quy định tại Điều 17 của Luật Đầu tư công năm 2019, trong trường hợp cần thiết, HĐND quyết định việc giao cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án. Trong giai đoạn 2021-2025, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C cho UBND cùng cấp.

Về bản chất, quy định này chỉ thay đổi về cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án từ HĐND cho UBND các cấp. Đối với việc phê duyệt đầu tư và tổ chức thực hiện dự án vẫn giữ nguyên so với quy định hiện hành, theo đó, Chủ tịch UBND các cấp vẫn quyết định đầu tư dự án và UBND các cấp vẫn là cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án. HĐND các cấp thực hiện giám sát quy trình tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, về mặt năng lực tổ chức thực hiện dự án thì vẫn do các cơ quan này bảo đảm như hiện tại.

Mở để phát triển nhưng vẫn cần quản lý chặt chẽ, tránh tràn lan, lãng phí

Về nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia, ông Dũng cho biết, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia đưa ra từ 1997 là 10.000 tỷ đồng. Hiện quy mô nền kinh tế đã tăng 10 lần so với 2000 và 2,5 lần so với 2013. Mức trượt giá bình quân từ 2020 đến nay là 3% một năm. Dự kiến vòng đời của luật khoảng 5-10 năm.

Bộ trưởng KH&ĐT nêu 1 tỉnh của Trung Quốc 3 năm làm được 2.000km đường cao tốc- Ảnh 2.

Ý kiến đưa ra nên để quy mô vốn dự án quan trọng quốc gia là 20.000 tỷ đồng, ông Dũng lo ngại vài năm nữa sẽ không còn phù hợp. Ông đề nghị giữ quy mô vốn dự án quan trọng là 30.000 tỷ đồng.

Dẫn chứng thực tế giai đoạn 2021-2025, Quốc hội quyết nghị 10 dự án quan trọng quốc gia, trong đó 5 dự án trên 30.000 tỷ đồng. Dự kiến 2026-2030 tới đây, sẽ có 40 dự án trên 10.000 tỷ đồng, trong đó 30 dự án hơn 30.000 tỷ đồng. Việc xem xét, quyết nghị số lượng lớn dự án trong một nhiệm kỳ Quốc hội là nhiều. Nếu giảm quy mô xuống 20.000 tỷ đồng thì Quốc hội mất nhiều công trong xem xét, phê duyệt dự án quan trọng quốc gia.

“Đây cũng là đẩy mạnh tăng phân cấp, phân quyền để Quốc hội tập trung làm các quyết sách lớn của đất nước”, ông nói.

Về tách dự án giải phóng mặt bằng, theo Bộ trưởng Dũng, theo quy định hiện nay dự án qua 3 bước là chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án. GPMB nằm ở khâu chuẩn bị dự án, làm trước và song song với thủ tục đầu tư. Khi xong thủ tục đầu tư thì thực hiện được ngay, thay vì xong quyết định đầu tư mới quay sang giải phóng mặt bằng.

Ông Dũng nói, việc tách dự án GPMB ra thành dự án riêng là “cuộc cách mạng”. Tuy vậy, ông cho hay “mở để phát triển nhưng vẫn cần quản lý chặt chẽ, tránh tràn lan, lãng phí”. Vì thế, dự thảo luật đưa ra quy định khi tách dự án GPMB phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và phân bổ, huy động vốn.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/bo-truong-khdt-neu-1-tinh-cua-trung-quoc-3-nam-lam-duoc-2000km-duong-cao-toc-a194576.html