Các dự án tập đoàn hàng đầu Trung Quốc quan tâm đặc biệt và muốn tham gia triển khai tại Việt Nam

Doanh nghiệp này là một trong những tập đoàn xây dựng tổng hợp mạnh và lớn nhất trên thế giới.

Các dự án tập đoàn hàng đầu Trung Quốc quan tâm đặc biệt và muốn tham gia triển khai tại Việt Nam- Ảnh 1.

Hình minh họa

Loạt dự án tập đoàn Trung Quốc đang quan tâm tại Việt Nam

Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) là doanh nghiệp nhà nước trung ương thuộc Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước của Quốc vụ viện; một trong những tập đoàn xây dựng tổng hợp mạnh và lớn nhất trên thế giới.

Tập đoàn này xếp hạng thứ 39 trong Fortune Global 500, thứ 3 trong số 250 nhà thầu toàn cầu hàng đầu theo Tạp chí ENR của Mỹ, và thứ 12 trong số "500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc" vào năm 2021. Tập đoàn đã xây dựng 20.000 km đường sắt, cùng 8.000 km đường bộ cao tốc tại Trung Quốc.

Tổng công ty Xây dựng công trình (CCECC) là công ty trực thuộc Tập đoàn CRCC, chủ yếu triển khai xây dựng các dự án đường sắt tại nước ngoài. Đến nay, với hơn 9.000 km đường sắt đã hoàn thành, CCECC chiếm 80% tổng khối lượng công trình đường sắt của Trung Quốc tại nước ngoài.

Trong chương trình công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị CRCC. Lãnh đạo tập đoàn bày tỏ quan tâm, mong muốn tham gia các dự án đường sắt, đường tàu đô thị, đường bộ cao tốc, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, cũng như các ngành nghề lĩnh vực chiến lược mới nổi, trên tinh thần cùng thắng, cùng nhau lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đặc biệt, t ập đoàn hết sức quan tâm và đang nghiên cứu kỹ, mong muốn tham gia triển khai tuyến đường sắt Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời đang nghiên cứu việc tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Việt Nam.

Các dự án tập đoàn hàng đầu Trung Quốc quan tâm đặc biệt và muốn tham gia triển khai tại Việt Nam- Ảnh 2.

Lãnh đạo tập đoàn CRCC bày tỏ quan tâm, mong muốn tham gia các dự án đường sắt, đường tàu đô thị, đường bộ cao tốc, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Tổng Công ty Đường sắt để đề xuất cụ thể, trước mắt là tiếp tục nghiên cứu tham gia dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nối với Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Cùng với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị CRCC nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng quy mô lớn khác của Việt Nam như tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn; tuyến đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; các dự án đường bộ cao tốc kết nối các tỉnh biên giới Việt Nam với Trung Quốc.

Thủ tướng cũng đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ hiện đại, năng lực quản trị và đào tạo nhân lực để góp phần nâng cao năng lực, phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Tuyến đường sắt quan trọng của Việt Nam

Theo đánh giá của Thủ tướng, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là tuyến đường sắt rất quan trọng, góp phần kết nối khuôn khổ "Vành đai, Con đường" và "Hai hành lang, một vành đai kinh tế", góp phần làm cho Vân Nam có đường ra biển nhanh hơn, các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Theo hồ sơ Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tuyến đi qua 10 tỉnh/thành phố : Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Chiều dài toàn tuyến là 447,66km; điểm đầu là điểm kết nối với đường sắt Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai, điểm cuối là ga Cái Lân thuộc TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Các dự án tập đoàn hàng đầu Trung Quốc quan tâm đặc biệt và muốn tham gia triển khai tại Việt Nam- Ảnh 3.

Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được đề xuất.

Trên tuyến được quy hoạch có 41 ga, gồm ga hỗn hợp, ga hàng hóa và ga kỹ thuật. Tuyến cũng được quy hoạch có khoảng 145 cầu với chiều dài 106,628km đi qua các con sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Bạch Đằng và các cầu vượt đường bộ cao tốc như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Quảng Ninh các đường quốc lộ và một số đường tỉnh. Về hầm, quy hoạch khoảng 42 hầm với chiều dài 23,28km trên địa bàn hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái.

Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị, đến năm 2030 triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đối với đoạn tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ được nghiên cứu triển khai sau năm 2030.

Chi phí giải phóng mặt bằng 24.065 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 110.138 tỷ đồng; chi phí khác 16.104 tỷ đồng; chi phí dự phòng 33.551 tỷ đồng. Tổng chi phí trong thời kỳ quy hoạch đến 2050 khoảng 183.856 tỷ đồng.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/cac-du-an-tap-doan-hang-dau-trung-quoc-quan-tam-dac-biet-va-muon-tham-gia-trien-khai-tai-viet-nam-a194750.html