Cơ hội - lãng phí và kiếp giàu nghèo

Chống lãng phí, nhất là lãng phí cơ hội, đang là vấn đề sống còn với từng địa phương, đất nước.

Cơ hội - lãng phí và kiếp giàu nghèo - Ảnh 1.

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng sau 14 năm khởi công đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng - Ảnh: DOÃN HÒA

Những người bạn sau bao năm rời mái trường, gặp lại nhau, mỗi người mỗi cảnh, mỗi phận khác nhau. Ngồi tâm sự, có người nói biết vậy hồi đó tôi cũng cố gắng học như bạn, không mải vui chơi giờ đâu vất vả như vậy. Thôi cũng là… số phận.

Có người chân tình tâm sự hồi đó bạn cố gắng, tận dụng tối đa cơ hội mà mình có, thậm chí hy sinh cả đam mê rong chơi của tuổi trẻ để lo cho sự nghiệp, giờ nghĩ lại không ân hận.

Phó Ban Nội chính Trung ương: 57 dự án vào tầm ngắm chống lãng phíBốn giải pháp chống lãng phí: Thế nào là văn hóa tiết kiệm?

Vâng, cơ hội sẽ đến với mọi người, và nếu biết tận dụng, cuộc đời sẽ mỉm cười với người biết nắm bắt và trân trọng cơ hội, không một phút lơ là hay lãng phí.

Khi cá nhân đã cố gắng và thành công sẽ có cơ hội mới mở ra; đó là sự thành đạt, thăng tiến, cống hiến ngày càng cao hơn.

Ở tầm quốc gia cũng thế. Cơ hội mở ra nhưng nếu lãng phí, đất nước sẽ mãi nghèo hoặc như những nước đang phát triển như Việt Nam luôn được cảnh báo sẽ rơi vào "bẫy" thu nhập trung bình, không giàu lên được.

Vì vậy, tận dụng cơ hội cho phát triển chính là tương lai của cả dân tộc, là "cơm ngon - áo đẹp" cho mọi người trong nhiều thập niên tới.

Chống lãng phí, nhất là lãng phí cơ hội, đang là vấn đề sống còn với từng địa phương, đất nước.

Thiệt hại do lãng phí cần phải tính đúng tính đủ, bao gồm cả thiệt hại về vật chất và thiệt hại về cơ hội, như dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An).

Mới đây cơ quan công an khởi tố vụ án do để chậm tiến độ, gây lãng phí lớn ngân sách nhà nước, sau 14 năm khởi công làm đội vốn hơn 1.800 tỉ đồng.

Mục tiêu của dự án này là công trình thủy nông lớn nhất Nghệ An với sức chứa 225 triệu m3 nước phục vụ tưới tiêu cho gần 20.000ha đất nông nghiệp ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa và ba xã của huyện Anh Sơn; cấp nước về sông Cả vào mùa hạn với lưu lượng 23m3/s; cắt giảm lũ vào mùa mưa.

Chậm tiến độ đâu chỉ mất thêm 1.800 tỉ đồng mà là bao nhiêu ước mơ đổi đời của làng quê, của hàng ngàn hộ dân cũng bị chôn vùi theo dự án xây mãi không xong.

Chậm tiến độ, những điều tốt đẹp đã không có cơ hội nảy mầm trên gần 20.000ha đất nông nghiệp. Hàng ngàn hộ dân vẫn chật vật thoát nghèo.

Vì vậy, đội vốn chỉ là lãng phí phần ngọn; tảng băng lãng phí lớn nhất chính là mất đi cơ hội, sinh kế của người dân.

Nếu công trình hoàn thành như kế hoạch, hàng vạn con người có cơ hội thi thố, làm giàu trên gần 20.000ha đất có công trình thủy lợi, và chắc rằng khi có điều kiện, nhiều gia đình sẽ lo cho con cái ăn học tốt hơn, từ đó sẽ có thêm nhiều hơn những nhân tài cho đất nước.

Cơ hội chỉ đến một lần. Sự trì trệ, ì ạch sẽ triệt tiêu mầm non của cơ hội mới. Cơ hội không chờ chúng ta.

Các nước cũng thấy được phải làm gì đó để tận dụng cơ hội đưa quốc gia mình trở nên giàu có, vào hàng các nước phát triển. Chúng ta chậm chân, bỏ lỡ cơ hội cũng chính là lãng phí các cơ hội phát triển tiếp theo của đất nước.

Vì thế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định phòng, chống lãng phí tương đương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phải có địa chỉ chịu trách nhiệm liên quan các vụ việc lãng phí lớn.

Tư tưởng này chắc chắn phải trở thành nỗi trăn trở cũng là thúc ép các cá nhân, trong đó đặc biệt là các cá nhân đang được giao quyền và nhiệm vụ phải hành động, biến cơ hội thành thành quả.

Không thể cứ mãi "cha chung không ai khóc", làm việc như lục bình trôi sông, lãng phí cơ hội để mọi người phải chịu kiếp nghèo.

Cơ hội - lãng phí và kiếp giàu nghèo - Ảnh 1.Chống lãng phí là diệt mối họa lớn cho đất nước

Dự án "trùm mền", công trình "đắp chiếu", nhà đất công bỏ hoang..., hàng loạt thực trạng lãng phí các nguồn lực được các đại biểu Quốc hội nêu ra và hiến kế giải pháp để khơi thông, nhanh chóng đưa nguồn lực vào sử dụng.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/co-hoi-lang-phi-va-kiep-giau-ngheo-a194752.html