Mảnh đất bao bọc bởi 3 dòng sông lớn, như 1 hòn đảo nổi sắp có nhà máy được đầu tư hơn 50.000 tỷ

Dự kiến dự án được khởi công trong quý 3/2025 và vận hành thương mại trước năm 2030.

Mảnh đất bao bọc bởi 3 dòng sông lớn, như 1 hòn đảo nổi sắp có nhà máy được đầu tư hơn 50.000 tỷ- Ảnh 1.

Nhà máy được đầu tư hơn 50.000 tỷ

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã tiếp và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Tokyo Gas (Nhật Bản) và Tập đoàn Trường Thành Việt Nam - Liên danh nhà đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thái Bình về công tác triển khai đầu tư dự án.

Tokyo Gas thành lập năm 1885, là một trong những công ty khí lớn nhất Nhật Bản và có vị thế quan trọng trong ngành khí toàn cầu. Tokyo Gas đang cung cấp khí cho hơn 11 triệu khách hàng tại Nhật Bản và là nhà cung cấp khí hóa lỏng chính cho nhiều thành phố lớn như: Tokyo, Kanagawa, Chiba... Tokyo Gas có nguồn LNG ổn định từ các dự án tham gia góp vốn tại Mozampich, Canada và Vịnh Mexico (Hoa Kỳ).

Tính đến thời điểm hiện tại, Tokyo Gas đã tham gia vào hơn 35 dự án kho, cảng tiếp nhận LNG ở nước ngoài, 20 dự án kho, cảng tiếp nhận LNG tại Nhật Bản và chuyển giao kinh nghiệm chuyên môn, kiến thức về LNG cho các quốc gia trên thế giới.

Mảnh đất bao bọc bởi 3 dòng sông lớn, như 1 hòn đảo nổi sắp có nhà máy được đầu tư hơn 50.000 tỷ- Ảnh 2.

Quy hoạch 1/2000 của dự án LNG Thái Bình.

Ông Kasutani, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tokyo Gas cho biết, đến nay Liên danh đang cùng với đơn vị tư vấn hoàn thiện các thủ tục, xây dựng chi tiết kế hoạch đầu tư, đồng thời chuẩn bị huy động mọi nguồn lực để sẵn sàng bắt tay thực hiện xây dựng nhà máy.

Dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình do Tập đoàn Tokyo gas, Công ty Điện lực Kyuden của Nhật Bản và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam là nhà đầu tư. Địa điểm đặt tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy. Tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD (hơn 50.000 tỷ đồng).

Nhà máy có tổng công suất thiết kế khoảng 1.500MW (gồm 2 tổ máy sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp có hiệu suất cao nhất hiện nay). Nhiên liệu sử dụng chính là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Nhà máy sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, không phát ra khí SO2 và hiệu ứng nhà kính.

Dự kiến dự án được khởi công trong quý 3/2025 và vận hành thương mại trước năm 2030. Ước tính tổng giá trị thuế nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn xây dựng khoảng 3.600 tỷ đồng và khi đi vào vận hành thương mại, trung bình nộp thuế trên 4.000 tỷ đồng/năm.

Đây là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình cũng như các địa phương phía Bắc. Vì vậy, tỉnh đã đưa dự án vào danh sách các dự án, công trình trọng điểm của Thái Bình.

Mảnh đất bao bọc bởi 3 dòng sông lớn, như 1 hòn đảo nổi sắp có nhà máy được đầu tư hơn 50.000 tỷ- Ảnh 3.

Thái Bình đẩy mạnh thu hút FDI

Thái Bình là một miền quê sông nước, được bao bọc bởi ba dòng sông lớn là sông Hồng, sông Luộc và sông Hóa. Cùng với ba con sông lớn bao quanh, được thông nguồn với gần 70km con sông lớn nhỏ, mảnh đất Thái Bình như một hòn đảo nổi và lại một chiếc võng được đan bằng các dòng sông.

Đây là một trong những địa phương nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023, tỉnh này có 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký gần 3 tỷ USD, lọt top 5 về thu hút đầu tư FDI.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, 10 tháng năm 2024, tỉnh thu hút 27.784,2 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó vốn FDI đạt 426,2 triệu USD. Thái Bình cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 986 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 10.407,5 tỷ đồng và 464 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Một số dự án nổi bật phải kể đến Khu công nghiệp Hưng Phú của Geleximco Hưng Phú tại Tiền Hải với tổng mức đầu tư khoảng 1.940 tỷ đồng, khu công nghiệp này đã ký kết hợp đồng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư cho 3 giai đoạn khoảng 800 triệu USD (khoảng 19.700 tỷ đồng); khởi công khu công nghiệp VSIP Thái Bình gần 345ha nằm tại huyện Thái Thụy với tổng vốn đầu tư hơn 4,900 tỷ đồng.

Mảnh đất bao bọc bởi 3 dòng sông lớn, như 1 hòn đảo nổi sắp có nhà máy được đầu tư hơn 50.000 tỷ- Ảnh 4.

Phối cảnh dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình.

Để thu hút đầu FDI ,Thái Bình tích cực, chủ động lựa chọn và tiếp nhận nguồn vốn đầu tư; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức xúc tiến đầu tư; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hạ tầng logistics để tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đồng thời, tỉnh Thái Bình tổ chức thành công các đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài và làm việc với các đoàn công tác, các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thái Bình.

Thái Bình tập trung thu hút đầu tư vào Các ngành, lĩnh vực, địa bàn có ưu thế, thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/manh-dat-bao-boc-boi-3-dong-song-lon-nhu-1-hon-dao-noi-sap-co-nha-may-duoc-dau-tu-hon-50000-ty-a195176.html