Chiều cuối ngày, sân nhà bà Đặng Thị Chi (74 tuổi) rộn tiếng nô đùa của các em nhỏ. Khi phố xá lên đèn,
Các cô giáo dạy viết chữ, làm toán và đạo đức cho trẻ không được đến trường - Ảnh: YẾN TRINH
Những tấm lòng cao cả
Lớp học ra đời năm 2018 từ ý tưởng của bà giáo Chi, người luôn trăn trở về số phận những đứa trẻ không có điều kiện đến trường.
Là hiệu trưởng về hưu, một buổi chiều đi chợ bà tình cờ gặp cậu bé trai gầy gò đội thúng bánh đi bán. Hỏi thăm biết bé chưa được đi học, trong lòng bà dấy lên niềm thương xót. Đêm về, bà trằn trọc suy nghĩ. Phải có một lớp học để giúp các thiên thần bé thơ không may mắn được biết con chữ, tính toán con số, mai này tìm được công việc tử tế.
Bà kể: "Ban đầu lớp chỉ có vài em. Dần dần số lượng tăng lên khi tôi cùng các giáo viên tình nguyện đến các con hẻm, vào khu nhà trọ thuyết phục các gia đình cho con em đến học". Không chỉ được học chữ, các em còn được bà tặng tập vở, sữa, bánh, gạo...
Tính bà Chi chu toàn, sợ các em mặc cảm tự ti khi tới lớp, bà nhờ người đặt mua đồng phục cho các em. Các em không phải mặc áo quần lấm lem nữa mà năng động khỏe khoắn trong bộ đồng phục áo thun trắng, quần xanh tới lớp.
Trước giờ học lớp tình thương, trẻ nghèo khó còn được các cô cho ăn cơm ngon - Ảnh: NGỌC SANG
Hành trình về phía tương lai
Nhiều em trong lớp học của bà Chi sinh ra trong những gia đình khó khăn, cha mẹ bươn chải từ sáng đến tối mịt, không có nhiều điều kiện chăm lo cho con. Một số em có cha mẹ làm công nhân, nhặt ve chai, làm thuê hay bán hàng rong. Việc đưa con đến lớp trở thành niềm hy vọng nhỏ bé, họ mong rằng con có thể thoát vòng luẩn quẩn của nghèo khó qua con đường học vấn.
Sau khi dắt ba cháu nội Phúc, Hậu, Nghĩa vào lớp, bà Lê Thị Mỹ (54 tuổi) xúc động kể về cảnh nhà: "Con trai tôi làm phụ hồ, vợ làm thời vụ, đẻ tới bốn đứa con. Cảnh nhà quá ngặt thành ra không có tiền cho các cháu đi học".
Bà và chồng làm tạp vụ, lương tháng không bao nhiêu nên không giúp được nhiều cho cháu. May nhờ có lớp học tình thương nên bà thấy yên tâm hơn. "Tôi thực sự biết ơn cô Chi và các cô giáo ở đây. Từ lúc các cháu được tới lớp học, tụi nó ngoan lắm, biết viết, biết đọc, còn biết để dành sữa đem về cho em út ở nhà", bà tâm sự.
Sau buổi làm cỏ về, ông Nguyễn Văn Thắng (58 tuổi, quê An Giang) cho biết cả nhà sống ở khu này đã chín năm. Bị hỏng mắt trái, ông làm đủ nghề từ nấu sữa đậu nành bán, làm cỏ thuê... Tiền trọ mỗi tháng cộng điện nước là 2,1 triệu đồng. Ông gửi gắm con trai út Bảo Dư, bị chậm phát triển, vào lớp học chỉ mong con biết con chữ.
Trước đó, con trai lớn của ông cũng học ở đây, sau đó đi làm phụ giúp gia đình. Được bà giáo Chi khuyến khích cho út Dư đi học, lâu lâu lại được cho gạo, cho bánh trái, ông cũng thấy ấm lòng khi mưu sinh nơi xứ lạ quê người.
Lớp học càng về cuối càng ấm áp, rộ lên những tiếng hát, tiếng cười thật trong trẻo, hồn nhiên. Bà Chi đi đi lại lại, âu yếm hỏi han học trò có bé nào đói bụng không. Rồi bà lo quạt máy chưa đủ mát, lo trời sấm chớp đì đùng chút nữa mưa thì các bé về ướt hết...
Rộng mở vòng tay yêu thương
Bà Đặng Thị Chi vốn là cựu hiệu trưởng nên có nhiều học trò ủng hộ nghĩa cử của mình. Từ lúc mở lớp học, các học trò cũ thường hỗ trợ nhiều thứ như sách vở, quà bánh và dặn "cô cần gì cứ báo cho tụi em".
Lớp học duy trì tới hôm nay là từ sự nỗ lực của bà Chi, các nhà hảo tâm và tấm lòng của những cô giáo trẻ không ngại xa xôi, đêm hôm đến dạy học. Bằng tình yêu thương và thấu hiểu đối với trẻ em nghèo, họ hợp lại, người góp của, người góp sức cùng chung tay giúp các em tiếp cận tri thức.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ba-giao-ve-huu-va-lop-hoc-yeu-thuong-a195188.html