Những nền kinh tế nhắm vào... người già
Khi dân số thế giới già đi nhanh chóng, nhiều nước làm mọi cách để thúc đẩy sinh nở nhưng bất thành thì nền kinh tế nâng niu và tập trung vào người già trở thành trọng tâm phát triển.
Liên Hiệp Quốc dự báo đến năm 2050, cứ 6 người trên thế giới thì có một người trên 65 tuổi, tăng từ 11 người năm 2019. Sự thay đổi nhân khẩu đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia, nhưng cũng tạo ra cơ hội kinh tế khác - kinh tế “bạc” (nền kinh tế nhắm vào người già).
Thiếu trẻ, nâng niu già
Theo ý kiến của GS. Chu Duy Sinh - Đại học Ritsumeikan kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu toàn cầu 3E tại Nhật Bản đăng trên tờ Trung Hoa Nhật báo, nền kinh tế bạc nhằm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi từ chăm sóc sức khỏe, du lịch, giải trí đến dịch vụ tài chính và hàng tiêu dùng.
Báo Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc phân tích về phía cung, thay vì phụ thuộc vào số lượng lớn lao động trẻ như trước thì nền kinh tế bạc chuyển sang mô hình tập trung vào chất lượng và năng suất từ những người lớn tuổi có kinh nghiệm. Về phía cầu, nền kinh tế bạc mở rộng thị trường trong nước và “lưu thông kép” với cách tiêu dùng của người lớn tuổi, thích ứng tốt với đà suy giảm của xuất khẩu và đầu tư ra bên ngoài.
Trung Quốc ước tính nền kinh tế bạc có giá trị khoảng 982 tỷ USD và dự kiến đạt khoảng 4.211 tỷ USD vào năm 2035. Nghiên cứu của Kim Young-sun, Giám đốc Viện AgeTech & Silver Economy thuộc Đại học Kyunghee, Hàn Quốc, dự báo thị trường dành cho doanh nghiệp tập trung vào người cao tuổi sẽ có giá trị 128 tỷ USD vào năm 2030, tăng gấp đôi so với năm 2020. Trong khi đó, World Data Lab ước tính nền kinh tế bạc của Nhật Bản sẽ tăng 1.100 tỷ USD vào năm 2030.
Trung Quốc thúc đẩy toàn diện
Dù đều có dân số già hóa nhanh chóng, thậm chí siêu già, nhưng Trung Quốc và Nhật Bản đang có những cách tiếp cận khác nhau để thúc đẩy kinh tế bạc. Đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn khung chính sách mới để củng cố ngành chăm sóc người cao tuổi và thúc đẩy đổi mới công nghệ tại các dịch vụ có liên quan.
20.000
trường mẫu giáo đã đóng cửa trong năm 2022 - 2023.
Ngược lại, số cơ sở chăm sóc người cao tuổi lại tăng gấp đôi
kể từ năm 2018.
Bộ Giáo dục Trung Quốc
Tờ The New York Times kể việc Lý Đông Mai - doanh nhân ngành giáo dục 36 tuổi trong công cuộc chuyển đổi kinh doanh từ trẻ sang già. Với thâm niên hơn một thập niên, cô Lý chật vật duy trì điều hành nhóm trường mẫu giáo khi tỉ lệ sinh của Trung Quốc giảm đều. Đến năm 2020, vừa hết gồng nổi, vừa nhận thấy nhóm khách hàng tiềm năng mới, Lý Đông Mai quyết định chuyển trọng tâm sang phục vụ người cao tuổi.
Tại các cơ sở giáo dục trước đây là nhà trẻ ở thành phố Tế Nam, nay rộn ràng các lớp ca hát, khiêu vũ, âm nhạc, catwalk, thậm chí có luôn lớp đào tạo KOLs (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) dành cho người cao tuổi. Không như trẻ con, người già không nghỉ hè, lớp học lúc nào cũng đông học viên.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 20.000 trường mẫu giáo nước họ đã đóng cửa trong năm 2022-2023. Ngược lại, số cơ sở chăm sóc người cao tuổi lại tăng gấp đôi kể từ năm 2018.
Công ty sữa của nhà nước Xinjiang Tianrun Dairy hay các công ty lớn như Yili Group, Nestlé vốn sản xuất sữa công thức cho trẻ sơ sinh nay cũng “bẻ lái” phát triển sữa bột cho khoảng 400 triệu người trung và cao niên - theo ước tính số liệu năm 2035 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Các công ty an ninh mạng như 360 Security Technology, nổi tiếng với các thiết bị để phụ huynh theo dõi con nhỏ thì “thức thời” chuyển sang thiết kế đồng hồ thông minh cho phép con cái theo dõi huyết áp, nhịp tim, vị trí của ba mẹ, ông bà để có thể được trợ giúp khẩn cấp.
Đối với các điểm đến du lịch nổi tiếng như Vân Nam, sự trỗi dậy trào lưu “chim di cư” của người về hưu cũng tạo động lực cho nền kinh tế bạc. Tân Hoa xã chia sẻ ví dụ về bà Hà Bình, 61 tuổi, hai vợ chồng đã về hưu, di chuyển từ Bắc Kinh đến Vân Nam ở vài tháng mỗi năm vì thời tiết ôn hòa, giá sinh hoạt cũng thấp hơn nhiều. Theo số liệu từ Cục Văn hóa và Du lịch thành phố Khúc Tĩnh, thành phố này đã đón tổng cộng 2 triệu khách du lịch vào mùa hè năm 2023, doanh thu đạt khoảng 23,6 tỷ nhân dân tệ, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.
Nhật Bản xem chất lượng và độ bền là cốt lõi
Khác với Trung Quốc, tờ Trung Hoa Nhật báo cho rằng, Nhật Bản lại tập trung vào những thiết kế phổ quát và sản phẩm có chất lượng lâu dài, tiếp cận được người dùng ở mọi lứa tuổi và khả năng tài chính. Ví dụ các công ty bất động sản ở Nhật khi xây công trình sẽ thiết kế không có rào cản, kèm theo thiết bị thân thiện với người cao tuổi.
Ban đầu thiết kế không rào cản được xem là điểm đặc biệt, “lá bài quảng cáo bán hàng”, giờ thì đâu đâu ở Nhật cũng thiết kế như vậy để đáp ứng nhu cầu người cao tuổi. Những sản phẩm như thiết bị gia dụng, máy ảnh, đồ công nghệ... đều có dòng riêng cho khách hàng cao tuổi.
Trong khi doanh nghiệp các nước khác cố gắng làm ra sản phẩm “bom tấn” thì doanh nghiệp Nhật lại chú tâm vào chất lượng và độ bền của sản phẩm. Bởi đặc điểm của người tiêu dùng lớn tuổi là cần dùng sản phẩm lâu dài, đồ không bền thì họ không mua. Đến giờ tiêu chí này dường như đã thành triết lý làm sản phẩm, dịch vụ của Nhật, như kết quả của hàng chục năm phát triển nền kinh tế bạc.
Quý bà 81 tuổi thi hoa hậu ở xứ kim chi
Nhìn sang Hàn Quốc, báo Nikkei Asia trích lời Giám đốc Viện AgeTech & Silver Economy, rằng “nền kinh tế bạc của Hàn Quốc có tiềm năng rất lớn, nhưng so với các nước châu Á khác, thị trường này vẫn mờ nhạt. Hiện Chính phủ Hàn Quốc có rất nhiều hoạt động R&D và những nỗ lực liên quan để triển khai nền kinh tế bạc, tin rằng tương lai sẽ có nhiều bước tiến đáng kể”.
Sự xuất hiện của thí sinh 81 tuổi tại Hoa hậu Hoàn vũ Hàn Quốc 2024 diễn ra ở Seoul hồi cuối tháng 9 vừa qua, đã cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế bạc xứ kim chi. Bà Choi Soon-hwa, hàng chục năm làm công nhân nhà máy dệt nuôi hai con, chăm sóc ba đứa cháu, rồi đi làm hộ lý đã có bước ngoặt cuộc đời ở tuổi thất thập cổ lai hy. Vào năm 71 tuổi, một bệnh nhân khen bà giống người người mẫu, khuyên bà nên sải bước trên sàn catwalk thay vì phải thay bô cho người bệnh. Và rồi người dân Hàn Quốc thấy bà Choi trên bìa một tạp chí thời trang, trong các show trình diễn, rồi đi thi hoa hậu.
Ông Yang Sun-mook, làm trong ngành quảng cáo và sự kiện cho người cao tuổi, đánh giá các công ty Hàn Quốc còn vô vàn dư địa xuất khẩu sản phẩm chăm sóc người cao tuổi, chẳng hạn thực phẩm bổ sung sức khỏe và chăm sóc da, giống như cách họ đã làm với nhạc pop, phim truyền hình, đồ điện tử và kim chi.
Nhiều doanh nghiệp trẻ đã nhảy vào “cuộc chơi”, điển hình như Athler - nền tảng thời trang trực tuyến dành cho đàn ông lớn tuổi, hay Onew - nền tảng kết nối người cao tuổi cùng sở thích. Các ông lớn như Shinhan và Hyundai cũng ký thỏa thuận xây dựng nhà ở và cơ sở chăm sóc người cao tuổi.
Trong bối cảnh thế hệ vàng chọn không sinh con vì giá nhà tăng, cạnh tranh việc làm khốc liệt, những nỗi lo thế hệ vô hình, thì việc truyền cảm hứng của bà Choi chứng minh già không có nghĩa là dừng đóng góp. Ngược lại, nền kinh tế bạc lại đang cho thấy sự sáng giá của nó trong kỷ nguyên này.
Các công ty Hàn Quốc còn vô vàn dư địa xuất khẩu sản phẩm chăm sóc người cao tuổi, chẳn hạn thực phẩm bổ sung sức khỏe và chăm sóc da, giống như cách họ đã làm với nhạc pop, phim truyền hình, đồ điện tử và kim chi.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/nhung-nen-kinh-te-nham-vao-nguoi-gia-a195336.html