Toàn cảnh bầu cử Mỹ 2024: Những yếu tố làm nên lịch sử của nước Mỹ

Nước Mỹ có vị Tổng thống đắc cử hai nhiệm kỳ không liên tiếp, với việc ứng cử viên Donald Trump chiến thắng vang dội ở các bang chiến trường.

Một đêm không ngủ

Từ bờ Đông sang bờ Tây, tại các thành phố lớn, thị trấn nhỏ và khắp mọi nơi, hàng trăm triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sau một chiến dịch tranh cử khốc liệt và khó đoán nhất trong lịch sử.

Mọi cuộc đua luôn tồn tại hai thái cực. Từ lo lắng, bồn chồn, thậm chí có những giọt nước mắt, cho đến những niềm vui vỡ òa. Hãng tin CNN bình luận: "Đây là đêm bầu cử của  một trong những cuộc đua tổng thống gay cấn nhất từ trước đến nay".

Toàn cảnh bầu cử Mỹ 2024: Những yếu tố làm nên lịch sử của nước Mỹ- Ảnh 1.

Khi con số ủng hộ nhích chậm qua mốc 270 (con số cần thiết để xác định ứng cử viên thắng cử), những người ủng hộ ông Donald Trump đã vỡ òa. Ngay lập tức, vị cựu Tổng thống này đã có ngay bài phát biểu dài khoảng 25 phút ở bang Florida, trong tiếng hò reo khi ông đã có đủ số phiếu đại cử tri cần thiết để trở lại Nhà Trắng.

Ông Trump gửi lời cảm ơn đến những người ủng hộ, gọi chiến thắng của mình là "làm nên lịch sử" cũng như đã "vượt qua những trở ngại mà không ai nghĩ có thể vượt qua".

"Tôi sẽ điều hành chính quyền một cách đơn giản, nói lời giữ lời. Không gì có thể cản trở tôi làm điều đó", ông Trump cho hay khi nói về diễn biến trước mắt của mình khi quay lại Nhà Trắng.

Toàn cảnh bầu cử Mỹ 2024: Những yếu tố làm nên lịch sử của nước Mỹ- Ảnh 2.

Tính đến 10h sáng ngày 7/11 (giờ Việt Nam), với phần lớn các bang đã kết thúc kiểm phiếu, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành được ít nhất 295 phiếu đại cử tri để thắng cử, trong khi bà Kamala Harris đạt 226 phiếu.  Với diễn biến này, ông Donald Trump đã đủ điều kiện trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên giành được nhiệm kỳ thứ hai không liên tiếp kể từ 120 năm qua.

Cuộc đua "song mã" sít sao 

Chỉ vài tiếng sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, thế giới đã có thể nắm được kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Mỹ năm nay, nhờ tốc độ kiểm phiếu nhanh chóng và các dự đoán tương đối chính xác của giới truyền thông.

Năm nay, quá trình kiểm phiếu được cho là nhanh chóng nhờ số lượng phiếu bầu qua thư ít hơn so với hồi năm 2020 – thời điểm diễn ra dịch COVID-19. Dù chưa có số liệu chính thức về tỉ lệ phiếu bầu qua thư năm 2024, các chuyên gia tin rằng số lượng phiếu loại này sẽ giảm, qua đó giúp cải thiện tốc độ kiểm phiếu.

Toàn cảnh bầu cử Mỹ 2024: Những yếu tố làm nên lịch sử của nước Mỹ- Ảnh 3.

Những cập nhật liên tục về kết quả kiểm phiếu tại từng bang năm nay đã đem lại nhiều hồi hộp tới phút chót. 7 bang "chiến địa" quan trọng đều cho cho thấy cách biệt giữa hai ứng viên đều vô cùng sít sao.

Bằng "Cú lội ngược dòng" bất ngờ, ông Trump đã giành được lá phiếu tại 4 trong tổng cộng 7 bang "chiến địa" khốc liệt – bao gồm Georgia, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin. Trong đó, chiến thắng quyết định diễn ra tại Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri – nơi được mệnh danh "thành trì xanh" lâu năm với truyền thống đứng về Đảng Dân chủ. Tương tự, bang Michigan năm nay cũng "chuyển đỏ" dù trong lịch sử, bang này chỉ mới bầu cho ứng cử viên đảng Cộng hòa đúng một lần duy nhất kể từ năm 1992.

Trong khi đó, với chiến thắng ở Hawaii và Virginia, bà Harris thu về thêm lần lượt 4 phiếu và 13 phiếu đại cử tri.

Toàn cảnh bầu cử Mỹ 2024: Những yếu tố làm nên lịch sử của nước Mỹ- Ảnh 4.

Ông Trump sau cùng có được thành tích thuyết phục khi đưa bang chiến trường Georgia trở lại với đảng Cộng hòa, giữ vững thành trì North Carolina và phá vỡ "bức tường xanh" của đảng Dân chủ khi thắng ở Pennsylvania. Ông Trump cũng vượt đối thủ về cả số phiếu phổ thông, điều mà ông không làm được vào năm 2016.

Các bang chiến trường có vai trò quan trọng vì hầu hết các bang của Mỹ đều áp dụng hệ thống "người thắng giành tất cả" - quy định mà ở đó ứng cử viên nào thắng về tỷ lệ phiếu cử tri phổ thông tại một bang, dù với chênh lệch rất nhỏ, đều giành được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó.

Cách thức phân bổ phiếu đại cử tri đã khiến chú ý đổ dồn đặc biệt và một số bang - nơi cuộc đua diễn ra căng thẳng nhất – bởi đây có thể là chiến trường quyết định toàn bộ kết quả của cuộc bầu cử. Năm 2016, nước Mỹ từng chứng kiến bà Hillary Clinton đã giành tỷ lệ phiếu phổ thông lớn hơn nhưng vẫn thất bại vì không đủ số phiếu đại cử tri.

Mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ năm nay

Theo kết quả thăm dò cử tri do đài CBC News tiến hành ngoài phòng bỏ phiếu, kinh tế và nền dân chủ là hai vấn đề quan tâm hàng đầu đối với cử tri trong cuộc bầu cử năm nay.

Khi được đề nghị lựa chọn giữa 5 vấn đề, 34% cử tri được hỏi nói rằng vấn đề dân chủ có tác động lớn nhất tới quyết định lựa chọn người lãnh đạo đất nước trong 4 năm tới. Theo sau là vấn đề kinh tế với tỷ lệ 31%. Các vấn đề còn lại gồm nạo phá thai (14%), nhập cư (11%) và chính sách đối ngoại (4%).

Theo hãng tin AP, đề xuất giảm thuế trong nước, tăng thuế nhập khẩu, cũng như tuyên bố trục xuất người nhập cư trái phép của ông Trump đã tạo tiếng vang với những người ủng hộ ông. Hơn một nửa số người ủng hộ ông Trump coi nền kinh tế và việc làm là vấn đề hàng đầu mà đất nước phải đối mặt, trong khi khoảng 1/3 cho biết vấn đề ưu tiên là nhập cư.

Toàn cảnh bầu cử Mỹ 2024: Những yếu tố làm nên lịch sử của nước Mỹ- Ảnh 5.

Ngược lại, đa số cử tri bầu cho bà Harris quan tâm nhất tới vấn đề dân chủ, theo sau là quyền nạo phá thai, kinh tế, chính sách đối ngoại và nhập cư.

Trong cuộc bầu cử lần này, ông Donald Trump đã giành được sự ủng hộ của 1/3 cử tri da màu. Đây được là thành tích tốt nhất của bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào thuộc Đảng Cộng hòa kể từ thời khi ông George W. Bush nỗ lực tái tranh cử năm 2004. Cách đây 4 năm, các cuộc thăm dò cho thấy, ông Trump chỉ giành được 32% phiếu bầu của cử tri Mỹ gốc Latinh. Nhưng trong cuộc bầu cử lần này, ông giành được 45% số phiếu. Xu hướng thay đổi rõ ràng nhất là ở Florida. Bang này chuyển sang hướng ủng hộ đảng Cộng hòa rõ rệt và cử tri gốc Latinh tại bang này cũng vậy.

Các cử tri nhìn nhận năng lực của mỗi ứng cử viên khác nhau. Một số cho rằng ông Trump có xu hướng là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ trong khi bà Harris lại được đánh giá cao về phẩm chất đạo đức – yếu tố cần thiết để trở thành tổng thống.

Những yếu tố làm nên lịch sử của nước Mỹ

"Dù ông Trump hay bà Harris thắng, bầu cử Mỹ 2024 cũng sẽ tạo nên lịch sử". Đó là nhận định của nhà sử học Mark Updegrove, chuyên gia nghiên cứu về các đời tổng thống Mỹ của đài ABC News.

Cuộc đua năm nay liên tục có những thay đổi bất ngờ.

Toàn cảnh bầu cử Mỹ 2024: Những yếu tố làm nên lịch sử của nước Mỹ- Ảnh 6.

Bầu cử Mỹ 2024 là cuộc đua đầy thách thức đối với Phó Tổng thống Kamala Harris khi bà chỉ có vỏn vẹn hơn ba tháng để tranh cử sau khi đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden rút lui. Đây là chiến dịch tranh cử tổng thống ngắn nhất trong lịch sử chính trị hiện đại khi chỉ kéo dài 107 ngày.  Tuy nhiên, bà Harris đã tự hào cho biết chiến dịch của bà bắt đầu "như một kẻ yếu thế và vươn tới chiến thắng" để kêu gọi sự ủng hộ từ người dân.

Trong khi đó, đối thủ Donald Trump là người đã quá dày dạn kinh nghiệm tranh cử và chính trường. Dù thế chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 cũng trở nên đặc biệt bởi 3 âm mưu ám sát bất thành nhằm vào ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump. Ngoài ra, Đảng Cộng hòa cũng lần đầu tiên có ứng cử viên tổng thống bị tòa án phán quyết có tội, nhưng không có bản án nào được đưa ra.

Cùng lúc, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 được dự đoán sẽ trở thành cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ, với tổng số tiền chi ra có thể lên đến 15,9 tỷ USD – vượt kỷ lục của năm 2020 và gấp đôi chi phí 6,5 tỷ USD của kỳ bầu cử năm 2016.

Toàn cảnh bầu cử Mỹ 2024: Những yếu tố làm nên lịch sử của nước Mỹ- Ảnh 7.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dẫn đầu trong cuộc đua gây quỹ. Chiến dịch tranh cử của bà trực tiếp huy động được hơn 1 tỷ USD, trong đó 40% đến từ các nhà tài trợ nhỏ lẻ. Đảng Dân chủ cũng huy động được 93 triệu USD từ nhà tài trợ lớn nhất là tỷ phú Michael Bloomberg, sau đó là tỷ phú George Soros.

Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump đã huy động trực tiếp 382 triệu USD cùng với 694 triệu USD từ các ủy ban liên kết. Nhà tài trợ lớn nhất là ông Timothy Mellon, người thừa kế ngân hàng 82 tuổi, đóng góp 197 triệu USD cho ông Trump và các hoạt động của đảng Cộng hòa. Các nhà tài trợ lớn khác bao gồm các tỷ phú Richard và Elizabeth Uihlein từ ngành đóng gói, CEO của Tesla và SpaceX là tỷ phú Elon Musk, và nhà đầu tư quỹ phòng hộ Kenneth Griffin - mỗi người đóng góp hơn 100 triệu USD.

Khoảng một nửa số tiền được chi vào quảng cáo và các hoạt động truyền thông tại 7 bang "chiến địa", theo Financial Times. Trong đó, hơn 400 triệu USD được chi tại bang Pennsylvania, tức là còn nhiều hơn số tiền 358 triệu USD chi ở tất cả 43 bang không phải là "bang dao động". Tiếp theo là Michigan với 151 triệu USD và Georgia với 137 triệu USD.

Toàn cảnh bầu cử Mỹ 2024: Những yếu tố làm nên lịch sử của nước Mỹ- Ảnh 8.

Trong thời kỳ vận động tranh cử của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2024, mạng xã hội là một "vũ khí quan trọng". Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng như X (trước đây là Twitter), Facebook, Instagram và TikTok, các ứng cử viên đã có cơ hội đưa hình ảnh của mình đến gần hơn với nhóm cử tri trẻ tuổi. Điều này không chỉ giúp tăng cường mức độ tương tác với công chúng mà còn thúc đẩy cử tri trẻ đi bỏ phiếu nhiều hơn.

Theo đó vào tháng 7/2024, chỉ vài giờ sau khi thông tin Phó Tổng thống Kamala Harris được công bố là ứng cử viên của Đảng Dân chủ thay cho Tổng thống Joe Biden, các video trên tài khoản TikTok của bà đã thu hút trung bình 6 triệu lượt xem.

Không kém cạnh, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đánh dấu sự xuất hiện trên nền tảng phổ biến bậc nhất này. Tài khoản TikTok của ông Trump đã thu hút hơn 450.000 lượt theo dõi chỉ trong vòng chưa đầy 1 ngày mở ra, và hiện tại con số này đã đạt mốc 13 triệu. Đây là bước đi khôn ngoan nhưng đầy bất ngờ, bởi trước đó ông Trump từng nhiều lần coi TikTok là một mối đe dọa an ninh quốc gia.

Cả bà Harris và ông Trump đều nhắm đến các cử tri thuộc GenZ (những người sinh ra trong giai đoạn 1997-2012), khi nhiều người trong số họ sẽ bỏ phiếu lần đầu tiên trong năm nay và rất quan tâm đến vấn đề kinh tế và biến đổi khí hậu

Diễn biến tiếp theo là gì?

Nếu không xảy ra tranh chấp trong quá trình kiểm đếm, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ được xác định không lâu sau ngày bỏ phiếu.

Năm nay, các  bang có thời gian tới ngày 11/12 tới đây để giải quyết mọi tranh cãi (nếu có) liên quan tới việc lựa chọn cử tri đoàn. Dự kiến, cử tri đoàn tại các bang sẽ nhóm họp vào ngày 17/12 tới để bỏ phiếu đại cử tri chính thức bầu ứng cử viên đạt đủ số phiếu làm tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.

Toàn cảnh bầu cử Mỹ 2024: Những yếu tố làm nên lịch sử của nước Mỹ- Ảnh 9.

Số phiếu đại cử tri sẽ được kiểm chính thức vào ngày 6/1/2025. Đây mới là thời điểm tân tổng thống Mỹ được gọi tên. Và sau đó, vào ngày 20/1/2024, lễ nhậm chức của tân tổng thống và phó tổng thống sẽ diễn ra với quá trình tuyên thệ nhậm chức chính thức.

Như vậy nếu không có gì thay đổi trong kết quả được công bố ngày 6/11, ông Trump sẽ hoàn thành cam kết quay trở lại chính trường Mỹ một cách đầy ấn tượng, sau những sự kiện chấn động xảy ra với ông, trong đó đỉnh điểm là ba lần diễn ra âm mưu ám sát bất thành.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/toan-canh-bau-cu-my-2024-nhung-yeu-to-lam-nen-lich-su-cua-nuoc-my-a195481.html