Quy mô nền kinh tế số Việt Nam vượt mốc 36 tỷ USD

Báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company ước tính nền kinh tế số tại Việt Nam có quy mô 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái.

Quy mô thị trường thương mại điện tử, giao hàng và thực phẩm đều ghi nhận mức tăng 12-16% so với năm 2023. Ảnh: Phương Thảo.

Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố Báo cáo e-Conomy SEA 2024 về nền kinh tế số tại Việt Nam.

Theo đó, các hãng nghiên cứu ước tính quy mô nền kinh tế số Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường (GMV) có thể dao động 90-200 tỷ USD.

Như mọi năm, thị trường thương mại điện tử tiếp tục là trụ cột chính khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế số. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, quy mô của thị trường thương mại điện tử có thể mở rộng lên 63 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các ngành vận tải và thực phẩm đóng góp 4 tỷ USD, du lịch trực tuyến góp 5 tỷ USD và truyền thông trực tuyến góp 6 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực này đều khoảng 12-16%.

Theo đơn vị nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát cao tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp, bằng chứng là mức lương công chức gần đây đã tăng.

Trong khi sự mất giá của đồng tiền giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, việc giám sát và quản lý tiền tệ thận trọng sẽ rất cần thiết để đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phát triển.

bao cao e conomy 2024,  nen kinh te so anh 1

Quy mô nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt tối thiểu 90 tỷ USD vào năm 2030. Ảnh: e-Conomy SEA 2024.

Đáng chú ý, lĩnh vực gọi xe của Việt Nam đang trải qua thời kỳ cạnh tranh gay gắt, chủ yếu do sự xuất hiện của các hãng xe nội địa và xe điện (EV). Tình hình cạnh tranh ngày càng tăng đã dẫn đến sự rút lui của một số công ty trong khu vực.

“Khi lĩnh vực này tiếp tục phát triển, sự cạnh tranh dự kiến ngày càng gay gắt hơn, định hình lại ngành và có khả năng đẩy nhanh sự lấn sân của xe điện”, báo cáo nhận định.

Ngoài ra, Việt Nam đang nhanh chóng tiến tới các hình thức không dùng tiền mặt, được thúc đẩy bởi các sáng kiến cộng đồng và giải pháp tài chính sáng tạo.

Sự phát triển của ví điện tử cùng với việc áp dụng rộng rãi thanh toán bằng mã QR đã làm giảm đáng kể các giao dịch tiền mặt. Các sáng kiến của Chính phủ cũng giúp tiêu chuẩn hóa hệ thống thanh toán và nâng cao khả năng tương tác, khuyến khích hơn nữa việc chuyển đổi khỏi tiền mặt.

Thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam ghi nhận tổng giá trị giao dịch (GTV) ấn tượng, tăng từ 126 tỷ USD vào năm 2023 lên 149 tỷ USD vào năm 2024, dự kiến đạt 300-350 tỷ USD vào năm 2030. Dư nợ cho vay kỹ thuật số cũng tăng vọt lên 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, một trong những điểm trừ là giá trị vốn đầu tư tư nhân và số lượng thương vụ đầu tư đang có xu hướng giảm trên tất cả lĩnh vực.

Về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), TP.HCM và Đà nẵng đang dẫn đầu về mức độ quan tâm và nhu cầu sử dụng AI tại Việt Nam. Chỉ số quan tâm đến AI của 2 thành phố này đều cao hơn so với mức trung bình của cả nước. Trong đó, giáo dục, tiếp thị và y tế là những lĩnh vực có nhu cầu tìm kiếm thông tin về AI cao nhất.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/quy-mo-nen-kinh-te-so-viet-nam-vuot-moc-36-ty-usd-a195681.html