Hàng trăm nghìn người đạp xe khiến thành phố Khai Phong quá tải. |
Trào lưu đạp xe đêm đi ăn sủi cảo ở Trung Quốc đã bùng nổ thành "cuộc đua" của hơn 100.000 người vào ngày 8/11, gây tắc nghẽn các tuyến đường chính và khiến thành phố Khai Phong quá tải, The Guardian đưa tin.
Trào lưu bắt đầu vào tháng 6, khi 4 sinh viên trường đại học Trịnh Châu quyết định đi xe đạp nhiều giờ đến Khai Phong để ăn món súp sủi cảo cỡ lớn nổi tiếng, có tên guan tang bao.
Các bài đăng về hành trình của họ lập tức gây sốt và được ủng hộ mạnh mẽ, với khẩu hiệu truyền cảm hứng: "Tuổi trẻ vô giá, hãy cùng đạp xe đêm đến Khai Phong".
Xu hướng ngày càng lan rộng, nhiều sinh viên "đu trend" thực hiện chuyến đi. Nhóm sinh viên, chủ yếu đi xe đạp công cộng, đã di chuyển nhiều giờ từ khuôn viên trường ở Trịnh Châu qua tỉnh Hà Nam, đến thành phố cổ Khai Phong.
Hoạt động lành mạnh và phi chính trị này ban đầu được chính quyền hoan nghênh.
Khai Phong, một trong số thành phố của Trung Quốc cũng cố gắng thu hút nhiều khách du lịch trong nước hơn, đưa ra các ưu đãi bao gồm miễn phí vào cửa các điểm tham quan.
Cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, People’s Daily, cũng ca ngợi "làn sóng du khách trẻ" đến Khai Phong, đồng thời dự báo số du khách sẽ đạt đỉnh vào khoảng 2.000 người.
"Đội quân" xe đạp đi lên cả đường cao tốc, gây nguy hiểm. |
Nhưng cuối tuần trước đó, vào ngày 1/11, số lượng sinh viên đi xe đạp tăng lên đến 17.000 người. Tới đêm 8/11, con số tăng gấp 10 lần, ước tính 100.000-200.000 sinh viên chen chúc trên đường.
"Đoàn quân" xe đạp khổng lồ đã gây ra rắc rối khiến nhiều người phàn nàn. Đặc biệt, cư dân Khai Phong bức xúc khi đường phố quá đông đúc, xe đạp và rác thải bị bỏ lại. Chỗ ở, nhà hàng và không gian công cộng chật cứng người.
Video lan truyền trên mạng cho thấy hàng chục nghìn người đi xe đạp tràn ra đầy đại lộ 6 làn xe Zhengkai - đường cao tốc nối giữa Trịnh Châu và các đường phố của Khai Phong.
Cảnh sát phải sử dụng loa phóng thanh để yêu cầu sinh viên rời đi, bằng xe đạp hoặc xe buýt miễn phí.
Để ngăn chặn sự việc tương tự, chính quyền đã ban hành lệnh hạn chế tạm thời đối với đường sá nói chung và đường dành cho xe đạp trong suốt cả tuần.
Các ứng dụng chia sẻ xe đạp cảnh báo họ sẽ khóa từ xa bất kỳ xe đạp nào được mang ra khỏi khu vực được chỉ định ở Trịnh Châu.
Một số trường đại học ở Trịnh Châu cũng ban hành các biện pháp bao gồm cấm xe đạp trong khuôn viên và yêu cầu sinh viên phải xin giấy phép để rời khỏi khuôn viên trường.
Trào lưu đạp xe đêm dường như đang ngày càng phổ biến ở một số thành phố lớn của Trung Quốc, nhưng chưa nơi nào ghi nhận lượng người tham gia đông như ở Hà Nam.
Sự bùng nổ của trào lưu đạp xe đã gây ra những rắc rối không lường trước. |
Trên mạng, nhiều sinh viên đã xin lỗi vì sự bừa bộn nhưng vẫn bảo vệ ý nghĩa chuyến đi.
Một cuộc tranh luận đã nổ ra về hành động của sinh viên, phản ứng của các trường đại học và liệu chính quyền và phương tiện truyền thông có khuyến khích hoạt động này mà không đưa ra sự hỗ trợ và cơ sở hạ tầng phù hợp hay không.
"Lúc đầu, nó được thổi phồng, nhưng cuối cùng tất cả đều kết thúc trong sự hỗn độn và thất bại. Các phương tiện truyền thông nên tự kiểm điểm lại bản thân. Lúc đầu, tất cả các bạn đều khuyến khích và ca ngợi hành vi này", một người viết trên Weibo.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/khai-phong-vo-tran-vi-100000-sinh-vien-dap-xe-di-an-dem-a195795.html