Sau nhiều trì hoãn, Omoda C5 sẽ là cái tên tiếp theo gia nhập thị trường xe Việt ngay trong tháng 11. Mẫu SUV cỡ B của thương hiệu ôtô thuộc tập đoàn Chery dự kiến đối diện không ít khó khăn tại Việt Nam, không chỉ ở vấn đề thương hiệu mà còn xuất phát từ sự chật chội của phân khúc.
Chậm chân
Thương hiệu Omoda thuộc tập đoàn Chery của Trung Quốc từng tổ chức buổi lái thử Omoda C5 cho truyền thông Việt hồi đầu năm nay, với dự định bắt đầu bán mẫu SUV cỡ B từ giữa năm.
Omoda C5 từng xuất hiện trong buổi test drive dành cho truyền thông Việt hồi đầu năm. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Tuy nhiên, kế hoạch này đã nhiều lần bị trì hoãn và phải đến các tháng cuối năm, Omoda C5 mới có những động thái rõ ràng hơn nhằm tiếp cận khách Việt.
Những toan tính thận trọng dẫn đến sự chậm chân có thể sẽ đẩy Omoda C5 vào thế khó.
Vào lúc này, phân khúc SUV cỡ B mà Omoda C5 sẽ chinh chiến tại Việt Nam đang chứng kiến sự đông đúc đáng ngạc nhiên.
Chỉ tính riêng các xe có công bố doanh số, nhóm SUV đô thị tại Việt Nam đã có đến 8 cái tên tham gia, gồm Mitsubishi Xforce, Toyota Yaris Cross, Hyundai Creta, Kia Seltos, Toyota Corolla Cross, Honda HR-V bên cạnh bộ đôi Mazda CX-3 và Mazda CX-30.
Trong đó, Mitsubishi Xforce bán ra từ tháng 3, còn Toyota Yaris Cross bắt đầu bàn giao cho khách Việt từ tháng 9 năm ngoái.
Cả 2 tân binh này đều đang là những cái tên bán tốt nhất phân khúc. Doanh số Xforce đạt 9.963 xe sau 9 tháng, còn Yaris Cross bán được 6.898 xe cho khách Việt trong cùng kỳ.
Mitsubishi Xforce và Toyota Yaris Cross đang là 2 mẫu xe bán tốt nhất phân khúc SUV đô thị. |
Nhóm xe này còn có một số đại diện khác không công khai doanh số gồm Lynk & Co 06, Peugeot 2008, Nissan Kicks, MG ZS, MG4 EV, BYD Atto 3, VinFast VF 6, GAC Aion Y Plus và mới nhất là Subaru Crosstrek.
Gần 20 mẫu xe cạnh tranh trong cùng phân khúc SUV/crossover cỡ B/B+ là một con số khá lớn. Lượng xe có mặt ở phân khúc này thậm chí đông gấp nhiều lần số đại diện ở các phân khúc xe cỡ nhỏ, sedan cỡ D hay xe bán tải.
Trong nhóm đối thủ tiềm năng của Omoda C5 tại Việt Nam, Lynk & Co 06, BYD Atto 3, GAC Aion Y Plus hay Subaru Crosstrek chỉ vừa ra mắt gần đây, không quá xa thời điểm nhà phân phối dự định bán Omoda C5 cho khách Việt.
Phân khúc SUV đô thị ngày càng trở nên chật chội. |
Vì vậy, có thể nói sự chậm chân đã khiến Omoda C5 đã bỏ lỡ "thời điểm vàng" để gia nhập thị trường Việt Nam, trở thành mẫu xe Trung Quốc ghi điểm nhờ thiết kế khác biệt và loạt trang bị đáng chú ý đi kèm.
Tất nhiên ở chiều ngược lại, việc Omoda C5 ra mắt sớm hơn chưa chắc đã giúp mẫu xe này đạt được doanh số khả quan. Nhìn vào nhóm xe Trung Quốc ra mắt tại Việt Nam, ngoài MG 5 có mức giá cực rẻ với trang bị sơ sài nên nhắm tới đối tượng riêng và có doanh số khả quan, các mẫu xe khác dù nhiều trang bị công nghệ hay thiết kế nổi bật cũng vẫn rơi vào tình trạng bán chậm. Sự thận trọng của Chery phần nào có lý.
Giá bán sẽ là yếu tố quyết định
Sở hữu kiểu dáng SUV coupe, Omoda C5 được đánh giá là một trong những mẫu xe có thiết kế ngoại thất khá khác biệt trong phân khúc, tương tự trường hợp của Lynk & Co 06 hay Mitsubishi Xforce.
Các kích thước dài x rộng x cao của Omoda C5 lần lượt 4.400 x 1.830 x 1.585 mm, chiều dài cơ sở 2.630 mm.
Mẫu xe chào sân của thương hiệu Omoda tại Việt Nam cũng sở hữu nhiều trang bị đáng chú ý như la-zăng 18 inch, hệ thống cảm biến, camera 360 độ, đèn pha LED có gương cầu hỗ trợ, cốp điện, đế sạc không dây, màn hình kép 10,25 inch có hỗ trợ kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây hay cửa sổ trời.
Omoda C5 sẽ là mẫu xe mới nhất gia nhập phân khúc SUV đô thị tại Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Động cơ tăng áp dung tích 1.5L trang bị trên Omoda C5 sản sinh công suất tối đa 145 mã lực và mô-men xoắn cực đại 210 Nm, kết hợp hộp số tự động vô cấp CVT và hệ dẫn động cầu trước. Xe được trang bị gói công nghệ trợ lái nâng cao ADAS gồm 16 tính năng.
Những đặc điểm kể trên được đánh giá có thể giúp Omoda C5 trở thành lựa chọn đáng cân nhắc trong phân khúc SUV đô thị tại Việt Nam. Dù vậy, một trong những rào cản lớn nhất của Omoda C5 vẫn là cái mác "xe Trung Quốc", rất cần giải pháp phù hợp từ đơn vị phân phối mà giá bán có thể là chìa khóa.
Đây cũng là lý do khiến Omoda C5 liên tục trễ hẹn với khách Việt. Đơn vị phân phối hẳn không muốn tự làm khó mình bằng một mức giá cao dành cho Omoda C5, nhưng cũng không thể định giá bán quá thấp khiến Omoda C5 có thể bị xếp ngang hàng với những mẫu xe ở phân khúc thấp hơn.
Giá bán sẽ quyết định thành/bại của Omoda C5. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Mẫu SUV cỡ B đang bán chạy nhất Việt Nam là Mitsubishi Xforce hiện có giá 599-705 triệu đồng, còn Toyota Yaris Cross có giá 605-765 triệu đồng cho 2 phiên bản. Phân khúc SUV đô thị có Subaru Crosstrek đang là mẫu xe có giá cao nhất, hiện ở mức 1,098-1,268 tỷ đồng, chủ yếu do nguồn nhập khẩu Nhật Bản.
Các đại diện Trung Quốc trong phân khúc này gồm MG ZS (538-638 triệu đồng), MG4 EV (828-948 triệu đồng), GAC Aion Y Plus (888 triệu đồng), BYD Atto 3 (766-886 triệu đồng) và Lynk & Co 06 với giá 729 triệu đồng. Phần lớn trong số này nhập khẩu Trung Quốc, trừ MG ZS nhập khẩu từ Thái Lan.
Omoda C5 được nhập khẩu trong giai đoạn đầu từ Indonesia và Malaysia, do đó giá bán sẽ không chịu ảnh hưởng quá lớn từ thuế quan như các đối thủ nhập khẩu từ Trung Quốc hay Nhật Bản. Áp lực với nhà phân phối vì thế cũng giảm đi và nhiều khả năng, Omoda C5 sẽ có được mức giá tốt khi ra mắt khách Việt.
Giá bán Omoda C5 sẽ được công bố vào cuối tháng 11. Những mẫu Omoda C5 đầu tiên cũng sẽ đến tay khách hàng Việt từ thời điểm này.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/omoda-c5-canh-tranh-the-nao-tai-viet-nam-a196004.html