Trả giá đắt vì chế giễu đàn ông ở Trung Quốc

Các công ty Trung Quốc cố gắng khai thác sự quan tâm ngày càng tăng đối với nội dung tập trung vào phụ nữ, mà không làm phật lòng khách hàng nam sau vụ việc của diễn viên hài Yang Li.

che gieu dan ong anh 1

Khi nội dung tập trung vào phụ nữ ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc, nó cũng vấp phải sự chỉ trích từ nam giới và khiến một số công ty ở nước này đau đầu.

Hồi tháng 10, gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com đã cắt đứt hợp tác với nữ diễn viên hài Yang Li sau khi một chiến dịch quảng cáo gây ra phản ứng dữ dội từ khách hàng nam. Nhiều người thậm chí đe dọa sẽ ngừng mua sắm trên ứng dụng này.

Tâm điểm của làn sóng chỉ trích nằm ở câu thoại nổi tiếng của Yang trong tiết mục năm 2020: "Tại sao một số đàn ông trông rất bình thường nhưng lại tự tin một cách mù quáng như vậy nhỉ?".

Câu hỏi đùa này từng gặp phản đối trước đây và 4 năm sau, nó vẫn gây nhức nhối.

“Mời nữ diễn viên hài biểu diễn quảng bá ư? Tôi đã gỡ ứng dụng rồi”, một người dùng viết trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

Trò đùa này đã ảnh hưởng đến sự nghiệp của Yang. Vào năm 2021, cô mất hợp đồng quảng cáo với Intel sau phản ứng dữ dội tương tự.

Thời điểm đó, Intel cho biết công ty bất ngờ trước tranh cãi và nhấn mạnh rằng đa dạng cùng hòa nhập là một phần văn hóa của công ty.

che gieu dan ong anh 2

Yang Li từng bị nhiều nhãn hàng ngừng hợp tác vì tranh cãi nổ ra trên mạng xã hội. Ảnh: Tencent Video.

Năm 2022, người tiêu dùng nam tiếp tục tràn vào tài khoản mạng xã hội của Shede Spirits sau khi Yang xuất hiện trong cuộc phỏng vấn được tài trợ bởi thương hiệu rượu này. Công ty sau đó làm rõ họ không có hợp tác thương mại với Yang.

Việc JD.com chấm dứt hợp tác với Yang gần đây là lời nhắc nhở mới nhất về “cái giá phải trả” khi chế giễu đàn ông ở Trung Quốc, theo Wall Street Journal.

Cơn giận dữ của khách hàng nam

Theo dữ liệu từ công ty phân tích QuestMobile, phụ nữ chiếm 42% lượng người mua sắm của JD.com.

Để thu hút thêm nhiều phụ nữ mua sắm trên JD.com - vốn nổi tiếng về các mặt hàng điện tử - ứng dụng này đã dành ra hơn 400 triệu USD cho chương trình giảm giá sản phẩm làm đẹp.

Chiến dịch tiếp thị có sự góp mặt của Yang là một phần của kế hoạch tiếp cận khách hàng nữ. Tuy nhiên, thay vào đó, nó lại khiến JD.com bị lôi vào cuộc chiến văn hóa giới mới nổi tại Trung Quốc.

Nhiều khách hàng nam của JD.com dường như rất sốc khi nền tảng này lại hợp tác cùng diễn viên hài nổi tiếng với việc chế giễu đàn ông.

Những người khác phản đối việc công ty này "lấy tiền của nam giới để trả phí quảng cáo cho Yang Li", đồng thời kêu gọi JD.com hoàn lại tiền đăng ký JD Plus - chương trình thành viên tương tự như Amazon Prime.

Vào ngày 18/10, JD.com thông báo họ đã ngừng hợp tác với "một diễn viên hài độc thoại", mà không nêu tên Yang.

"Nếu điều này gây ra bất cứ trải nghiệm khó chịu nào cho bạn, chúng tôi thành thật xin lỗi", công ty cho hay.

Trong bối cảnh đó, một số khách hàng nữ của JD.com coi hành động này là thiếu dũng cảm, đã kêu gọi tẩy chay ứng dụng.

Một người dùng nữ cho biết cô đã gỡ ứng dụng mua sắm khỏi điện thoại của mình và viết trên Weibo: "Nhiều đàn ông tức giận chỉ vì Yang Li nói sự thật".

Cả JD.com và Yang đều không trả lời yêu cầu bình luận của Wall Street Journal.

che gieu dan ong anh 3

Người đi bộ tại khu mua sắm chính ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, quyết định đối với Yang dường như không ảnh hưởng đáng kể đến JD.com.

Vào ngày 31/10, công ty tự hào thông báo số khách hàng mới mua sản phẩm làm đẹp và quần áo trên trang web đã tăng 140% trong giai đoạn khuyến mại kéo dài hai tuần trước đó.

Trong khi đó, vào buổi biểu diễn năm nay, Yang đáp lại những lời chỉ trích rằng: “Nếu bạn cảm thấy khó chịu, cứ thoải mái xem cái khác”.

Trước đó, Yang đã nhiều lần lên tiếng về tranh cãi xoay quanh cô. Trong cuộc phỏng vấn năm 2020, cô nói rằng rất xin lỗi nếu ai đó thấy xúc phạm bởi trò đùa của mình, nhưng Yang nhấn mạnh khiếu hài hước đến từ những trải nghiệm của cô với tư cách một phụ nữ và là điều tự nhiên.

"Tôi không muốn tấn công hay làm tổn thương bất kỳ ai, tôi cũng không thực sự muốn khiến đàn ông và phụ nữ đối đầu với nhau. Đó chỉ là quan điểm của tôi, kỹ thuật hài kịch của tôi”.

Xung đột giới tính

Những năm gần đây, các chương trình hài kịch phát trực tuyến trên nền tảng công nghệ lớn như Tencent và iQiyi luôn có sự góp mặt của đội ngũ diễn viên hài. Các tiết mục tập trung vào trải nghiệm cá nhân của phụ nữ, từ phân biệt đối xử tại nơi làm việc đến áp lực sinh con.

Phụ nữ hưởng ứng chương trình này, giúp tăng lượt truy cập vào các nền tảng.

Nghiên cứu năm 2021 cho thấy phụ nữ Trung Quốc chiếm 55% lượng khán giả hài độc thoại và có nhiều khả năng đăng ký dịch vụ thành viên trên nền tảng phát trực tuyến hơn nam giới.

Vào mùa hè, trong buổi diễn được phát trực tiếp tới hàng triệu người xem Tencent, nữ diễn viên hài có nghệ danh Caicai đã trình bày tiết mục dài 8 phút về sự kỳ thị kinh nguyệt.

Cô mô tả người giao hàng xấu hổ khi cố gắng giấu đơn hàng băng vệ sinh trong túi đựng đồ tạp hóa tối màu.

Hàng trăm phụ nữ đã vào tài khoản mạng xã hội của cô để chia sẻ trải nghiệm tương tự.

Ngược lại, một số nam giới đưa ra bình luận chỉ trích, cho rằng hành động này chỉ là cách để cố thu hút sự chú ý.

"Mấy nữ diễn viên hài dường như không thể nói mà không nhắc đến vấn đề giới tính", một tài khoản nam viết. "Thật đáng ngạc nhiên về sự thiếu kỹ năng của họ".

Luo Yonghao - giám khảo nam của một chương trình hài kịch - gần đây cho biết ông đã đề nghị nữ diễn viên hài không nên đi sâu vào chi tiết về kinh nguyệt vì điều đó dễ gây ra tranh cãi.

che gieu dan ong anh 4

Sự căng thẳng về giới xuất hiện khi nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc đang bất chấp những kỳ vọng từ gia đình và xã hội. Ảnh: Wall Street Journal.

Sự căng thẳng về giới xuất hiện khi nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc đang bất chấp những kỳ vọng truyền thống từ gia đình và xã hội.

Thái độ của nữ giới và nam giới Trung Quốc về bình đẳng giới cũng ngày càng khác biệt, theo nghiên cứu năm 2020 bởi Đại học British Columbia cùng Đại học Y khoa và Khoa học Sức khỏe Thượng Hải.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra nam giới có trình độ học vấn cao, sinh vào những năm 1990, có xu hướng đồng ý nhiều hơn so với phụ nữ trong quan điểm cho rằng nam giới nên ưu tiên sự nghiệp, còn nữ giới nên ưu tiên gia đình.

Điều đó có khả năng khiến phụ nữ có trình độ học vấn cao trì hoãn hoặc từ chối hôn nhân.

Phụ nữ đôi khi cũng lên tiếng chống lại thương hiệu và công ty khi họ cho rằng có nội dung phân biệt giới tính.

Vào năm 2021, hàng chục nghìn phụ nữ tẩy chay website phát video trực tuyến Bilibili. Động thái này diễn ra sau khi trang này quảng bá chương trình hoạt hình bị chỉ trích vì mô tả phụ nữ như đối tượng ham muốn của nam giới và sử dụng sự hài hước để hạ thấp phụ nữ.

Người dùng nữ cũng gây áp lực lên một số thương hiệu, buộc họ phải ngừng hợp tác với Bilibili. Trang này sau đó đã gỡ bỏ loạt phim với lý do "kỹ thuật".

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tra-gia-dat-vi-che-gieu-dan-ong-o-trung-quoc-a196704.html