Mở mạng thấy… livestream

Khởi đầu từ những người bán hàng online, những buổi livestream tràn ngập trên mạng, người người lên sóng để đòi nợ, chửi bới nhau hoặc phát những cảnh máu me, bạo lực… Liệu việc livestream có đang đi quá giới hạn?

Mở mạng thấy… livestream - Ảnh 1.

Không ít người đang "nghiện" theo dõi, tìm kiếm để ngày này qua đêm khác những thông tin kiểu này như một cách giải khuây.

Những "cơn nghiện" livestream

Cuối tuần qua, người dân làng tôi bàn tán rất nhiều về một câu chuyện rất nóng: chủ quán tạp hóa livestream đọc danh sách những người còn thiếu nợ.

Trong đoạn video được phát sóng trực tiếp vào "giờ vàng", người chủ quán này vừa nêu đích danh vừa dùng những lời lẽ xúc phạm đến danh dự một số hộ dân trong làng.

Hậu quả là các bên đòi kiện nhau ra tòa, tình cảm láng giềng sứt mẻ vì món nợ mấy chục ngàn đồng. Kể cả khi đã hòa giải xong xuôi thì những hộ dân trên vẫn tuyên bố "từ mặt" nhau.

Trong câu chuyện này, có một điều mà người dân quê tôi nhắc đến nhiều nhất: bây giờ chuyện gì cũng đưa lên mạng, cũng phát sóng trực tiếp. Chuyện livesream đòi nợ như giọt nước tràn ly tiếp sau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, cái gì cũng có thể lên livestream.

Ban đầu là phát sóng trực tiếp để bán hàng, sau đó người ta "mở rộng" đề tài chuyển qua phát sóng những chuyện vui như đám cưới, thôi nôi, gia đình gặp mặt...

Có giai đoạn họ cho lên sóng cả những bữa nhậu say sưa, buổi họp gia đình tranh quyền thừa kế, những đám tang và cả những cảnh máu me khi giết thịt súc vật hoặc tai nạn giao thông.

Khi đã "chán" với việc phát sóng chuyện đời, họ lên "live" chuyện chính mình để công kích, nói xấu hay chỉ nói cho "hả dạ" cái tôi.

Từ câu chuyện làng tôi nhìn rộng ra thì "cơn nghiện livestream" xem ra đã tràn ngập trên mạng xã hội. Một cô hoa hậu phát sóng những video cảnh say xỉn, một hoa khôi lên sóng công kích hằng ngày. Rồi những nhân vật tiếng tăm khác cũng theo thế theo thời với những đoạn video hằn học, chửi bới...

Phía dưới mỗi video livestream luôn có đông đảo lượng người xem trực tiếp. Họ thích thú, hả hê với những hình ảnh, ngôn từ được phát trên đó.

Dần dần những người xem đâm ra "nghiện" theo dõi hết ngày này qua đêm khác những đoạn video chửi bới, máu me, gây sốc... Họ đang giải khuây bằng những điều tiêu cực. Nhiều khi họ còn lưu lại, chia sẻ hoặc "chế" thành nhiều phiên bản khác nhau.

Đừng để "lộng giả thành chân"

Quan sát "cơn sóng" livestream, tôi thấy rất nhiều thứ độc hại đang được lan truyền trên mạng. Điều đáng nói là nếu không có biện pháp ngăn chặn, điều chỉnh kịp thời thì "lộng giả thành chân".

Ví dụ như ngôn từ trên các phiên livestream bây giờ đang diễn ra theo kiểu "muốn nói gì thì nói". Ở đó, họ xưng "mày, tao", chửi thề, nói tục.

Một số người chọn cách nói bóng nói gió nhằm qua mặt bộ phận kiểm duyệt của mạng xã hội. Kiểu nói năng độc hại này khiến người xem bị cuốn theo, đặc biệt là những đứa trẻ thường "ôm" chiếc điện thoại. Nhiều trẻ em đã bắt đầu nói theo "ngôn ngữ TikTok, Facebook".

Cứ thế, những giá trị tinh thần bị xô đổ, người ta quên giữ gìn phép giao tiếp lịch thiệp, tin vào sự tôn trọng lẫn nhau, tin vào nét tinh tế trong ăn nói hay tình cảm thiêng liêng giữa người với người...

Ngày xưa ở làng tôi người ta vẫn thường "chửi" khi đòi nợ, nhưng xong rồi là quên, lời nói gió bay. Bây giờ thì khác, video livestream được chia sẻ, lưu giữ và gợi nhớ. Người xem lại tức giận, không tha thứ cho nhau được nữa.

Người livestream nên hiểu điều gì là phù hợp, điều gì cần hạn chế đưa lên mạng. Nếu không, những lần lên sóng có thể để lại hậu quả lâu dài cho "người trong cuộc" và người xem lại hứng thêm nhiều độc hại từ đủ kiểu nội dung livestream.

Coi chừng vướng pháp lý

Nhiều người họ đang chìm đắm trong việc "phát sóng bất chấp"; họ quay trực tiếp mọi chuyện, mọi lúc, mọi nơi mà không biết rằng "mình đang chia sẻ với cả thế giới". Năm 2019, quê tôi "nổi sóng" với câu chuyện livestream giết voọc ăn óc rồi khoe Facebook, hậu quả 6 người dân lĩnh án tù.

Mấy năm nay, ngay cả ở vùng sâu và miền núi, phần đông người từ già đến trẻ hầu như ai cũng có trong tay một chiếc điện thoại được kết nối mạng.

Mặt trái của việc chuyển đổi số là thực tế nhiều người có sẵn điện thoại trong tay, sẵn sàng livestream nhưng không hiểu biết về thế giới mạng. Những quy định pháp luật liên quan việc chia sẻ thông tin trên mạng cũng không phải ai cũng nắm rõ và nghiêm túc chấp hành.

Việc livestream bất chấp có thể gây hậu quả không nhỏ cho người khác và cho chính người phát trực tiếp.

Mở mạng thấy… livestream - Ảnh 2.Bắt thanh niên livestream xúc phạm, đấm cảnh sát giao thông

Bị cảnh sát giao thông dừng xe vì vi phạm giao thông, Mùa A Dế (32 tuổi, ở Lai Châu) đã livestream trên Facebook với lời lẽ xúc phạm. Khi bị lập biên bản, cưỡng chế, Dế đã đấm vào mặt cảnh sát giao thông.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/mo-mang-thay-livestream-a196758.html