Nhưng rồi cứ "lò dò" cho tới bây giờ nhiều việc vẫn giậm chân tại chỗ, tiến triển không đáng kể.
1. Ở bất cứ thời kỳ nào, một chỗ làm trong cơ quan nhà nước vẫn là mơ ước của nhiều đối tượng. Có người đến đó để cống hiến, để làm việc nghiêm túc, phát huy năng lực.
Có người đến để kiếm chỗ nhàn thân, yên ổn, ít lo toan bị sa thải. Có người đến để lợi dụng, kiếm chác. Cũng có người đến bởi cái danh hão hay bởi cái gì đó khác nữa...
Không phải bây giờ mà ngay cả trước đây, mọi người đều biết các cơ quan nhà nước, nhất là bộ máy hành chính, rất cồng kềnh và thấp thoáng lề lối vận hành theo kiểu... hành là chính.
Nhiều cán bộ, công chức ở cơ quan nhà nước vẫn luôn miệng kêu bận rộn, họp hành suốt ngày. Họ có kêu thế và có kêu hơn nữa thì cứ phải khẳng định rằng chỉ một số người có "trăm công ngàn việc", số còn lại vẫn chỉ là "ngồi chơi xơi nước".
Đại biểu Quốc hội nói không ngoa khi phản ánh: "Có bộ trưởng nói với tôi, giảm 30 - 40% biên chế thì bộ của ông ấy vẫn không hề hấn gì".
2. Có vô số nguyên nhân dẫn tới sự phình to biên chế tại các cơ quan nhà nước, đáng kể hơn cả vẫn là do thủ tục hành chính phiền hà, nhiêu khê. Tổng Bí thư Tô Lâm nói: "Một cái giấy khai sinh mà có tới 5 - 6 cơ quan phải tham gia vào".
Đó mới chỉ là cái giấy khai sinh nhỏ nhoi thôi, còn như giấy tờ liên quan tới đất đai, xây dựng nhà cửa, đóng thuế, thành lập doanh nghiệp, cấp phép dự án... thì phải đi qua cả rừng thủ tục với đủ loại nhân sự phụ trách mỗi người một khâu.
Nói thế nào thì nói, nguyên nhân hàng đầu khiến các cơ quan nhà nước không thể tinh gọn chính là sự thiếu chấp hành kỷ cương cũng như quyết tâm của các cấp lãnh đạo. Nhiều chính sách, quy định đã được ban hành, nhưng lấn cấn đủ thứ khi đưa vào thực tế.
Vướng thì phải gỡ, tiếc thay là không mấy ai muốn gỡ, cứ vương vấn mãi nếp làm cũ kỹ, cái lợi thô thiển trước mắt, đặc biệt là loanh quanh bởi câu hỏi: "Giải quyết thế nào với người dôi dư?".
Đến lúc phải cương quyết thôi, dứt khoát bỏ hẳn những thủ tục rắc rối, đoạn tuyệt với lối mòn xưa cũ, mạnh dạn cắt đứt những cơ cấu rườm rà, nhân sự thừa thãi. Từ đó tiến tới chuẩn hóa bộ máy, rồi khoán lương và khoán biên chế trên cơ sở hợp lý, khoa học.
3. Cơ cấu phức tạp của các cơ quan nhà nước hiện nay đang đòi hỏi chúng ta phải thoát ra khỏi sự kiểm soát của những thói quen không phù hợp với tiêu chuẩn văn minh.
Muốn phục vụ dân một cách hiệu quả, mọi cơ quan nhà nước phải gọn nhẹ, hoạt động thông suốt. Như thế thì không cần phải có những cán bộ ham hố quyền lực hoặc những người vô trách nhiệm, vô công rỗi nghề ngồi chễm chệ ở các cơ sở công quyền lẫn tổ chức đoàn thể - xã hội.
Đến lúc phải có một cuộc cách mạng thật sự trong công cuộc "giảm biên", nếu cứ để khoản chi lương bổng chiếm tới hơn 60% ngân sách nhà nước thì đất nước không thể phát triển và vươn mình như mong muốn của mọi người.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/can-co-cuoc-cach-mang-tinh-gian-a196794.html