Nội dung chính Hàng tỷ USD tiêu tan vì một loài cây có nguồn gốc châu Á Cách biến thực vật xâm lấn thành món ăn đặc sản của người Trung Quốc |
Có một số loài cây gây ra "thảm họa sinh thái" ở nước ngoài, nhưng tại Trung Quốc, chúng lại trở thành món ngon hoặc vị thuốc chữa bệnh. Trang tin Sohu đã dẫn chứng bằng loại thực vật dưới đây.
Loài cây là "ác mộng" của nhiều quốc gia
Câu chuyện về cây cốt khí củ thực sự khiến người ta phải suy ngẫm. Theo ghi chép của Jesse Wheeler và Sophia Cameron – những người tham gia dự án Quản lý Chương trình Thực vật của Mỹ cho hay, trong số tất cả các thực vật xâm lấn tại Mỹ, cốt khí củ có lẽ là loài độc đáo nhất.
Hãy tưởng tượng một loài cây có thể xuyên thủng vỉa hè hoặc len lỏi qua các vết nứt móng nhà. Sự xâm lấn của chúng thường diễn ra đột ngột và mạnh mẽ, khiến chúng thành công trên hầu hết toàn cầu. Cốt khí củ thường được tìm thấy ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của con người, chẳng hạn như đường giao thông, đường mòn và công trường xây dựng.
Những khu vực này cung cấp cho chúng một lượng lớn ánh sáng cần thiết để phát triển mạnh, và sự xáo trộn của lớp đất mặt cho phép hệ thống rễ phức tạp của chúng hình thành. Một khi đã bén rễ, cây có thể cao tới 3 mét chỉ trong một mùa sinh trưởng, điều này khiến chúng dễ được nhận diện.
Còn tại Anh, cốt khí củ là nỗi sợ hãi lớn của người dân địa phương bởi sức phá hoại quá lớn. Hệ thống rễ của cốt khí củ rất sâu và chắc khỏe, có thể ăn sâu xuống đất 5 mét, lan rộng theo chiều ngang hơn 7 mét. Cho dù là móng nhà, cầu hay cống rãnh, chỉ cần có một khe hở nhỏ, nó đều có thể vươn lên, "xé toạc" công trình.
Khả năng sinh sản của nó càng khủng khiếp hơn, dù chỉ còn lại một đoạn thân rễ nhỏ, nặng vài gam, cũng có thể mọc lại thành một vùng cây lớn. Để loại bỏ cốt khí củ, chính phủ Anh đã phải thử nhiều cách, thậm chí đã thử thả loài rệp thiên địch của nó để tiêu diệt, tuy nhiên, tuổi thọ của những con rệp quá ngắn nên hiệu quả không cao.
Nhiều nơi phải sử dụng thuốc diệt cỏ hóa học, nhưng cách này không chỉ tốn kém mà còn phải phun liên tục trong nhiều năm mới có hiệu quả. Chỉ riêng chi phí để dọn sạch một mảnh đất nhỏ nơi cốt khí củ phát triển đã lên tới hàng nghìn bảng Anh. Tại Anh, tính tới năm 2012, các bất động sản bị cốt khí củ xâm lấn khiến chúng bị giảm giá trị tổng cộng tới 25 tỷ USD.
Đặc điểm nhận dạng cốt khí củ
Cốt khí củ hoặc hổ trượng có tên khoa học là Fallopia japonica, là một loại thảo dược thuộc họ Polygonaceae, được mô tả khoa học đầu tiên bởi Houtt. vào năm 1777. Loài này có nguồn gốc từ Đông Á, bao gồm các khu vực Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên. Cốt khí củ là một trong những loài thực vật xâm lấn nhất trên thế giới và được cho là có mặt trên mọi lục địa trừ Nam Cực.
Thân cây cốt khí củ được so sánh với thân cây tre, rỗng và phân đốt, mặc dù loài cây này thực sự thuộc họ kiều mạch (Polygonaceae). Lá cây rộng, hoàn chỉnh và mọc so le. Thân cây có xu hướng chuyển sang màu cam khi trưởng thành, trong khi lá có màu xanh đậm. Mỗi thân cây riêng lẻ ra hoa vào cuối mùa hè, tạo ra các cụm hoa nhỏ màu trắng. Sau khi quả được tạo ra, thân cây sẽ bị chết ngay đợt sương giá đầu tiên của mùa thu, tuy nhiên chúng nhanh chóng mọc lại từ thân rễ bên dưới vào mùa xuân.
Giống như nhiều loài thực vật xâm lấn khác, ban đầu cốt khí củ được sử dụng cho mục đích trang trí và tạo hàng rào trong các khu vườn. Hoa và chiều cao của nó hấp dẫn những người tìm kiếm sự che phủ dày đặc dọc theo ven đường.
Cốt khí củ mọc thành từng bụi dày đặc và đạt đến độ cao đáng kinh ngạc rất nhanh. Điều này khiến các loài động vật ăn cỏ gần như không thể ăn hoặc giẫm đạp lên nó. Rễ của nó cũng cực kỳ cứng cáp và cách duy nhất để loại bỏ vĩnh viễn một bụi cốt khí củ là đào hoàn toàn và loại bỏ thân rễ của nó, một việc gần như bất khả thi. Ngoài ra, quả của nó rất nhỏ và dễ dàng phát tán bởi đường thủy và gió. Nó vẫn thường được trồng trong vườn bởi những người không biết về tác hại mà nó có thể gây ra, khiến việc quản lý trở thành một "cuộc chiến khó khăn".
Không chỉ gây hại cho các công trình, cốt khí củ còn gây hại cho môi trường xung quanh. Sự phát triển của các bụi cây mới chắn ánh sáng mặt trời của các loài thực vật bản địa bên dưới, ngoài ra, nó còn tiêu thụ một lượng lớn khoáng chất và chất dinh dưỡng từ đất. Điều này khiến cho các nguồn tài nguyên sẵn có dành cho các loài gần đó bị hạn chế và khiến chúng bị chết.
Biến thực vật xâm lấn thành món ăn đặc sản
Ở nhiều nơi tại Trung Quốc, cốt khí củ không thể gây hại. Cốt khí củ không những không bị ghét bỏ mà còn là "món ăn vặt tự nhiên" của người. Người ta thường chọn phần thân non nhất, gọt bỏ vỏ ngoài, trộn với bột ớt, muối và giấm thành một món ăn có vị chua chua ngọt ngọt, giòn giòn.
Ở nhiều vùng Tây Nam của Trung Quốc, thân non của cây này còn được dùng để xào, nấu canh, đặc biệt ở Quý Châu, món canh chua cốt khỉ củ là món đặc sản khiến người ta nhớ mãi không quên.
Giá trị của cốt khí củ không chỉ dừng lại ở việc ngon miệng. Trong "Bản thảo cương mục" có ghi chép, cốt khí củ có công dụng hoạt huyết, thanh nhiệt giải độc, trị ho, bình suyễn. Trong y học hiện đại, thành phần resveratrol có trong thân rễ của hổ trượng, nhờ tác dụng chống oxy hóa, chống lão hóa nên được sử dụng rộng rãi trong việc nghiên cứu và phát triển thuốc và thực phẩm chức năng.
Cốt khí củ, loài cây được coi là "thảm họa" ở nước ngoài, lại trở thành những món đặc sản đầy thú vị ở Trung Quốc. Điều này thể hiện khả năng khai thác tài nguyên thiên nhiên độc đáo của người Trung Quốc và đây cũng thể xem là một phương án xử lý thực vật xâm lấn đáng học hỏi.