Những con sóng đục ngầu lăn tăn đập vào đê biển ở Vịnh Thái Lan như một chỉ dấu cho thảm hoạ trong tương lai.
Tình trạng xâm nhập mặn ở bờ biển Thái Lan đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Một điểm đánh dấu mép nước giờ đây nằm xa xăm so với bờ đất thực tại.
Những con mòng biển bay lơ lửng trên không trung vừa để tìm nơi làm tổ, vừa để báo hiệu về thảm kịch tiềm tàng có thể nhấn chìm cả thủ đô của Thái Lan.
Cộng đồng dân cư ở quận Bang Khun Thian thuộc Bangkok là những chứng nhân cho sự xâm lấn của nước mặn vào đất liền. Họ sẽ là những người chịu ngập đầu tiên nếu các trận lũ đe doạ nhấn chìm Bangkok ập đến.
Phần lớn Bangkok có nguy cơ bị nhấn chìm vào năm 2050
Thủ đô của Thái Lan chỉ cách mực nước biển 1,5 m. Khoảng cách giữa những con sóng dâng cao với phố xá và những toà cao ốc của Bangkok là rất mong manh. Phần đất liền của đô thị này trung bình mỗi năm bị chìm dần 2 cm, theo CNA.
Điểm đánh dấu này từng báo hiệu vị trí đất liền giao nhau với biển trên Vịnh Thái Lan, giờ đây chìm trong nước biển. Ảnh: CNA. |
Thứ ngăn cách giữa thủ đô Bangkok và thảm hoạ ngập lụt là những cánh rừng ngập mặn non trẻ và hệ thống đê biển thô sơ được cộng đồng ngư dân ven biển xây đắp bằng đất, đá và tre.
Giới chuyên gia dự đoán rằng với tình hình này, mực nước biển dâng cao có thể nhấn chìm phần lớn Bangkok vào năm 2050.
"Trong mùa mưa bão, thuỷ triều rất mạnh và sóng biển gây xói mòn khiến đất sạt lở", ông Suthee Changcharoen, người đứng đầu cộng đồng Bang Khun Thian, cho biết. "Chúng tôi ngày càng phải rút lui dần. Dân làng không có tiền để chống biển. Chúng tôi phải bỏ chạy vì không thể chiến đấu".
Tương tự nhiều thủ đô khác ở Đông Nam Á, Bangkok được bao quanh bởi nước. Đây là vùng đồng bằng ngập lụt từ lâu trước khi con người bắt đầu đào kênh và đắp đê.
Giờ đây, những đô thành sầm uất này, bao gồm cả Kuala Lumpur và Jakarta, phải loay hoay tìm giải pháp để xử lý tình trạng ngập lụt.
Biến đổi khí hậu biến nước biển thành mối đe doạ với những đô thị trên với mực nước dâng cao, những cơn bão hung hãn và lượng nước mưa tăng bất thường.
Vào tháng 9, ông Thaksin Shinawatra, chính trị gia kỳ cựu của Thái Lan và là cha kiêm cố vấn của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, đã vạch ra kế hoạch quy mô nhằm xây dựng một dự án cách bờ biển 3 km, tại vùng bờ biển rộng lớn bên ngoài Bang Khun Thian.
Dự án này, được gọi là "Chuỗi ngọc trai", sẽ bao gồm 9 đảo nhân tạo đóng vai trò ngăn cản mực nước biển dâng cao. Mỗi hòn đảo sẽ có lớp đê biển riêng, lấy cảm hứng từ hệ thống cơ sở hạ tầng chống ngập lụt của Hà Lan.
"Chúng tôi dự án này là chuỗi ngọc trai vì những hòn đảo nằm ở vị trí trọng điểm", ông Plodprasop Suraswadi, cựu phó Thủ tướng Thái Lan và là Chủ tịch ủy ban chính sách môi trường của đảng Pheu Thai, nói. "Dự án này sẽ làm giảm xói mòn khu vực bao bờ vì các hòn đảo nhân tạo được xây dựng trên biển".
Ông Suraswadi cũng đề cập đến việc xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm đường sắt, sân bay, cảng vận chuyển, khu phức hợp giải trí, nhà máy, cầu cống, khu dân cư và đường dây liên lạc trải dài trên phạm vi 100 km của toàn bộ Vịnh Thái Lan.
Trong nhiều năm, ông Plodprasop đã ủng hộ tầm nhìn táo bạo về một dự án không thua gì đảo Long Island của Singapore. Mặc dù ông thừa nhận rằng cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu trước khi phê duyệt hoặc hiện thực hóa, ông Plodprasop vẫn kiên quyết rằng Bangkok cần phải có tư duy khác biệt để tồn tại.
“Sẽ tốn kém chứ? Đúng. Sẽ mất nhiều thời gian chứ? Chắc chắn rồi”, ông Plodprasop nói với CNA.
“Nhưng nếu chúng ta muốn cứu 16.000 km2 đất, chúng ta phải làm theo cách này chứ không còn hướng nào khác. Chúng ta làm như vậy để bảo vệ đất nước và lịch sử”, ông nói thêm, ám chỉ vùng đất trũng ở Thái Lan đang phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt.
Quận Bang Khun Thian tiếp giáp với biển có nguy cơ bị nhấn chìm với tốc độ dâng của mực nước biển hiện tại. Ảnh: CNA. |
Một báo cáo của Greenpeace năm 2021 cho thấy hơn 96% diện tích đất của Bangkok có thể bị nhấn chìm nếu đô thị này phải đối đầu với một trận lũ lịch sử. Dự báo của Greenpeace cũng cho rằng 10 triệu cư dân của thủ đô Bangkok có thể bị đe doạ vào năm 2030.
Nhiều dự án cơ sở hạ tầng như đập, kè chắn sóng, đường xá và cầu cống đang được triển khai ở Bangkok và nhiều nơi khác để giảm thiểu mối đe doạ lũ lụt.
Giới chức Bangkok đã cam kết cải thiện 737 khu vực có nguy cơ ngập lụt, phần lớn trong số đó dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Chính quyền cũng đang xem xét xây dựng một đê chắn lụt có chức năng tương tự như rào chắn ở Sông Thames, vốn được thiết kế để bảo vệ London khỏi thủy triều dâng.
"Vấn đề trong tương lai là khi mực nước biển dâng cao, mực nước ở sông Chao Phraya cũng sẽ dâng theo", Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt trả lời truyền thông Thái Lan vào tháng 9. "Không chỉ Bang Khun Thian, mọi nơi đều sẽ bị ngập lụt. Vì vậy, chúng ta cần nghĩ cách xây dựng các rào chắn bảo vệ".
Chính phủ Thái Lan đang thúc đẩy một chương trình nghị sự toàn diện để quản lý nguy cơ từ tình trạng nước biển dâng cao, với trọng tâm là bảo vệ Bangkok, khu vực kinh tế hùng mạnh của đất nước.
Chính phủ đã bắt đầu thực hiện "Kế hoạch Chao Phraya 9", bao gồm các khoản đầu tư quản lý lũ lụt với chi phí ước tính là 9,4 tỷ USD với những cơ sở hạ tầng thủy lực và mở rộng khả năng lưu trữ nước.
Những vết sẹo từ trận lũ lụt chết người năm 2011 vẫn còn nguyên ở nhiều nơi. Vào thời điểm đó, thủ đô Bangkok đã bị tàn phá bởi sự kết hợp của lượng mưa lớn và nước lũ chảy từ phía bắc, khiến 815 người thiệt mạng và gây thiệt hại 46,5 tỷ USD.
Một số chuyên gia cho rằng cần phải đầu tư nhiều hơn để đối phó với thách thức ngày càng gia tăng, trong bối cảnh miền Bắc Thái Lan đang phải hứng chịu lũ lụt tàn phá đặc biệt trong mùa mưa năm nay.
Ngân hàng Thế giới đã thảo luận để hỗ trợ các khoản đầu tư. Chuyên gia quản lý thuỷ lợi cấp cao Sanjay Pahuja, cho biết Thái Lan chi tiêu ít hơn rất nhiều cho việc kiểm soát lũ lụt so với các quốc gia khác ở châu Á. Đơn cử, Nhật Bản luôn chi 1% GDP hàng năm cho vấn đề này.
Ông Pahuja cũng lưu ý rằng Bangkok là khu vực dễ bị tổn thương khi đứng trước nguy cơ ngập lụt với mật độ dân số và chuỗi cung ứng quá lớn.
"Không có nhiều nơi trên thế giới tồn tại sự kết hợp đáng lo ngại như vậy", ông Pahuja nói. "Đối với những khu vực như Thái Lan, việc phòng lụt là nhiệm vụ tối quan trọng. Nếu không nghiêm túc với công tác này, những việc khác chúng ta làm đều trở nên vô nghĩa".
Bangkok là khu vực dễ tổn thương trước nguy cơ ngập lụt. Ảnh: CNA. |
Khoảng 20% Jakarta đã nằm dưới mực nước biển
Thủ đô Jakarta của Indonesia cũng đối mặt tình cảnh tương tự Bangkok. Mỗi đêm, bà Fatimah, cư dân khu phố Muara Baru, đều bồn chồn lắng nghe tiếng sóng đập vào bức tường bao quanh khu dân cư ven biển.
Vào những ngày trăng tròn và trăng non khi thủy triều lên mức cao nhất hoặc vào mùa gió khi biển động, bà Fatimah hầu như không ngủ.
Vào tháng 9, mực nước biển dâng cao nhanh đến mức gần chạm đến đỉnh bức tường bảo vệ khu phố Muara Baru. Nước mặn đã thấm qua các vết nứt của công trình, nhấn chìm khu phố đông đúc, nơi hiện đã thấp hơn mực nước biển khoảng 5 m, ngập đến mắt cá chân.
"Tôi sợ một ngày nào đó bức tường sẽ sụp. Tôi không thể tưởng tượng nổi viễn cảnh đó", bà Fatimah nói.
Ở Muara Baru, nước không có chỗ thoát mà phải thấm vào đất. Bà Fatimah nói rằng khu phố của bà phải mất 5 ngày sau khi bị ngập mới khô hoàn toàn được.
Trong 50 năm qua, Jakarta đã chìm xuống với tốc độ lên tới 25 cm mỗi năm, đặc biệt là ở các khu vực ven biển như Muara Baru.
Theo một số nghiên cứu, khoảng 20% Jakarta đã nằm dưới mực nước biển, bao gồm cả các cửa sông của 13 con sông trong thành phố. Điều này khiến thành phố dễ bị lũ lụt hơn khi các con sông tràn bờ và nhấn chìm các khu vực thấp hơn gần đó vì các tuyến đường thủy mất khả năng tự thoát nước ra biển.
Vào mùa mưa, Jakarta phải dựa vào hơn 200 trạm bơm dọc theo các khu vực ven biển để xả nước từ các con sông này ra biển.
Jakarta đứng trước nguy cơ lũ quét và ngập lụt mỗi khi mưa lớn. Ảnh: CNA. |
Với một số nghiên cứu cho thấy toàn bộ Jakarta có thể nằm dưới mực nước biển vào năm 2050, Indonesia đang chuyển thủ đô từ Jakarta đến Nusantara, một thành phố mới được xây dựng ở Borneo.
Bên cạnh đó, Indonesia đang cân nhắc ý tưởng xây dựng một bức bờ bao khổng lồ dài 30 km cách bờ biển Jakarta khoảng 4 km, nơi mật đất không bị lún.
Kế hoạch này được đề xuất vào năm 2014 và hứa hẹn sẽ là giải pháp lâu dài cho tình trạng sụt lún đất ở Jakarta cũng như mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.
Bức tường trị giá 3,7 tỷ USD này dự kiến được thiết kế để phục vụ như một tuyến đường thu phí nối liền Jakarta và các khu vực khác. Dự án này cũng có thể đóng vai trò như một con đập chứa nước từ 13 con sông lân cận đổ về để xử lý thành nước uống.
"Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ tài trợ cho bức tường biển này?" Tiến sĩ Yayat Supriyatna, một chuyên gia quy hoạch đô thị từ Đại học Trisakti của Jakarta, nói với CNA.
Kế hoạch này sau đó bị gác lại vì thiếu kinh phí đầu tư và những lời chỉ trích rằng việc triển khai xây tường biển có thể phá hỏng hệ sinh thái rừng ngập mặn của Jakarta.
Tuy nhiên, tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đang cân nhắc hồi sinh dự án nói trên, thậm chí mở rộng phạm vi tường biển ra đến Gresik, cách Jakarta khoảng 650 km.
Tiến sĩ Heri Andreas, một nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Bandung, nhận xét rằng việc xây dựng một bức bờ bao khổng lồ không giải quyết được vấn đề gốc rễ, vốn là sự hoạt động quá mức của mực nước ngầm.
"Tìm kiếm các nguồn nước sạch mới và mở rộng mạng lưới thuỷ lợi của thành phố sẽ hiệu quả hơn so với việc xây dựng một bức tường khổng lồ", ông Andreas nói.
Thủ đô Jakarta của Indonesia đã nằm dưới mực nước biển. Ảnh: CNA. |
Malaysia gấp rút hành động
Chính quyền và cư dân ở thủ đô Kuala Lumpur thuộc nước láng giềng Malaysia cũng rút ra bài học tương tự người Jakarta về tầm quan trọng của việc đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi.
Mỗi khi nhìn thấy bầu trời chuyển đen, ông Muarif Matrawi, cư dân ở Kampung Chubadak, lại cảm thấy lo lắng.
Bởi lẽ, người đàn ông 61 tuổi này biết rằng một cơn mưa nhỏ và ngắn cũng có thể làm mực nước sông gần nhà ông dâng cao một cách nhanh chóng.
Trong 18 tháng qua, ngôi nhà cấp 4 của ông Matrawi đã bị ngập đến 2 lần, buộc ông phải bỏ bớt nệm và một số thiết bị điện.
Để ngăn lũ vào nhà, ông Matrawi đã tự xây một rào chắn bê tông nhỏ trước cửa.
Ông Matrawi không phải người duy nhất cảm thấy lo ngại mỗi khi trời mưa. Trong bối cảnh Kuala Lumpur tiếp tục phát triển và mở rộng nhanh chóng, mỗi đe doạ lũ quét luôn rình rập mỗi khi có mưa lớn.
Kuala Lumpur và thung lũng Klang là nơi chảy qua của một số con sông lớn, trong đó có sông Klang và sông Gombak hợp lưu tại trung tâm thủ đô.
Các nhà chức trách và giới chuyên gia cho biết tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến Malaysia phải hứng chịu nhiều trận mưa lớn và thường xuyên hơn trong những năm gần đây, trong khi cơ sở hạ tầng hiện tại không thể ứng phó với lượng mưa lớn bất thường.
Tình hình trở nên tệ đến mức giới chức Kuala Lumpur phải công bố thêm 14 điểm lũ quét thường xuyên vào tháng 8, nâng tổng số điểm nóng lũ quét lên 39.
"Biến đổi khí hậu là một thách thức khó nhằn. Trước đây, tháng 8 không phải mùa mưa nhưng giờ mọi thứ đã khác", hãng thông tấn nhà nước Bernama dẫn lời Thị trưởng Kuala Lumpur Maimunah Mohd Sharif cho biết.
Bà Mainumah nói rằng giới chức thành phố đang xem xét đẩy nhanh các dự án tăng cường bảo dưỡng định kỳ hệ thống hồ chứa nước mưa tại chỗ cũng như các đường cống rãnh.
Thị trưởng Mainumah nói thêm rằng quá trình đào sâu 9 hồ chứa nước đang được thực hiện song song với công tác nâng cấp hệ thống thoát nước ven đường.
Trong một tuyên bố vào ngày 19/10, vài ngày sau khi lũ quét tấn công một số khu vực của Kuala Lumpur, bà Maimunah cho biết ba dự án giảm thiểu lũ lụt đã hoàn thành, ba dự án đang được thực hiện trong khi tám dự án khác sẽ được triển khai.
Cũng theo bà Mainumah, toàn bộ dự án nói trên dự kiến hoàn tất vào quý 1/2025. Tòa thị chính Kuala Lumpur cũng đã lắp đặt các cảm biến mực nước tại 30 khu vực có nguy cơ lũ lụt bao gồm các con sông và cống rãnh để cảnh báo chính quyền phản ứng kịp thời.
Một góc đường hầm SMART của Malaysia. Ảnh: CNA. |
Phó chủ tịch Viện Kỹ sư Malaysia Nor Hisham Mohd Ghazalli nói với CNA rằng cơ sở hạ tầng hiện tại của Kuala Lumpur không thể theo kịp tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt là để ứng phó với lượng mưa lớn.
Ông Nor Hislam nói thêm rằng tốc độ đô thị hoá cao đã san phẳng nhiều khu vực xanh, khiến khả năng hấp thụ nước mưa của đất giảm mạnh.
Dự án đường hầm quản lý nước mưa và đường bộ (viết tắt là dự án SMART) do chính phủ Malaysia khởi xướng nhằm giảm thiểu ngập lụt tại Kuala Lumpur đã được khánh thành vào năm 2017.
Đường hầm dài 9,7 km chạy từ phía nam thủ đô đến trung tâm thành phố có chi phí xây dựng khoảng 443 triệu USD. Đường hầm này được kỳ vọng sẽ vừa giúp giảm tắc nghẽn giao thông vừa điều tiết tình trạng ngập lụt.
Khi mưa lớn, hệ thống SMART có thể chuyển hướng lượng lớn nước lũ qua hai ao chứa, một đường hầm vòng và một hồ chứa.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Star vào năm 2022, Mohd Noor Mohd Ali, giám đốc điều hành dự án SMART, cho biết đường hầm đã giải quyết khoảng 45% các trận lũ lớn ở thung lũng Klang.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/nhieu-thu-do-dong-nam-a-dung-truoc-nguy-co-bi-nhan-chim-a197495.html