Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ thượng đỉnh G20, ngày 19-11 Thủ tướng đã dự và phát biểu tại phiên thảo luận "Phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng". Trong thời gian ở Rio de Janeiro, ông cũng gặp nhiều lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế, qua đó thúc đẩy quan hệ song phương.
26 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc
"Việc được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 cho thấy vai trò, vị thế của Việt Nam ta trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để củng cố, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước đối tác.
Những nền kinh tế thành viên G20 chiếm tới 85% GDP toàn cầu, gồm nhiều nước có tiếng nói quan trọng với xu hướng chính trị, kinh tế, thương mại của thế giới", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một thành viên trong đoàn của Thủ tướng, nói với Tuổi Trẻ.
GS Julien Chaisse (ĐH Hong Kong, Trung Quốc) ví von sự tham gia của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam "mở ra cánh cửa cho các cuộc thảo luận phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế và hợp tác đa phương của Việt Nam".
Cũng theo ông Chaisse, đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam tái khẳng định lập trường thương mại đa phương, công bằng và tài chính bền vững, bao trùm mà còn là dịp để Việt Nam thúc đẩy quan hệ với các nước tham dự.
"Sự hiện diện tại G20 là chỉ dấu cho thấy vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu, từ đó thu hút các mối quan hệ đối tác có thể thúc đẩy những mục tiêu phát triển của mình", ông Chaisse nhận định.
Thật vậy, chỉ trong ngày 18-11, Thủ tướng đã có 26 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi với lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế, trong đó có lãnh đạo các nước là Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay lãnh đạo Liên minh châu Âu, Liên Hiệp Quốc.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết tại các cuộc gặp đó, Thủ tướng đã khẳng định Việt Nam luôn mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, đưa quan hệ phát triển lên tầm cao mới, thực chất và đi vào chiều sâu.
Lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao thành tựu kinh tế - xã hội và vị thế quốc tế của Việt Nam, khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện và bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam.
Kinh nghiệm cho nền kinh tế số
Ngoài thượng đỉnh G20, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có các hoạt động song phương với chủ nhà Brazil. Lãnh đạo hai bên đã quyết định tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, đánh dấu một trang mới trong quan hệ giữa Việt Nam với nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin.
Có mặt tại một số sự kiện của Thủ tướng, ông Victor Key, chủ tịch Phòng Thương mại Latam Việt Nam, cho biết tổ chức phi lợi nhuận này được thành lập năm ngoái với hai văn phòng tại Sao Paulo (Brazil) và TP.HCM. Mục tiêu của tổ chức là thúc đẩy thương mại song phương, đầu tư và giao lưu văn hóa giữa các nước Mỹ Latin và Việt Nam.
"Chúng tôi cảm thấy được khuyến khích bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính để tham gia vào sứ mệnh góp phần thúc đẩy quan hệ hai bên. Để Mỹ Latin, trong đó có Brazil, và Việt Nam ngày càng gần nhau hơn nữa, tôi tin rằng chìa khóa là cải thiện cơ sở hạ tầng hậu cần để tăng giao thương, đáp ứng cả cung lẫn cầu", ông Key nói với Tuổi Trẻ và cho rằng có thể tham khảo từ cách Trung Quốc - một thành viên G20 - đang làm.
Khi được hỏi Việt Nam có thể gặt hái được gì từ việc tham dự G20, GS Chaisse cho rằng Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tìm kiếm "các bản thiết kế" cho nền kinh tế số, với các quy định rõ ràng và quan hệ đối tác công tư là những thành phần chính.
"Các nền kinh tế G20 cung cấp một loạt ví dụ thành công về việc xây dựng nền kinh tế số. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy tầm quan trọng của các khuôn khổ chính sách rõ ràng và đầu tư nhất quán vào công nghệ", ông Chaisse nhận định.
Ông cũng nhấn mạnh việc phát triển quan hệ đối tác công tư và đầu tư vào kiến thức số có thể tạo nền tảng vững chắc cho chuyển đổi số, tương tự các mô hình ở Đức và Nhật Bản.
Đối với Việt Nam, chuyên gia này cho rằng việc áp dụng các quy định về bảo mật dữ liệu và giao dịch trực tuyến là chìa khóa để xây dựng lòng tin của nhà đầu tư và khuyến khích mở rộng kỹ thuật số.
"Các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể lấy những ví dụ này làm điểm khởi đầu để định hình nền kinh tế số dẻo dai, thúc đẩy sự hòa nhập và tăng trưởng", ông Chaisse nói với Tuổi Trẻ.
Thủ tướng thăm Cộng hòa Dominica
Rời Rio de Janeiro (Brazil), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đến thủ đô Santo Domingo của Cộng hòa Dominica vào tối 19-11 (giờ địa phương, tức rạng sáng 20-11 theo giờ Việt Nam).
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng và Phu nhân đến Cộng hòa Dominica, cũng là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo chủ chốt Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2005.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, chuyến đi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm năng như: nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh khu chế xuất, năng lượng - dầu khí, viễn thông và du lịch.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/vai-tro-ngay-cang-tang-cua-viet-nam-tu-g20-a197655.html