15 năm Google xây dựng văn hóa ‘che giấu’

Là gã khổng lồ lưu trữ thông tin của cả thế giới, nhưng Google đã thực hiện chiến dịch kéo dài 15 năm hạn chế và xóa bỏ tài liệu nội bộ nhạy cảm một cách có hệ thống, nhằm tránh kiện tụng sau này.

Cuối năm 2008, khi Google đang đối mặt với những cuộc điều tra chống độc quyền liên quan đến thỏa thuận quảng cáo với Yahoo và kiện tụng về bằng sáng chế, nhãn hiệu thương mại, bản quyền, ban lãnh đạo đã gửi một bản ghi nhớ mật đến toàn thể nhân viên.

Xóa sổ tin nhắn nội bộ để tránh lỡ lời

Trong bản ghi nhớ này, Google nhấn mạnh triết lý quen thuộc: “Chúng tôi cho rằng thông tin là điều tốt”. Tuy nhiên, họ cũng nói thêm rằng các cơ quan quản lý hoặc đối thủ cạnh tranh có thể tận dụng những lời do nhân viên của Google viết ra một cách bất cẩn để chống lại họ, New York Times tiết lộ.

Nhằm giảm thiểu rủi ro từ những thông tin có thể trở thành bằng chứng chống lại mình trong các vụ kiện tụng, Google khuyến khích nhân viên tránh sử dụng những cụm từ phỏng đoán và mỉa mai, đồng thời “nghĩ kỹ” trước khi thảo luận về vấn đề nhạy cảm. “Đừng bình luận trước khi bạn có đầy đủ thông tin”, bản ghi nhớ mật nhấn mạnh.

Google còn điều chỉnh cả công nghệ. Cài đặt mặc định của công cụ nhắn tin nội bộ được chuyển sang chế độ “off the record” (không ghi lại lịch sử). Những tin nhắn vô ý hoặc nhạy cảm sẽ bị xóa tự động sau 24h.

Google van hoa ‘che giau’ anh 1

Google đã yêu cầu nhân viên tránh sử dụng những cụm từ suy đoán, mỉa mai và chỉ nên phát ngôn sau khi có đầy đủ thông tin. Ảnh: Bloomberg.

Đây chính là khởi đầu cho chiến dịch kéo dài 15 năm của Google nhằm biến việc xóa bỏ thông tin trở thành văn hoá mặc định trong giao tiếp nội bộ. Mặc dù là một gã khổng lồ lưu trữ thông tin của cả thế giới, Google lại xây dựng một nền văn hóa hạn chế lưu trữ thông tin nội bộ của chính mình.

Hãng liên tục cảnh báo nhân viên rằng “những lời lỡ miệng” có thể làm tổn hại đến cả một tập đoàn, dù khổng lồ đến đâu.

Văn hóa của sự dè chừng

Theo New York Times, những gì diễn ra bên trong Google đã được phơi bày qua hàng trăm tài liệu và lời khai nhân chứng trong 3 phiên tòa chống độc quyền gần đây chống lại tập đoàn này.

Các tài liệu tiết lộ Google khuyến khích nhân viên bổ sung cụm từ “đặc quyền giữa luật sư-khách hàng” (attorney-client privilege) vào tài liệu và luôn thêm luật sư của Google vào danh sách người nhận, ngay cả khi không có vấn đề pháp lý nào liên quan.

Tập đoàn cho phép nhân viên tự quyết định có lưu giữ tin nhắn trên các công cụ nhắn tin nội bộ hay không. Nếu nhân viên không bật chế độ lưu trữ, các tin nhắn này sẽ bị xóa tự động. Từ các bằng chứng tại tòa, rất ít người bật chức năng này.

Theo New York Times, Google không phải là công ty duy nhất cố gắng giữ tin nhắn văn bản và tin nhắn tức thời tránh khỏi sự giám sát của tòa án. Các tập đoàn lớn như Amazon, chuỗi siêu thị Albertsons-Kroger liên tục xung đột với cơ quan quản lý về cách sử dụng những loại thông tin này trước pháp luật.

Trước đây, các cuộc trò chuyện ngẫu hứng trong giờ làm hay qua điện thoại có thể mang tính buộc tội, nhưng chúng dễ dàng biến mất. Ngày nay, các tin nhắn văn bản và tức thời đều có thể ghi lại mọi lời nói. Google và nhiều tập đoàn khác mong muốn những tin nhắn này có thể “bay hơi” như những lời nói thoảng qua.

Song, Google là cái tên bị chỉ trích nặng nề nhất vì hành động của mình. Các thẩm phán trong 3 vụ kiện chống độc quyền đều khiển trách công ty vì những hành vi này.

Thẩm phán James Donato tại Toà án Quận phía Bắc California, gọi đây là “một văn hóa hệ thống cố hữu về việc đàn áp bằng chứng tại Google”. Văn hoá này “tấn công trực diện vào công lý”. Ông tuyên bố sẽ điều tra đến cùng trách nhiệm của Google sau khi phiên tòa kết thúc.

Tại bang Virginia, Thẩm phán Leonie Brinkema cũng lên án các chính sách lưu giữ tài liệu của Google, gọi chúng “không phù hợp với một tổ chức doanh nghiệp có trách nhiệm”. Bộ Tư pháp đã yêu cầu tòa án áp đặt án phạt nghiêm khắc, giả định rằng những tài liệu bị xóa có nội dung bất lợi cho Google.

Google van hoa ‘che giau’ anh 2

Với sự phổ biến của các công cụ nhắn tin nhanh như Slack, Signal, WhatsApp, không chỉ Google, nhiều tập đoàn lớn thường tìm cách xóa giấu vết các cuộc trò chuyện nội bộ. Ảnh: Wired.

Phản hồi cáo buộc, Google khẳng định hãng “nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ bảo quản và cung cấp tài liệu liên quan”. “Trong nhiều năm, chúng tôi đã giải đáp các thắc mắc và kiện tụng, đồng thời đào tạo nhân viên của mình về đặc quyền pháp lý”, phát ngôn viên cho biết.

Nhưng theo Agnieszka McPeak, giáo sư tại Đại học Luật Gonzaga, sự cố gắng này lại tạo ra hình ảnh Google đang giấu giếm. “Chính sách thực thi từ trên xuống của Google là ‘Không lưu bất cứ thứ gì có thể khiến chúng ta trông tệ hại'. Và đó mới là thứ khiến Google trông tệ hại. Nếu họ không có gì phải giấu giếm thì mọi người nghĩ tại sao họ lại hành động như vậy?”, giáo sư đặt câu hỏi.

Bài học từ Microsoft

Google được thành lập năm 1998, chỉ vài tháng sau khi Microsoft bị Bộ Tư pháp kiện vì hành vi độc quyền. Vụ kiện này phơi bày nhiều email nội bộ của Microsoft với nội dung gây sốc. Chẳng hạn như một lãnh đạo của công ty viết: “Chúng ta cần tiếp tục cuộc thánh chiến của mình vào năm sau”.

Chứng kiến sự sụp đổ của Microsoft trong vụ kiện, Google rút ra bài học: giảm tối đa các bằng chứng bất lợi. Tuy nhiên, chính sự phát triển công nghệ lại làm cho việc này trở nên phức tạp.

Trong vụ kiện với Epic, Kent Walker, cố vấn pháp lý hàng đầu của Google, cho biết Google tạo ra số lượng email trên đầu người gấp 13 lần so với trung bình các công ty khác chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm sau khi thành lập.

Google van hoa ‘che giau’ anh 3

Rút kinh nghiệm từ Microsoft, Google nhận ra rằng trong thời đại kỹ thuật số, mọi thứ đều có thể bị lưu giữ và sử dụng làm bằng chứng. Ảnh: NewsByte.

Khi đó, Google đã có “văn hóa email và nhắn tin tức thời”. Các công cụ nhắn tin tức thời của hãng, ban đầu được gọi là Talk, sau đó là Hangouts và sau đó là Chat, đã nhanh chóng được nhân viên sử dụng.

Ông cho biết công ty phải tìm cách thay đổi để không bị “nhấn chìm” trong khối lượng thông tin khổng lồ. Năm 2008, Google thông báo rằng các tin nhắn trên công cụ nhắn tin nội bộ sẽ bị xóa tự động. Chính sách được ký bởi Kent Walker và Bill Coughran, lãnh đạo nhóm kỹ thuật.

Trong một bản ghi nhớ từ năm 2011 có tiêu đề “Những điều cơ bản về chống độc quyền cho nhóm tìm kiếm”, công ty đã khuyến nghị nhân viên tránh các từ ngữ nhạy cảm như “chiến tranh”, “thắng thua”, “thị trường” hay “thống trị.” Thậm chí, cụm từ đơn giản như “đưa sản phẩm đến tay khách hàng mới” cũng bị coi là nhạy cảm vì có thể bị diễn giải sai.

Trên thực tế, các công cụ nhắn tin của Google như Chat không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là nơi để nhân viên "xả hơi”. Trong một tin nhắn được trình bày tại tòa, một nhân viên thừa nhận rằng việc phải cẩn thận với ngôn từ khiến cho các cuộc thảo luận trở nên “kém thú vị, thậm chí ít hữu ích hơn”.

Những nhân viên muốn lưu giữ tin nhắn thường bị nhắc nhở. Một tin nhắn từ năm 2021 cho thấy một nhân viên hỏi liệu họ có thể giữ lịch sử tin nhắn không. Phản hồi từ lãnh đạo là: “Không nên làm thế. Hãy tuân theo nguyên tắc mặc định là không lưu lịch sử”.

Đến năm 2023, Google thay đổi một số chính sách. Lịch sử tin nhắn mặc định được lưu giữ. Nhân viên không thể tắt tính năng này nếu nằm trong diện bị giám sát pháp lý.

Tuy nhiên, các thói quen cũ rất khó thay đổi. Một số nhân viên đã chuyển sang sử dụng các ứng dụng nhắn tin mã hóa như WhatsApp để trao đổi thông tin nhạy cảm, theo New York Times.

Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả

Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/15-nam-google-xay-dung-van-hoa-che-giau-a198300.html